Từ trước đến nay, chúng ta vẫn thường nghĩ rằng con đường duy nhất để giành một chỗ trong ngôi trường ĐH trong mơ chính là điểm thi THPT Quốc gia phải thật cao. Quả thật không sai! Tuy nhiên, kể từ năm nay, bạn vẫn có thể đậu ĐH với những phương thức tuyển sinh mới toanh.
Tính đến thời điểm này, trường ĐH Quốc Tế TP.HCM (trực thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM - ĐHQG TP.HCM) là trường áp dụng nhiều phương thức tuyển sinh nhất, tổng cộng là 6 phương thức. Điểm đáng chú ý chính là trường chỉ dành 15% chỉ tiêu sinh viên cho phương thức xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi THPT Quốc gia. Bên cạnh đó, 75% chỉ tiêu sẽ được tuyển sinh bằng hai kỳ thi kiểm tra năng lực riêng biệt. Trong đó, 65% đến từ kỳ kiểm tra năng lực của trường ĐH Quốc tế và 10% xét tuyển dựa trên kết quả kỳ kiểm tra năng lực của ĐHQG TP.HCM.
Ngoài ra, kết quả của các kì thi, chứng chỉ quốc tế cũng bắt đầu được đưa vào để tìm kiếm thế hệ sinh viên “toàn cầu”. Cụ tỉ, ĐH Ngoại thương và ĐH Kinh tế quốc dân sử dụng kết quả kỳ thi IELTS, TOEFL ITP (làm trên giấy) và TOEFL iBT (làm trên máy tính) để xét tuyển. Tuy nhiên, với phương thức này, hội đồng tuyển sinh vẫn xét tuyển cùng với kết quả kì thi THPT Quốc gia. Nhưng thay vì xét 3 môn, thì nhà trường chỉ xét tổng điểm 2 môn (bao gồm môn Toánvà một môn không phải Ngoại ngữ) kèm theo đó là kết quả chứng chỉ. Trường ĐH Quốc gia Hà Nội cũng là trường ĐH công lập đầu tiên áp dụng phương thức tuyển sinh dựa trên kết quả của chứng chỉ quốc tế như Cambridge International Examinations A-level và kết quả kỳ thi chuẩn hoá SAT.
Không những thế, để tiệm cận với nền giáo dục khai phóng tại Hoa Kỳ, ĐH Fulbright Việt Nam đã chọn phương thức nộp hồ sơ, viết luận và phỏng vấn để tìm ra những sinh viên sáng giá nhất. Không chỉ là những kiến thức Toán - Lý - Hoá, ĐH Fulbright yêu cầu học sinh phải thể hiện được cá tính và câu chuyện cá nhân của mình thông qua những bài luận ngắn và những hoạt động nhóm trong vòng phỏng vấn.
Vậy bạn đã biết, mình cần chuẩn bị những gì với phương thức tuyển sinh mới toanh này chưa?