![]() |
Hòn đảo nhiệt đới Alabat ở Philippines là nơi sinh sống của khoảng trên dưới 100 cặp sinh đôi. Đây được cho là một hiện tượng bất thường mà các bác sĩ và nhà khoa học vẫn chưa tìm ra lời giải thích thỏa đáng.
Theo truyền thuyết địa phương, hiện tượng kỳ lạ của việc các cặp vợ chồng toàn sinh đôi đã bắt đầu từ nhiều thế hệ trước trên hòn đảo này từ rất lâu. Hiện tại, nơi đây có 78 cặp song sinh không cùng trứng khác nhau, 22 cặp song sinh cùng trứng giống hệt nhau, và một cặp sinh đôi dính liền.
![]() |
Nhiều anh chị em sinh đôi trên hòn đảo này hay mặc quần áo giống nhau và họ tiếp tục mặc những trang phục này ngay cả sau khi bước vào tuổi trưởng thành. Điều này khiến nhiều người thực sự không thể phân biệt được người này với người kia.
Ở đảo Alabat, Gian và John 4 tháng tuổi hiện đang là cặp song sinh nhỏ tuổi nhất, còn cặp song sinh lớn tuổi nhất là Eudosia Meras và Antonina Meras. Cả hai người họ đang trong độ tuổi 80, đều đã góa chồng và hiện sống nương tựa vào nhau.
Các nhà khoa học và bác sĩ đều cảm thấy kỳ lạ và không thể giải thích tại sao lại có rất nhiều cặp song sinh được sinh ra trên hòn đảo này. Mặc dù chính phủ không có dữ liệu về số cặp sinh đôi trên Alabat nhưng một báo cáo được thu thập từ năm 2015 cho thấy 12 cặp song sinh ra đời mỗi năm tại hòn đảo nhỏ này.
![]() |
Với tỷ lệ sinh đôi ngày càng tăng, các bác sĩ địa phương và nhà khoa học hiện đang tích cực nghiên cứu hiện tượng này. Bởi nghiên cứu sẽ giúp ích cho việc tìm ra giải pháp cho các cặp vợ chồng không có con.
Các bác sĩ ở Philippines đã bác bỏ lý do di truyền là nguyên nhân cho hiện tượng sinh đôi liên tục xảy ra trong làng. Họ tin rằng chính môi trường sống ở đây mới là nguyên nhân chủ yếu. Tuy nhiên, một số nhà khoa học khác lại cho rằng, nước uống ở hòn đảo mới là nguyên nhân cần được nghiên cứu.
![]() |
Hai bà cụ 86 tuổi Eudosia và Antonina Meras, cặp song sinh lớn tuổi nhất còn sống trên đảo, chia sẻ về cuộc sống riêng ở đây dưới con mắt của một cặp song sinh.
Bà Antononia, người đã kết hôn ở tuổi 19, giải thích cách mà chồng bà phân biệt được bà và em gái sinh đôi: “Trong những ngày đầu mới kết hôn, chồng tôi thường xuyên nhầm lẫn Eudosia là chính tôi. Đã có một vài sự cố đáng xấu hổ khi chồng tôi từng nhiều lần thể hiện tình cảm với em gái tôi vì anh ấy nghĩ rằng đó là tôi. Tôi phải chỉ cho chồng thấy rằng tôi có một nốt ruồi trên mũi, còn em gái tôi thì không. Điều đó đã giúp giải quyết vấn đề một lần và mãi mãi”.
Eudosia, em gái của bà là một người năng động và vui vẻ, bà chia sẻ về nốt ruồi trên môi: “Thấy không, tôi có một nốt ruồi trên môi dưới, đó là lý do tại sao tôi nói rất nhiều”. Bà Eudosia cũng nói thêm: “Hầu hết các cặp song sinh như chúng tôi đều mặc những bộ quần áo giống hệt nhau và mọi người đều cảm thấy bối rối để xác định được ai là ai”. 4 người cháu của bà Eudosia cũng là 2 cặp song sinh.
![]() |
Nhiều năm trước, hàng loạt trang báo đưa tin về ngôi làng nhỏ Kodinhi, bang Kerala, miền nam Ấn Độ là nơi có số lượng cặp sinh đôi nhiều nhất, với khoảng 300 - 350 cặp.