Kỹ năng sống sót: Bạn có đang “nuôi” một ngọn lửa hiểm nguy?

Kỹ năng sống sót: Bạn có đang “nuôi” một ngọn lửa hiểm nguy?
HHT - Sự cố hỏa hoạn ở chung cư Carina (TP.HCM), rồi vụ cháy ở chung cư Parc Spring (TP.HCM), hay vụ hỏa hoạn mới đây tại chung cư Ratchathewi ở Bangkok (Thái Lan)… liên tiếp xảy ra. Nguyên do vì đâu những ngọn lửa cứ nối tiếp nhau hoành hành?

Đi tìm những hiểm họa ngầm

Những tòa nhà tiêu chuẩn cao cấp, được “trang bị tận răng” lại có thể nhanh chóng cháy rụi. Bạn có thắc mắc rằng hung thủ phóng hỏa những chung cư khổng lồ đó là “ai” không? Câu trả lời sẽ khiến bạn mắt chữ A mồm chữ O, vì chính thói quen sinh hoạt và những vô ý trong công việc hằng ngày là hiểm họa tiềm tàng.

Kỹ năng sống sót: Bạn có đang “nuôi” một ngọn lửa hiểm nguy? ảnh 1

Bác Tony Coffey (Chuyên gia Hiệp hội Cứu hộ Sydney và Học viện Cứu hộ bang New South Wales, Úc) chia sẻ: “Hầu hết các vụ hỏa hoạn bắt nguồn từ sự vô ý của chúng ta. Một ngọn lửa cần ba yếu tố để duy trì đó là: Nhiên liệu, nhiệt độ và không khí. Những nguyên nhân chính gây ra các vụ hỏa hoạn lớn xuất phát từ căn bếp thân quen, từ việc quá tải hệ thống điện do sạc quá nhiều thiết bị điện tử cùng một lúc và hút thuốc lá trong nhà”.

Theo trang Readers Digest, việc bạn nấu đồ ăn với mỡ nhưng lại mải nghe điện thoại hay đi đâu đó là nguyên nhân số một dẫn tới hỏa hoạn. Cô T.H (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) kể lại: “Một lần, khi cô đã yên vị trên máy bay chuẩn bị về Việt Nam sau chuyến du lịch thì sực nhớ ra mình còn để cái nồi trên bếp lửa riu riu. Cô liền đòi tiếp viên cho mình xuống liền. Hành khách khác cứ bảo sẽ chẳng sao đâu, khi chủ nhà của căn hộ cô thuê trở về sẽ tắt bếp thôi. Thế nhưng cô vẫn quyết tâm một mạch chạy đi và khi tới nơi thì cả cái bếp đã cháy tan tành, phải kêu cứu hỏa tới dập. Cũng may là cô trở về khá kịp thời, không thì cả cái chung cư đã cháy rụi”.

Các chất lỏng dễ bắt cháy trong gia đình bạn chính là nguyên nhân gián tiếp “thổi phồng” mọi thứ. Như màu nước hay keo dính lỏng cũng có thể thổi bùng ngọn lửa.

Kỹ năng sống sót: Bạn có đang “nuôi” một ngọn lửa hiểm nguy? ảnh 2

Đừng đợi đến khi cháy mới bắt đầu học “chạy”

Những vụ cháy xảy ra như kiểu giọt nước tràn ly, khi sự ẩu tả của chúng ta lên tới cực điểm. Vì vậy, đừng đợi tới khi té xe mới học cách kiểm soát tốc độ, bạn cần biết về các phương pháp thoát - dập lửa cũng như sơ cấp cứu từ ngay bây giờ.

Bạn cần giảm thiểu ba yếu tố “nuôi dưỡng” ngọn lửa để giảm bớt nó. Nhưng bác Tony nhắc bạn cần nhớ:

1. Tuyệt đối không trực tiếp hất nước vào ngọn lửa, đó sẽ là cây cầu bắc lửa tới bạn.

2. Chúng ta ngộp khói trước khi tử vong vì bỏng, nên cần nằm sấp xuống đất và bò vì đó là nơi có nhiều ô xy còn lại nhất.

3. Mỗi khi qua một căn phòng mới trong đám cháy, bạn cần đóng cửa phòng để ngăn cho lửa và đám khói “bám đuôi”.

4. Trước khi mở một cánh cửa, hãy đặt nhẹ đầu ngón tay lên nắm cửa để ước lượng độ nóng. Có thể bên sau cánh cửa là một con quái vật lửa chuẩn bị vồ lấy bạn đấy!

5. Đừng thử các cách trong phim như buộc dây và nhảy từ lầu xuống. Sự thật cho thấy khi bạn té từ lầu 2 trở lên thì nguy cơ tử vong rất cao. Kinh nghiệm trong hơn 20 năm làm việc của bác Tony cho thấy dây, chăn ga chỉ giữ được cho nạn nhân 20 giây lơ lửng mà thôi.

Kỹ năng sống sót: Bạn có đang “nuôi” một ngọn lửa hiểm nguy? ảnh 3

6. Dùng khăn ướt để che mũi và miệng.

7. Rất nhiều người chết cháy vì chạy ngược vào tòa nhà để kiếm người thân dù người thân họ đã được đưa ra ngoài an toàn. Vì vậy nên một khi bạn đã thoát ra được, đừng quay vào lại.

8. Để yên vết bỏng từ 10 - 20 phút để giảm nhiệt độ vết thương. Đừng chườm đá khi bị bỏng vì nhiệt độ giảm đột ngột sẽ làm vết thương nghiêm trọng hơn. Chỉ dùng thuốc khi vết bỏng đã được giảm nhiệt độ từ từ. Kem, mỡ hay thuốc đánh răng khi đặt lên vết bỏng sẽ còn nguy hiểm hơn.

9. Chạy ra lan can, đóng cửa và kêu gọi giúp đỡ.

Theo bác Tony, những đám cháy ở Việt Nam có thiệt hại về sinh mạng cao vì kiến trúc nội thất. Ngọn lửa thường bắt nguồn từ bếp hoặc xe máy, nhưng để ra được cửa chính thì đa số các căn nhà đều phải vượt qua “ải” này. Kết quả là nạn nhân bị giam đến chết ngộp. Vì vậy nên bạn cũng có thể gợi ý cho nhị vị phụ huynh về cách sắp đặt vị trí phòng trong gia đình để phòng hờ những trường hợp xấu xảy ra đấy!

Những pha cháy giả lệch nhịp tim

Đôi khi, giới trẻ chúng ta có những trò đùa thực sự cười ra nước mắt theo đúng nghĩa đen. Cùng nghía qua những phi vụ… suýt cháy của các bạn í nhé:

Kỹ năng sống sót: Bạn có đang “nuôi” một ngọn lửa hiểm nguy? ảnh 4

Nói về tai nạn “bi thương”, cô bạn Ngọc Nhi (18 tuổi, Q.6, TP.HCM) ngậm ngùi kể: “Dạo đó, tớ vừa chia tay gà bông. Khổ nỗi, nhìn khắp phòng, đâu đâu cũng thấy “hình bóng” của cậu ấy: Gấu bông, áo đôi, sổ tay… Trong cơn “lửa giận”, tớ quyết tâm… đốt trụi những gì thuộc về “kỉ niệm xưa”. Tớ gom tất cả bỏ cái thùng đốt vàng mã của mẹ tớ đặt giữa nhà rồi châm lửa từng món vừa đứng nhìn vừa cười hả hê. Mẹ tớ vừa phát hiện đã hối hả tìm cách dập lửa rồi mắng tớ một trận “kinh thiên động địa” vì tội chơi dại, chẳng may thành phóng hỏa đốt nhà thì sao. Mẹ cắt hẳn một tháng tiền tiêu vặt của tớ làm hình phạt cho hành động “thiếu suy nghĩ” này. Kỉ niệm này nổi (tai) tiếng đến nỗi… được trẻ con trong xóm về sau đem ra làm bài học “đắt giá” về việc “thất tình không sao, thất… thu mới có chuyện”.

Nhật Minh (17 tuổi, THPT Nguyễn Hữu Huân, TP.HCM) “khoe” về sự cố “nhớ đời” của mình lúc nhỏ: “Hồi bé, tớ thích chơi trò nấu ăn nhất. “Giả bộ” nấu ăn bằng mấy món đồ chơi nhựa ba mẹ mua cũng chán, tớ rủ mấy đứa trong xóm nấu ăn… thật. Mỗi đứa muốn tham gia đều phải góp đồ: Gạo, dầu ăn, nước, nồi… Trong vai bếp trưởng, tớ phụ trách việc nhóm bếp. Tớ đã quan sát mẹ nhóm lửa rất kỹ trước khi thực hiện. Trái ngược kỳ vọng, ngay khi mồi lửa đầu tiên được nhóm lên, cả nhóm vui mừng khôn xiết nhưng rồi lửa lan rất nhanh do xung quanh toàn cỏ cây dễ bắt cháy. Kết quả, người lớn chính là những người thu dọn “tàn cuộc” của lũ trẻ còn tớ được xếp hạng nhất hẳn hoi trong danh sách “những đứa bạn cần tránh xa” của các phụ huynh trong xóm…”.

Theo trang Real Insurance của Úc, những trò đùa của chúng ta đứng hàng thứ sáu trong những nguyên nhân gây ra hỏa hoạn. Vì vậy nên những trò đùa về lửa cũng cần hạn chế tối đa.

Kỹ năng sống sót: Bạn có đang “nuôi” một ngọn lửa hiểm nguy? ảnh 5

Và quan trọng nhất, dù là kỹ năng thoát cháy hay kỹ năng leo núi, kỹ năng tồn tại trong rừng hay kỹ năng sơ cứu ngạt nước, tất cả những kỹ năng tưởng như bạn chẳng bao giờ sử dụng lại vô cùng cấp thiết mà biết đâu bạn gặp phải. Vậy nên, hãy trang bị cho bản thân những kỹ năng mũi nhọn ngay từ hôm nay! Bắt đầu từ số báo này, chuyên gia Tony Coffey sẽ cùng đồng hành với giới trẻ trong việc cập nhật những kiến thức hữu hiệu cho những trường hợp sơ cấp cứu và thoát hiểm. Mời bạn cùng đón đọc HHT ra hàng tuần nhé!

MỚI - NÓNG
Tween Tiểu học Nam Thành Công xúc động, vui Liên hoan "Chiến sĩ nhỏ Điện Biên"
Tween Tiểu học Nam Thành Công xúc động, vui Liên hoan "Chiến sĩ nhỏ Điện Biên"
HHT - Liên hoan "Chiến sĩ nhỏ Điện Biên" của trường Tiểu học Nam Thành Công (Hà Nội) diễn ra đầy ấn tượng với những tiết mục văn nghệ, hoạt cảnh đầu tư công phu, chỉn chu. Phần thi kiến thức liên quan tới chiến dịch Điện Biên Phủ để lại dấu ấn sâu đậm nhờ sự thông minh, đáng yêu của các bạn nhỏ.

Có thể bạn quan tâm