Kostas Sarantidis Nguyễn Văn Lập, người chiến sỹ ấy

0:00 / 0:00
0:00
Người lính già Kostas Saratidis Nguyễn Văn Lập của QĐND Việt Nam (Nguồn ảnh trong bài từ phim phóng sự của VTV4)
Người lính già Kostas Saratidis Nguyễn Văn Lập của QĐND Việt Nam (Nguồn ảnh trong bài từ phim phóng sự của VTV4)
TP - Hai ngày nay, một trong những tin tức gây xúc động nhất trên báo chí và mạng xã hội nước ta là Kostas Sarantidis - Nguyễn Văn Lập, người chiến sĩ quốc tế của Quân đội Nhân dân Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp, người nước ngoài duy nhất cho đến nay được Nhà nước ta phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân từ trần.

Trong số những người lính quân đội các nước đế quốc đã tình nguyện chuyển sang hàng ngũ của Quân đội Nhân dân Việt Nam để tham gia vào cuộc chiến đấu chính nghĩa giải phóng và bảo vệ đất nước của nhân dân ta, có những cái tên mà người Việt Nam không nên và không thể quên vì những đóng góp rất đáng ghi nhớ của họ như những người Liên Xô Platon - Nguyễn Văn Thành, Fyodor Bessmernyi, Biblichenko (những người bị quân Đức bắt làm tù binh rồi sau Đại chiến tham gia vào quân viễn chinh Pháp); những người Nhật Kuzumasa - Phan Lai, Nakahara - Minh Ngọc; người Đức Schulze Nguyễn Đức Việt, thì Kostas Sarantidis- Nguyễn Văn Lập (Hi Lạp) là người xuất sắc nhất và được Nhà nước Việt Nam ghi nhận bằng những hình thức cao quý nhất: Cấp quốc tịch Việt Nam và trao danh hiệu Anh hùng.

Kostas Sarantidis Nguyễn Văn Lập, người chiến sỹ ấy ảnh 1

Lễ trao danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho Kostas Sarantidis - Nguyễn Văn Lập

Cuộc đời truân chuyên và kỳ lạ

Kostas Sarantidis- Nguyễn Văn Lập sinh ra trong một gia đình công nhân ở phía Bắc Hi Lạp. Chiến tranh Thế giới thứ hai nổ ra, Hi Lạp bị Đức chiếm, Kostas mới 16 tuổi bị quân Đức bắt để đưa sang Đức lao động khổ sai. Trên đường đi, ông may mắn trốn được và sống chui lủi trên những chuyến tàu qua lại vùng biên giới Nam Tư – Hi Lạp.

Thế chiến kết thúc, Kostas đang ở Ý và không thể trở về Hi Lạp. Nguyên nhân thì các nguồn tư liệu viết khác nhau: Do không có giấy tờ hoặc vì Hi Lạp đang có nội chiến. Số phận đưa đẩy khiến ông đăng vào lính lê dương của quân đội Pháp sang Việt Nam với ý nghĩ sẽ tham gia giải giáp quân đội Phát xít Nhật.

Nhưng đến Việt Nam thì cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta ở Miền Nam đã bắt đầu, Kostas lập tức thấy sự phi nghĩa của cuộc chiến mà nước Pháp tiến hành ở Việt Nam và sự tàn ác của quân Pháp trong những hành động đốt phá, bắn giết người vô tội. Hình ảnh lính lê dương bắn chết một ông già bỏ chạy vì hoảng sợ và những đầu người bêu trên hàng rào tháp canh trên có cắm lá cờ Pháp khiến Kostas vô cùng ám ảnh. Khi đơn vị ông, tiểu đoàn 3 lê dương,bị đưa ra Miền Trung vùng Phan Rang, Phan Thiết để tham chiến, Kostas được một phụ nữ tên là Mai Lê vợ một viên thiếu uý Pháp nhưng lại là người của cách mạng cảm hoá. Mai Lê đã bố trí cho Kostas gặp Lê Trung Bền – một chiến sĩ Việt Minh bị bắt và giam giữ ở đơn vị của anh.

Đêm ngày 3 rạng ngày 4/6/1946, bốn tháng sau khi Kostas đến Việt Nam, ông và Lê Trung Bền đã tổ chức một cuộc đào thoát cho 25 chiến sĩ bị địch bắt trở về với lực lượng kháng chiến, mang theo mang theo một khẩu súng máy và hai khẩu súng trường. Kostas còn thuyết phục cả một người bạn lính lê dương của mình là Santo Merinos đi cùng. Hai ông đã gia nhập lực lượng vũ trang cách mạng, cùng lấy tên họ Việt Nam, Kostas là Nguyễn Văn Lập, Santo Merinos là Nguyễn Văn Vỹ (Santo Merinos – Nguyễn Văn Vỹ đã chiến đấu anh dũng trong hàng ngũ quân đội ta và hy sinh năm 1951 ở chiến trường Lào).

Kostas Sarantidis Nguyễn Văn Lập, người chiến sỹ ấy ảnh 2

Kostas Sarantidis - Nguyễn Văn Lập khi tại ngũ

Theo Kostas Sarantidis giải thích trong hồi ký “Tại sao tôi theo Việt Minh” (được NXB Quân đội Nhân dân ấn hành năm 2011) của mình thì cái tên Nguyễn Văn Lập có ý nghĩa như sau: Họ Nguyễn là lấy theo họ của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Văn là văn hóa, Lập là lập nên, xây dựng, lập lại. Sau này, ông lấy vợ Việt Nam, đặt cho các con cả tên Hi Lạp lẫn tên Việt Nam. Đến các cháu của ông dù sinh ra trên đất Hi Lạp cũng đều có tên Việt Nam, trong đó có cháu Nguyễn Hồ Minh mà ông giải thích là đặt để tỏ lòng ghi nhớ, kính trọng và biết ơn Bác Hồ - người mà theo ông thì “không phải là người thường mà là một vị thánh”.

Sang với cách mạng, Kostas được bố trí làm công tác địch vận ở chiến trường Quảng Nam - Đà Nẵng.Ông đã viết các bài binh vận dùng loa đọc hướng vào đồn địch làm lung lay tinh thần chiến đấu của nhiều lính lê dương. Ông đã góp phần vận động được 40 lính lê dương mang theo súng đạn sang háng ngũ kháng chiến, cứu sống 120 người bị địch bắt.

Khi chuyển sang chiến đấu trực tiếp, Kostas là xạ thủ trung liên, tham gia nhiều tranh đánh lập nhiều chiến công: Ngày 13/4/1948, ông tham gia trận chống càn ở Hương An - Bà Rén, cùng đơn vị diệt 200 tên địch. Kostas còn được coi là chiến sĩ quốc tế duy nhất bắn rơi máy bay địch. Trong một trận đánh tháng 11/1948, tổ trung liên của ông đã bắn rơi một chiếc máy bay Moran tại Quảng Nam.

Sau đó, Kostas được điều động làm tổng giám thị Trại tù binh Âu Phi số 3 ở Quảng Ngãi, ông đã làm rất tốt nhiệm vụ, cảm hoá được nhiều tù – hàng binh.Với những chiến công xuất sắc, chỉ 5 năm sau khi chuyển sang hàng ngũ cách mạng, tháng 6/1950, người chiến sĩ da trắng Kostas - Nguyễn Văn Lập đã được kết nạp vào Đảng Lao động Việt Nam tại Trung đoàn 803 ở Tuy Hòa, Phú Yên.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Hiệp nghị Geneve được ký kết, Kostas tập kết ra Miền Bắc. Ông sau mê lao vào cuộc sống lao động, kiến thiết và ở đâu cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Ông tham gia cuộc vận động chống cưỡng ép đồng bào công giáo di cư vào Nam (có tài liệu nói ông tham gia cả vào việc sửa sai sau cải cách ruộng đất) rồi làm trung đội trưởng đội cung tiêu ở một sân bay, lái xe tải ở mỏ than Na Dương, mỏ thiếc Cao Bằng, làm phiên dịch cho chuyên gia Cộng hòa dân chủ Đức ở nhà máy in Tiến Bộ.

Năm 1956, Kostas phục viên, sau về làm việc cho Xưởng phim truyện Việt Nam. Là người Âu, ông hay đóng các vai Pháp, Mỹ.

Trong những năm tháng ở Việt Nam, Kostas hai lần kết hôn. Đầu tiên với bà Huỳnh Thị Sơn người Quảng Ngãi. Hai ông bà không có con. Sau này họ chia tay. Sau khi rời quân đội, Kostas kết hôn với một cô gái Hà Nội tên là Đỗ Thị Chung. Họ sinh 4 người con, 1 trai, 3 gái.

Năm 1965, Kostas nghe tin ở quê nhà Hi Lạp mẹ ông vẫn còn sống nhưng rất già yếu. Ông cùng vợ con xin với Chính phủ ta được hồi hương về Hi Lạp. Về nước sau gần 30 năm, không có giấy tờ, cuộc sống của gia đình ông vô cùng khó khăn, có lúc khốn cùng. Nhưng nhờ ý chí mạnh mẽ của cả hai vợ chồng mà họ dần trụ vững, các con khôn lớn, vững vàng trong cuộc sống.

Kostas Sarantidis Nguyễn Văn Lập, người chiến sỹ ấy ảnh 3
Kostas Sarantidis Nguyễn Văn Lập, người chiến sỹ ấy ảnh 4

Kostas Sarantidis - Nguyễn Văn Lập cùng vợ - bà Đỗ Thị Chung

Kostas Sarantidis Nguyễn Văn Lập, người chiến sỹ ấy ảnh 5

Ông bà Kostas Sarantidis - Nguyễn Văn Lập cùng cùng con cháu và người thân

Trung thành và yêu Việt Nam đến hơi thở cuối cùng

Kostas yêu Việt Nam đến tận cùng. Về nước, dù khó khăn, ông vẫn gia nhập Đảng Cộng sản Hi Lạp, tìm cách tập hợp những người Việt Nam sống ở Hi Lạp (rất ít ỏi) và những người Hi Lạp có cảm tình với Việt Nam, trở thành thủ lĩnh tinh thần của họ,cùng họhướngvề và ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân Việt Nam. Các con ông vẫn giữ tên Việt Nam của họ là Nguyễn Văn Thành, Nguyễn Thị Thuyết, Nguyễn Thị Bạch Nga và Nguyễn Tự Do.

Kostas Sarantidis Nguyễn Văn Lập, người chiến sỹ ấy ảnh 6

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trao bằng Công dân Việt Nam cho Kostas Sarantidis - Nguyễn Văn Lập

Kostas Sarantidis Nguyễn Văn Lập, người chiến sỹ ấy ảnh 7

Hai cuốn hộ chiếu của Kostas Sarantidis - Nguyễn Văn Lập

Đến thế hệ các cháu của ông cũng đều có tên Việt Nam: Nguyễn Phục Sinh, Nguyễn Hồ Minh... Bản thân ông vô cùng tự hào với cái tên ra đời trong khói lửa chiến tranh vệ quốc của nhân dân Việt Nam: Nguyễn Văn Lập. Hộp thư báo gắn ở căn hộ ông ở thủ đô Athens vẫn đề tên Kostas Sarantidis Nguyễn Văn Lập. Trên căn hộ đó vẫn thường cắm lá cờ đỏ sao vàng. Ông tự hào mặc bộ lễ phục của Quân đội Nhân dân Việt Nam, trên cầu vai là quân hàm đại uý, có lẽ là cấp bậc cao nhất của ông.

Kostas Sarantidis Nguyễn Văn Lập, người chiến sỹ ấy ảnh 8

Một bức ảnh chụp vợ con của Kostas Sarantidis - Nguyễn Văn Lập

Kostas Sarantidis Nguyễn Văn Lập, người chiến sỹ ấy ảnh 9

Kostas Sarantidis - Nguyễn Văn Lập và con khi ở Việt Nam

Ông từng phát biểu: “Năm mươi năm sống tại Hy Lạp nhưng tôi vẫn thấy mình là người Việt 80%, cách sống vẫn là người Việt Nam, nghĩ bằng tiếng Việt trước, tiếng Hy Lạp sau. Tôi còn có khả năng viết văn, viết hồi ký bằng tiếng Việt Nam. Trông mặt mũi tôi nhiều người cũng bảo tôi là người Việt Nam. Vì tôi đã ăn cơm Việt Nam, nước mắm Việt Nam... Tên tôi vẫn là Nguyễn Văn Lập, không có gì thay đổi. Cả đất nước Việt Nam này đều là bạn của tôi; những người lạ, gặp nói chuyện một tí cũng là bạn”.

Kostas Sarantidis Nguyễn Văn Lập, người chiến sỹ ấy ảnh 10

Kostas Sarantidis - Nguyễn Văn Lập được nhiều nhà lãnh đạo nước ta, trong đó có Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đón tiếp trong thị

Trên VTV 4 Đài Truyền hình Việt Nam từng chiếu một phim phóng sự về Kostas Sarantidis - Nguyễn Văn Lập. Những thước phim xúc động từ đầu đến cuối.Trong đó là hình ảnh người chiến sĩ già Kostas Sarantidis Nguyễn Văn Lập rưng rưng nước mắt nói về nỗi nhớ đất nước Việt Nam trong từng miếng ăn, từng giấc ngủ. Ông nói rằng ông hạnh phúc được bên vợ con ở đất nước Hi Lạp của mình nhưng cũng luôn day dứt nhớ Tổ quốc của mình là Việt Nam, nơi lẽ ra ông sống ở đó nhưng tuổi già luỵ con, con ở đâu phải ở theo đó nên không thực hiện ý nguyện được.

Kostas Sarantidis Nguyễn Văn Lập, người chiến sỹ ấy ảnh 11

Kostas Sarantidis - Nguyễn Văn Lập với các cựu chiến binh và cựu thanh niên xung phong Việt Nam

Người lính già ấy đã viết lên tờ giấy dặn các con rằng nếu ông chết ở Việt Nam thì hãy chôn ở Việt Nam, rằng ông đã bàn kỹ với mẹ của các con như vậy và ký tên rõ ràng ở dưới “Kostas Sarantidis Nguyễn Văn Lập”.

Thật cảm động hình ảnh người lính già ấy trân trọng nâng lá cờ đỏ saovàng của Tổ quốc Việt Nam lên môi hôn với một tình yêu không thể nghi ngờ. Ông kể rằng khi được Nhà nước Việt Nam phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân năm 2013, ông đã hôn lên lá cờ của Tổ quốc Việt Nam mà thề rằng sẽ trung thành và phấn đấu đến cùng.

Người lính quốc tế già ấy của Quân đội Nhân dân Việt Nam đã ra đi vào ngày 25/6 năm 2021. Tin chắc rằng, cho đến những hơi thở cuối cùng, Việt Nam vẫn luôn trong trái tim ông.

Kostas Sarantidis Nguyễn Văn Lập, người chiến sỹ ấy ảnh 12

Kostas Sarantidis - Nguyễn Văn Lập thể hiện tình yêu thiêng liêng với Tổ quốc Việt Nam

Ngày 25/6 (theo giờ Hy Lạp, tối 25/6 giờ Việt Nam), người chiến sĩ Cộng sản, Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân Việt Nam Kostas Sarantidis - Nguyễn Văn Lập (công dân Hy Lạp) đã qua đời ở tuổi 94.

Kostas Sarantidis - Nguyễn Văn Lập chủ động chuyển từ hàng ngũ lính lê dương Pháp sang lực lượng cách mạng vào năm 1946, chiến đấu dũng cảm, lập nhiều chiến công trên các mặt trận. Sau này trở về Hi Lạp, ông có rất nhiều cống hiến xây dựng tình hữu nghị Hi Lạp – Việt Nam. Ông được Nhà nước ta công nhận là công dân Việt Nam năm 2010 và danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân năm 2013.

MỚI - NÓNG