Kịch bản cho mùa lễ hội an toàn, văn minh

0:00 / 0:00
0:00
TP - Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 8.000 lễ hội lớn nhỏ được tổ chức, tính cả lễ hội truyền thống và lễ hội mới. Phần lớn các lễ hội lại đổ dồn vào dịp đầu xuân, gây nên tình trạng người xem hội chen lấn, xô đẩy và hàng loạt hệ lụy khác. Một số địa phương sớm lên phương án điều chỉnh, đổi mới công tác tổ chức lễ hội cho một mùa hội lành mạnh, văn minh hơn.

Rục rịch chờ mở hội

Hội Gò Đống Đa (Hà Nội) mở đầu cho loạt lễ hội xuân. Lễ hội được tổ chức vào ngày mồng 5 tháng Giêng âm lịch hằng năm, nhằm tưởng nhớ chiến công lẫy lừng của vua Quang Trung với chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa. Từ sau giải phóng thủ đô (10/10/1954), hội gò Đống Đa trở thành quốc lễ. Chùa Đồng Quang gần gò Đống Đa là nơi diễn ra lễ cầu siêu, dâng hương tưởng nhớ công ơn của những anh hùng, nghĩa sĩ vì dân, vì nước.

Kịch bản cho mùa lễ hội an toàn, văn minh ảnh 1

Một cảnh dàn dựng trong chương trình nghệ thuật Âm vang Mê Linh.

Hà Nội cũng là mảnh đất có nhiều lễ hội quốc gia, lễ hội cấp vùng lớn bậc nhất cả nước dịp đầu xuân. Lễ hội chùa Hương khai hội mồng 6 tháng Giêng đến hết tháng 3 âm lịch hằng năm tại Hương Sơn, Mỹ Đức (Hà Nội), thường thu hút 5-6 vạn khách trong ngày mở hội. Đây được xem là lễ hội thu hút nhiều phật tử hành hương, nhiều du khách về dự hội và vãn cảnh bậc nhất miền Bắc.

Đẩy lùi hủ tục, tiêu cực trong lễ hội

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sớm ban hành Bộ tiêu chí về môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống với mục đích đảm bảo một mùa lễ hội văn minh, lành mạnh, đồng thời bài trừ hủ tục, tập quán lạc hậu, nghi lễ có tính bạo lực và các hành vi phản cảm, lệch chuẩn. Bộ tiêu chí về môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống gồm 9 tiêu chí chung và các tiêu chí cụ thể. Cả thảy 44 tiêu chí cụ thể được chia thành 9 nhóm tiêu chí cụ thể như: tiêu chí quản lý, tổ chức, về cơ sở vật chất, trang thiết bị, đảm bảo an toàn giao thông, an ninh trật tự xã hội, vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, ứng xử văn hóa khi tham gia hoạt động lễ hội...

Cùng ngày 6 tháng Giêng còn có Lễ hội đền Gióng (Sóc Sơn) và Lễ hội đền Hai Bà Trưng (Mê Linh). Lễ hội đền Gióng được tổ chức thường niên để tưởng niệm và ca ngợi chiến công của anh hùng Thánh Gióng - một trong tứ bất tử trong văn hóa dân gian Việt Nam. Hằng năm, lễ hội kéo dài trong 3 ngày từ mồng 6 đến hết mồng 8 tháng Giêng âm lịch.

Lễ hội đền Hai Bà Trưng được tổ chức nhằm tưởng nhớ, tri ân công đức của hai vị anh hùng dân tộc Trưng Trắc và Trưng Nhị, cùng các tướng lĩnh lãnh đạo cuộc khởi nghĩa đánh đổ ách thống trị của nhà Đông Hán giành lại nền độc lập dân tộc vào những năm 40-43 sau công nguyên. Chính hội đền Hai Bà Trưng diễn ra từ ngày mùng 6 đến ngày mùng 10 tháng Giêng âm lịch.

Mồng 10 tháng Giêng âm lịch (ngày 19/2/2024), khai Hội Xuân Yên Tử, hội kéo dài suốt 3 tháng đầu năm. Những năm gần đây, lễ hội này đã trở thành điểm hẹn của đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan.

Kịch bản cho mùa lễ hội an toàn, văn minh ảnh 2

Người dân đổ dồn về hàng chục lễ hội lớn diễn ra ngay sau Tết Nguyên đán.

Một trong những lễ hội lớn của miền Bắc có thể kể đến là: Lễ khai ấn đền Trần (Nam Định) diễn ra trong 3 ngày từ ngày 13 đến 15 tháng Giêng âm lịch hằng năm. Lễ khai ấn đền Trần năm 2023 bắt đầu từ giờ Tý (giữa đêm). Lễ hội này ngày càng thu hút đông người tới hành lễ, xin ấn với mong muốn năm mới thành đạt và phát tài.

Ở miền Nam, Hội Xuân núi Bà Đen (Tây Ninh) là một điểm nhấn mỗi dịp Tết đến xuân về. Đây là ngày hội truyền thống được tổ chức xuyên suốt từ ngày 4 đến ngày 16 tháng Giêng âm lịch. Hội Xuân núi Bà Đen là dịp để các tín đồ Phật giáo đến dâng hương bái lễ các thánh thần chư Phật và lắng nghe truyền thuyết về Linh Sơn Thánh Mẫu.

Hướng tới mùa hội văn minh

Với mong muốn các lễ hội có điểm nhấn mới, trở thành địa điểm du lịch văn hóa dựa trên các giá trị truyền thống, ban tổ chức (BTC) nhiều lễ hội nghĩ đến các kịch bản điều chỉnh, làm mới trong công tác tổ chức và quản lý. Theo đó, Lễ hội đền Hai Bà Trưng năm 2024 bên cạnh những nghi thức truyền thống, trang trọng theo hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể quốc gia sẽ có thêm chương trình nghệ thuật đặc sắc kết hợp công nghệ 3D mapping mang tên Âm vang Mê Linh dự kiến tổ chức vào tối mồng 6 tháng Giêng âm lịch (ngày 15/2 dương lịch). Âm vang Mê Linh sẽ khắc họa hình tượng hai vị anh hùng dân tộc Trưng Trắc và Trưng Nhị cùng các tướng lĩnh tham gia cuộc khởi nghĩa giành lại nền độc lập dân tộc vào những năm 40-43 sau công nguyên.

Xuyên suốt chương trình là câu chuyện lịch sử sẽ được kể bằng âm thanh, ánh sáng, đồ họa, kỹ xảo, dàn dựng sân khấu. Đặc biệt, hệ thống chiếu sáng sẽ chiếu cả xuống sàn sân khấu biểu diễn để khán giả có thể tưởng tượng mình đang đứng trong bối cảnh câu chuyện. “Công nghệ 3D mapping vẽ lại bức tranh oanh liệt mà bi tráng bằng ánh sáng, mang đến cho người xem trải nghiệm hình ảnh chân thực, sống động, ấn tượng và đưa câu chuyện lịch sử chạm đến mọi giác quan. Công nghệ hiện đại trên nền tảng cốt lõi là các câu chuyện lịch sử tạo nên một cách tiếp cận và biểu đạt mới, thu hút nhân dân và du khách…”, Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Lê Văn Khương cho biết.

Lễ khai ấn đền Trần (Nam Định) cũng có nhiều điểm mới nhằm đảm bảo an toàn, vừa tạo thêm không gian vui chơi, giải trí cho du khách thập phương. Theo ông Nguyễn Đức Bình, Trưởng BQL Khu di tích lịch sử văn hóa Đền Trần - Chùa Tháp cho biết, lễ hội khai ấn đền Trần năm 2024 lần đầu tổ chức chuỗi hoạt động tại Quảng trường Đông A - công trình sắp hoàn thiện trong Dự án Khu trung tâm lễ hội thuộc Khu di tích lịch sử - văn hóa thời Trần.

Đây cũng là nơi giới thiệu các sản phẩm OCOP Nam Định, triển lãm Hành cung Thiên Trường - Dấu ấn vàng son, triển lãm Ảnh đẹp du lịch Nam Định... Bên cạnh đó, BTC dự kiến tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao như biểu diễn trống hội cà rùng, chơi cờ bỏi, tổ tôm điếm, múa lân - sư - rồng, thả diều sáo, hát chèo, hát văn, hát xẩm, múa rối nước...

Tình trạng tranh cướp lộc tại các lễ hội xuân cũng khiến BTC đau đầu. Để tránh hình ảnh không đẹp này, BTC các lễ hội nhanh chóng chỉ đạo lực lượng chức năng nhằm đảm bảo an toàn cho người dân và du khách. Tại lễ khai ấn đền Trần, tỉnh Nam Định dự kiến huy động khoảng 2.000 cán bộ, chiến sĩ cùng lực lượng bảo vệ tổ dân phố đảm bảo an ninh trong đêm khai ấn, an toàn cho người dân và du khách trong suốt thời gian diễn ra lễ hội.

Hội Gióng trong nhiều năm trở lại đây cũng là điểm nóng về tranh cướp lộc. Đại diện huyện Sóc Sơn cho biết, đơn vị sẽ đảm bảo việc "tất lộc" tại Hội Gióng theo đúng nghi thức truyền thống. Ban đầu đây là hành động đẹp trong mùa lễ nhưng bị biến tướng khiến hình ảnh lễ hội đi xuống. Nhờ những điều chỉnh này mà một vài mùa hội gần đây, Hội Gióng yên bình và văn minh hơn. Đó cũng là mong muốn của người dân trẩy hội đầu xuân khắp cả nước.

MỚI - NÓNG