Kỳ 7: Nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng văn hóa biển

0:00 / 0:00
0:00
Nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng văn hóa biển, xã hội gắn bó, thân thiện với biển là một trong những chủ trương lớn trong Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. 

Thực hiện chủ trương này, cùng với đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, coi trọng xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, Thái Bình triển khai hàng loạt chương trình (phát triển du lịch, chuyển đổi số, hướng tới nông thôn mới thông minh...) và tăng cường nhiều động thái tích cực (phân bổ các nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; ban hành một số chính sách hỗ trợ trong xây dựng nông thôn mới đến hết năm 2025...) làm thay đổi rõ nét bộ mặt nông thôn, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện và nâng lên.

Kỳ 7: Nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng văn hóa biển ảnh 1

Phát triển kinh tế biển từ việc nuôi tôm công nghệ cao.

Đến nay, toàn tỉnh có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; có 25 xã công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (trong đó có 08 xã thuộc hai huyện ven biển Thái Thụy và Tiền Hải). Đã quy hoạch và xây dựng các khu, cụm công nghiệp, đẩy mạnh phát triển nghề và làng nghề, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong nông nghiệp, hình thành một số vùng sản xuât hàng hoá và phát triển kinh tế biển. Kết cấu hạ tầng nông thôn từng bước được đầu tư khang trang, đồng bộ, hiện đại, các tuyến đê sông, đê biển trên địa bàn 02 huyện ven biển được cứng hóa, đảm bảo an toàn.

Văn hoá - xã hội có nhiều tiến bộ, môi trường sinh thái khu vực nông thôn ngày càng được chú trọng, hệ thống nước sạch, nhà vệ sinh, chuồng, trại chăn nuôi được tập trung đầu tư. Hệ thống giao thông nông thôn, thủy lợi, trạm y tế, trường học, trung tâm văn hóa - thể thao xã và nhà văn hóa, khu thể thao thôn, khu phố... đã được đầu tư cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới đáp ứng nhu cầu phát triển; các thôn, tổ dân phố được sử dụng Wifi miễn phí.

Kỳ 7: Nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng văn hóa biển ảnh 2

Hộ nuôi trồng thủy hải sản ven biển Thái Bình ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại nuôi tôm.

Đời sống vật chất và tinh thần của người dân khu vực nông thôn không ngừng được nâng lên; các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc được giữ gìn, phát huy... đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của nhân dân. Nhờ đó, du lịch biển bắt đầu có sự khởi sắc, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần xóa đói, giảm nghèo, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương có biển; đồng thời tạo thêm nguồn thu để tôn tạo, trùng tu các di tích và nâng cao ý thức, trách nhiệm của cơ quan nhà nước, chính quyền địa phương và cộng đồng dân cư giữ gìn, phát triển di sản văn hóa, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam.

Chương trình giảm nghèo, chăm lo các đối tượng chính sách, các hoạt động từ thiện nhân đạo đạt kết quả tốt. 100% dân cư được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh; 100% trạm y tế xã, thị trấn trên địa bàn 02 huyện ven biển đạt chuẩn quốc gia về y tế xã giai đoạn 2011 -2020, 04 bệnh viện đa khoa huyện (02 bệnh viện hạng II, 02 bệnh viện hạng III) đã từng bước cải thiện chất lượng phục vụ người bệnh.

Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Trung Kiên, các đơn vị y tế đảm bảo công tác truyền thông giáo dục sức khoẻ, khám, cấp cứu, vận chuyển cấp cứu y tế biển, ven biển trên địa bàn huyện Thái Thuỵ, Tiền Hải gồm có Trung tâm kiểm soát bệnh tật, Trung tâm Cấp cứu 115; Trung tâm y tế huyện Thái Thụy, Trung tâm y tế huyện Tiền Hải; 36 trạm y tế xã của huyện Thái Thuỵ; 32 trạm y tế xã của huyện Tiền Hải cùng kết hợp với lực lượng quân y của Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh nhằm cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ, kiểm dịch y tế biển góp phần đảm bảo an toàn sức khoẻ cho người dân và các doanh nghiệp vận tải đường biển.

Kỳ 7: Nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng văn hóa biển ảnh 3

Chăm sóc thủy sản tại các ao, đầm ven biển..

Trung tâm Cấp cứu 115 đã lập 01 trạm vận chuyển cấp cứu vệ tinh đặt tại Bệnh viện Đa khoa huyện Tiền Hải và 01 trạm vận chuyển cấp cứu vệ tinh đặt tại xã Thuỵ Thanh, huyện Thái Thuỵ, mặc dù hoạt động của 02 điểm cấp cứu còn nhiều khó khăn do hạn chế về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị khám, cấp cứu và nhân lực tuy nhiên trong suốt quá trình từ khi triển khai đến nay, việc có 02 điểm vận chuyển cấp cứu vệ tinh giúp vận chuyển, chi viện cấp cứu thành công hàng nghìn trường hợp cấp cứu, chuyển tuyến bệnh nhân nặng từ khu vực ven biển, từ biển gặp các vấn đề sức khoẻ nguy hiểm.

Thống kê ghi nhận, 68/68 (100%) trạm y tế xã, thị trấn trên địa bàn 02 huyện ven biển là Thái Thuỵ và Tiền Hải đạt chuẩn quốc gia về y tế xã giai đoạn 2011-2020, 04 bệnh viện đa khoa huyện (Thái Thuỵ, Thái Ninh, Tiền Hải, Nam Tiền Hải) đã từng bước cải thiện chất lượng phục vụ người bệnh, đảm bảo duy trì 950 giường bệnh kế hoạch và 1.211 giường bệnh thực kê. Các đơn vị y tế luôn xác định rõ nhiệm vụ không ngừng nâng cao năng lực chuyên môn để thực hiện tốt nhiệm vụ thu dung, khám, cấp cứu và điều trị nội trú cho người dân trên địa bàn và nhân dân, công nhân, chuyên gia đến làm việc, kinh doanh tại địa phương.

Ông Tăng Bá Phúc, Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Thái Bình cho biết, đến năm 2022, giá trị sản xuất trên địa bàn khu vực ven biển đóng góp khoảng 30 - 35% tổng giá trị sản xuất toàn tỉnh. Huyện Thái Thụy đạt giá trị sản xuất 47.973 tỷ đồng, đóng góp 17% tổng giá trị sản xuất toàn tỉnh. Huyện Tiền Hải đạt giá trị sản xuất 35.051 tỷ đồng, đóng góp 12% tổng giá trị sản xuất toàn tỉnh. Cơ cấu kinh tế theo các ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản; công nghiệp và xây dựng, dịch vụ của 02 huyện ven biển lần lượt là: 14-15%; 55-60%. Cơ cấu giá trị sản xuất huyện Thái Thụy: ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản 20%, công nghiệp và xây dựng 63%, dịch vụ 17%. Đối với huyện Tiền Hải: ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản 27%, công nghiệp và xây dựng 59%, dịch vụ 14%. Thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn khu vực ven biển bằng 1,5-2 lần mức bình quân chung của tỉnh. Huyện Thái Thụy đạt 4.693 nghìn đồng/người/tháng, huyện Tiền Hải đạt 4.778 nghìn đồng/người/tháng.

MỚI - NÓNG