Lạ kỳ 'giải cứu' biển hiệu

0:00 / 0:00
0:00
Cửa hàng quần áo Orte ở Madrid trước đây
Cửa hàng quần áo Orte ở Madrid trước đây
TP - Một tập hợp các dự án trên khắp bán đảo Iberia đang bảo vệ các biển hiệu thương mại nhằm bảo tồn một khía cạnh văn hóa số đông không để ý tới.

Màu đỏ tươi, được viền bằng chấm bi và dài bằng ba cái ô tô, biển hiệu cửa hàng quần áo Orte từ lâu đã nằm trên con đường Alcalá của thành phố Madrid (Tây Ban Nha), sự hiện diện của nó vững vàng kể cả khi các nhà hàng đồ ăn nhanh và chuỗi cửa hàng bắt đầu xuất hiện.

Khi cửa hàng đóng cửa và khu đất chuyển sang cho thuê, tin tức nhanh chóng đến tai Alberto Nanclares. Chỉ trong vài ngày ông đã đến địa điểm, làm việc cùng một đội ngũ để cố gỡ biển hiệu khỏi mặt tiền, nơi nó đã ngự trị hơn năm thập kỷ.

Nanclares là một phần của Mạng lưới Bảo vệ Di sản Đồ họa Iberia, bao gồm hơn 50 dự án nhằm tôn vinh và bảo vệ một loại di sản mà họ cho rằng đang bị đe dọa: những biển hiệu thương mại từ lâu đã tạo nên bản sắc thành phố.

“Ai cũng nhìn thấy những biển hiệu này, nhưng ít người để tâm tới chúng”, Nanclares nói. “Khi chúng bị vứt đi, kí ức về thành phố của chúng ta bị vứt bỏ”.

Những dự án trong mạng lưới rất đa dạng – có phong trào bảo tồn những biển hiệu với hy vọng một ngày chúng có thể xuất hiện trong một bảo tàng, như dự án Paco Graco của Nanclares, bên cạnh đó có dự án phân loại các loại biển hiệu, từ đồ tráng men cách đây cả thế kỷ cho đến những biển gắn đèn neon sặc sỡ. Tất cả tạo ra một kho lưu trữ sống động trải dài 25 thành phố và thị trấn trên khắp bán đảo.

Quan điểm cốt lõi của mạng lưới là di sản không chỉ gồm những cung điện, thánh đường và đồ trang sức hoàng gia, mà còn là những nơi định hình cuộc sống và danh tính của chúng ta – một loại di sản dành cho tất cả mọi người, theo Nanclares. “Ở Tây Ban Nha có rất ít người quan niệm rằng đây là di sản, rằng đây là thứ gắn kết chúng ta, cho phép chúng ta tiến bộ và hiểu rõ hơn về bản thân”.

Được truyền cảm hứng bởi viện bảo tàng dành cho biển hiệu ở Berlin (Đức) và Warsaw (Ba Lan), phong trào ở Iberia đã mang một ý nghĩa mới sau hàng loạt đợt suy thoái – từ cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008 cho đến đại dịch Covid-19 – đã thay đổi cảnh quan thành phố.

Laura Asensio, một nhà thiết kế đồ họa tại thành phố Valladolid, Tây Ban Nha, cho biết khi các doanh nghiệp nhỏ đóng cửa, họ thường bị thay thế bởi những tập đoàn khổng lồ toàn cầu không có nhiều liên hệ với địa phương. Cô chỉ ra những thay đổi đã càn quét các trung tâm thành phố của Tây Ban Nha: “Dù bạn ở Madrid, Barcelona hay Salamanca, những biểu tượng đặc trưng của thành phố giờ đây thực chất giống hệt nhau”, Asensio nói. “Sẽ luôn có một tiệm McDonald’s, một cửa hàng Zara… Thật đáng tiếc khi các thành phố đánh mất sự cuốn hút riêng của chúng”.

Lạ kỳ 'giải cứu' biển hiệu ảnh 1
Dự án Letreiro Galeria đã thu thập hơn 250 biển hiệu

Dự án của Asensio, Valladolid with Character (Valladolid Cá tính), mong có thể ngăn chặn sự đơn điệu này bằng một bản đồ tương tác với hơn 1.000 biển báo quanh thành phố. Được tổng hợp bởi một nhóm người, bản đồ đánh dấu mọi thứ từ những biển hiệu dừng xe buýt màu đỏ hàng thập kỷ chào đón du khách đến cây bút thư pháp khổng lồ nằm trên biển hiệu một cửa hàng chuyên về bút máy.

Ở Lisbon (Bồ Đào Nha), Rita Múrias và Paola Batata khởi xướng dự án của họ từ năm 2014, khi các cửa hàng lưu niệm và quầy bánh crepe mọc lên khắp nơi trong thành phố. “Chúng tôi nguyên là nhà thiết kế đi tìm ý tưởng, và rồi chúng tôi nhận ra những biển hiệu này ghi lại câu chuyện của những người chủ cửa hàng và cả kí ức con người”, Múrias nói. “Mọi người kể cho bạn về lần họ ghé qua những cửa hàng này với bà của họ, hay hồi họ còn bé. Họ liên hệ địa điểm với những kí ức”.

Hai người sớm bắt đầu tận dụng thời gian rảnh và ngân sách của họ để “giải cứu” biển hiệu từ những doanh nghiệp chuẩn bị đóng cửa. Dự án của họ, Letreiro Galeria (Triển lãm biển hiệu), giờ đã thu thập được 250 biển khác nhau. Hiện chúng đang ở một nhà kho đi mượn trong khi hai người nỗ lực hiện thực hóa ước mơ mở một viện bảo tàng.

Trong khi một số thành phố đã ban hành luật bảo vệ các biển hiệu, các thành viên của mạng lưới hy vọng rằng nỗ lực của họ sẽ giúp mọi người thấu hiểu về di sản loại này.

“Đó là một quá trình nâng cao nhận thức. Phản ứng của mọi người thật thú vị khi họ theo dõi tôi trên Instagram và rồi họ thấy yêu thích biển hiệu hơn là ảnh tự sướng”, López nói. “Sau đó họ bắt đầu gửi cho tôi những bức ảnh chụp biển hiệu mà họ nhìn thấy khi đi du lịch. Nó tạo hiệu ứng dây chuyền."

Theo The Guardian.com, ngày 16/04/2021
MỚI - NÓNG