Sách giáo khoa không còn là tất cả
Xây dựng theo cùng cách tiếp cận với các bài thi đánh giá năng lực phổ biến trên thế giới như SAT (Scholastic Assessment Test) của Hoa kỳ và bài thi TSA (Thinking Skills Assessment) của Anh, ở kì thi đánh giá năng lực tại Việt Nam, teen được “kiểm tra” những kĩ năng cơ bản như sử dụng ngôn ngữ, tư duy logic, xử lý số liệu, giải quyết vấn đề. Chính vì yếu tố này mà cấu trúc đề thi đánh giá năng lực so với đề thi đại học sẽ mang tính kiểm tra những kiến thức thường thức, phổ thông nhiều hơn.
Chẳng hạn trong phần thi Văn - Tiếng Việt của đề thi đánh giá năng lực, teen sẽ được hỏi những câu hỏi điền khuyết như “Trăng quầng thì hạn, trăng… thì mưa”; chọn ra từ viết đúng chính tả trong bốn từ cho trước “A. Chất phát. B. Trau chuốc. C. Bàng hoàng. D. Lãng mạn.”... Bạn Thế Duy (TP.HCM) chia sẻ: “Thay vì “cắm mặt” và học thuộc làu dẫn chứng trong sách giáo khoa để chuẩn bị cho phần làm văn, mình cảm thấy trắc nghiệm văn học dễ tiếp cận nhất. Có nhiều trường hợp mình thấy các bạn diễn đạt văn không tốt nhưng khả năng đọc hiểu, kiến thức thơ ca lại nhiều nay có thể áp dụng vào kiểu đề đánh giá năng lực”.
Tương tự, ở phần thi Toán, bên cạnh những dạng bài thường thấy trong đề thi đại học, teen còn được kiểm tra kĩ năng suy luận qua những bài toán logic, dựa vào những số liệu cho sẵn để giải quyết những bài toán thực tế. Bạn Hỷ Long (Sinh viên ĐH Luật TP.HCM) chia sẻ: “Những câu hỏi về Toán logic chủ yếu là những câu hỏi về quy luật, tức các thí sinh chỉ cần tìm ra được quy luật mà trong đề bài đưa ra. Theo mình, đây là “lợi thế” cho những teen có khả năng suy luận nhiều hơn tính toán. Một điểm cộng nữa ở dạng thi này teen có thể tránh được tình trạng “nhìn đáp án thì biết chọn chứ không biết trình bày sao” thường thấy. Dưới đây là những câu hỏi logic được trích từ đề thi mẫu 2019 do Đại học Quốc gia TP.HCM công bố:
Biết rằng phát biểu “Nếu hôm nay trời mưa thì tôi ở nhà” là sai. Hỏi phát biểu nào sau đây đúng?
A. Nếu hôm nay trời không mưa thì tôi không ở nhà.
B. Nếu hôm nay tôi không ở nhà thì trời không mưa.
C. Hôm nay trời mưa nhưng tôi không ở nhà.
D. Hôm nay tôi ở nhà nhưng trời không mưa.
Trong nhóm bạn X, Y, P, Q, S, biết rằng: X cao hơn P; Y thấp hơn P nhưng cao hơn Q. Để kết luận rằng S cao hơn Y thì ta cần biết thêm thông tin nào sau đây?
A. P và Q cao hơn S. B. X cao hơn S. C. P thấp hơn S. D. S cao hơn Q.
Nhìn chung, có thể thấy ở kì thi đánh giá năng lực, teen cần nhiều suy luận hơn là “ôm” sách giáo khoa học tủ. Bởi lẽ, bên cạnh những kiến thức được học ở trường, teen còn được kiểm tra kĩ năng vận dụng, suy nghĩ giải quyết tình huống hoàn toàn mới và kĩ năng sử dụng số liệu. Theo bạn Minh Lâm (Giải nhất Toán cấp Quốc gia) cho hay: “Việc bấm máy tính và ghi kết quả sẽ không dễ dàng như vậy nữa. Thay vào đó, bạn cần biết giữa đoạn thông tin cho sẵn đó đâu là số liệu mình cần và áp dụng công thức nào cho đúng. Mình nghĩ với kiểu đề này, nếu teen chỉ quen giải tủ, giải một dạng bài giống nhau chỉ khác dữ liệu ắt hẳn sẽ dễ “khớp” trong phòng thi vì vẫn là dạng bài đó nhưng nay đã được trình bày theo cách diễn giải khác”.
"Công lược" kỳ thi năng lực
Kiến thức nền: Vững rồi hãy tính tiếp
Thật ra, tiếp cận một hình thức mới chỉ là một cái vỏ, cốt lõi vẫn là kiến thức. Đề thi đánh giá năng lực vẫn dựa trên những kiến thức teen có được trong suốt thời gian học tập và đánh mạnh vào khả năng vận dụng kiến thức ấy của mỗi người. Vì đề thi quá rộng, nếu teen chỉ chú ý vào những câu “rộng”, học vô số kiến thức mà quên đi những câu “hẹp” - kiến thức chủ đạo thì sẽ mất khá nhiều điểm. Sách giáo khoa không là tất cả nhưng thiếu sách giáo khoa sẽ mất tất cả. Teen nên có một chiến lược học tập “chậm mà chắc”, từ rễ tới ngọn.
Bạn Bảo Ngọc (Giải Nhì Văn cấp Quốc gia) chia sẻ: “Mình thường chọn học kiến thức từ trong sách sau đó dựa trên những kiến thức đó mà mở rộng sang những vấn đề liên quan. Đặc biệt là với môn Văn, học một chủ đề rồi tìm thơ ca liên quan đến chủ đề đó. Với cách học như vậy sẽ giúp các bạn tránh được tình trạng ôm quá nhiều kiến thức chẳng dùng đến vào người, vừa phí thời gian lại phí sức lực”.
Thêm vào đó, học từ kiến thức nền sẽ giúp teen nhà mình “một mũi tên trúng hai con nhạn” khi vừa có thể ôn thi đánh giá năng lực, vừa có thể ôn thi đại học luôn đó chứ!
“Dễ xơi” nhưng không dễ bơi
Kiến thức gần gũi, dữ liệu cho sẵn cùng nhiều câu hỏi suy luận là điểm cộng giúp kì thi đánh giá năng lực “dễ xơi” so với kì thi đại học đối với nhiều teen. Tuy nhiên, “dễ xơi” không đồng nghĩa teen có thể “bơi” qua kì thi này một cách dễ dàng. Có rất nhiều trường hợp teen “lạc” giữa “biển” kiến thức hay ôn rất nhiều mà chẳng “trúng” bao nhiêu. Để tránh trường hợp đó:
Với “nhà cá” Tự nhiên: Cần kết hợp giải bài tập thông thường và bài tập suy luận logic. Thường những phần Toán logic và ngôn ngữ sẽ có những điểm tương đồng nhất định, nên các teen có thể rút kinh nghiệm và luyện tập rất hiệu quả. Làm nhiều dạng bài với nhiều hình thức khác nhau để tránh “rập khuôn” và “khớp” khi gặp đề lạ. Cuối cùng là cố gắng liên hệ những gì mình đã học với kiến thức thực tế để có thể làm tốt những phần sơ đồ, biểu đồ…
Với “nhà cá” Xã Hội: Cần nắm vững những kiến thức pháp luật cơ bản trong sách GDCD, làm thử đề minh họa của trường của các trường có tổ chức thi phần thi này. Lợi thế của các bạn Xã hội là đề thi có sẵn phần cho thông tin, số liệu, ngày tháng nên không cần phải nhớ nhiều như trước. Nhưng nếu hiểu không đầy đủ, đọc không kĩ sẽ không thể tìm được câu trả lời chính xác từ muôn vàn thông tin cho trước kia. Tiếp đến, hỏng kiến thức sẽ ảnh hưởng đến cả những câu hỏi suy luận liên quan. Vì thế, thay vì học tủ, học vẹt như trước, để lấy điểm cao trong kì thi này, teen nên có cách học hệ thống lại những đại ý chung của các sự kiện lịch sử (năm diễn ra, những nhân vật chủ chốt gắn liền với từng sự kiện, ý chính của sự kiện cần nắm,...) để làm tốt những câu hỏi về kiến thức Lịch sử, tương tự với bài thi Địa lí”.