Là một khán giả văn minh, bạn hoàn toàn không nên "tiếp tay" cho "rạp phim" livestream

Là một khán giả văn minh, bạn hoàn toàn không nên "tiếp tay" cho "rạp phim" livestream
HHT - Hàng loạt “bom tấn” Việt chiếu rạp đều đã “lên bờ xuống ruộng” vì bị livestream, danh sách “truyền hình trực tiếp” mới ghi danh thêm “Cô Ba Sài Gòn”. Thủ phạm không phải là một tổ chức nặc danh dữ dằn, mà chỉ là một cậu bạn 19 tuổi.

Livestream và thói quen miễn phí

Vào ngày 13/11, một fanpage về phim ảnh đình đám trên Facebook đã livestream nội dung sản phẩm hot xình xịch gần đây: Cô Ba Sài Gòn. Video thu hút hàng chục ngàn lượt xem và đã có lúc đạt ngưỡng hơn 5.000 người tham gia coi cùng một lúc. Thủ phạm là N.V.T (Vũng Tàu). Trong vòng 2 ngày, hàng loạt các kênh đưa tin đã chỉ trích hành động thiếu suy nghĩ của T. Những bản án phạt nặng tay như một tỉ tiền đền bù và ba năm cải tạo được đề xuất, nhằm nghiêm trị N.V.T và qua đó răn đe những ai đang có chung ý đồ. Trong khi đó, nhóm thủ phạm quy mô lại được lờ đi trong câu chuyện này. Đó chính là hơn 5.000 người coi online buổi livestream do T. thực hiện. Không chỉ góp mặt trên “rạp phim miễn phí”, hàng loạt các tài khoản cũng đua nhau chia sẻ và tag bạn bè của mình để cổ xúy hành động “coi chùa”.

Là một khán giả văn minh, bạn hoàn toàn không nên "tiếp tay" cho "rạp phim" livestream ảnh 1

Diệu Linh (18 tuổi, Buôn Mê Thuột) tỏ ra không hiểu nổi những người xem livestream phim lậu: “Bỏ 50K để đi coi phim rạp không chỉ là để biết nội dung mà còn là để tận hưởng nghệ thuật: Màn hình khổng lồ cùng âm thanh cực chuẩn sống động, phòng mát và ghế êm nữa. Coi bản cam thường sẽ vừa nhức mắt, vừa không thấy được hết những nét hay của phim”.

Bạn Vân Lâm (cựu học sinh trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa) cho rằng hàng nghìn người xem livestream cũng “có tội” không kém kẻ thu hình phim lậu: “Nếu như ai cũng tôn trọng bản quyền và công sức của đoàn làm phim và không vào coi thì những kênh online cũng sẽ không livestream đâu. Họ nhận được một số “xèng” quảng cáo lớn hoặc một “núi” tim thả liên hoàn nên mới đánh liều thử làm “tay nháy clip”. Vậy nên án phạt lớn nhất nên dành cho những đồng phạm coi lậu”.

Là một khán giả văn minh, bạn hoàn toàn không nên "tiếp tay" cho "rạp phim" livestream ảnh 2

Sự việc lần này cũng chỉ là một biến thể của thói quen “trộm bản quyền”, xài chùa các sản phẩm thu phí lâu nay vẫn nhức nhối trong xã hội ta. Bạn Khương Hoàn Mỹ (sinh viên đại học KHXH&NV) chia sẻ: “Để thực hiện một ca khúc thì phải có một ­ê-kíp gồm tác giả thức ngày đêm sáng tác giai điệu, chuyên gia hòa âm phối khí, ban nhạc, ca sĩ…. Chưa kể ê kíp truyền thông chỉ chờ sản phẩm ra là lao vào quảng bá. Thế nhưng, thực tế phần lớn các tác phẩm âm nhạc đều được chia sẻ miễn phí khắp nơi mà không hỏi ý kiến tác giả. Người người đọc sách chùa, xem phim chùa, sử dụng kho ứng dụng tính phí đã được bẻ khóa. Việc vi phạm pháp luật đã được bình thường hóa.”

Lời giải cho bài toán bản quyền: Quản lý hay ý thức?

Chẳng ai muốn đi xem phim mà bắt buộc phải gửi túi, điện thoại vì cảm giác mình là “kẻ tình nghi” khiến chúng ta “tụt mood”, chúng ta tới rạp phim là để giải trí cơ mà. Hay thử tưởng tượng ngồi trong rạp mà biết chắc nhân viên an ninh đang căng mắt theo dõi, liệu chúng ta có thể thư giãn mà thưởng thức bộ phim hay không?

Là một khán giả văn minh, bạn hoàn toàn không nên "tiếp tay" cho "rạp phim" livestream ảnh 3

Việc quản lý bản quyền không phải là không thể thực hiện nhưng rất tốn kém và ảnh hưởng đến trải nghiệm dịch vụ của những khách hàng văn minh. Bởi vậy chỉ có những thay đổi từ ý thức xã hội mới giải quyết triệt để được bài toán bản quyền này.

Hãy thử tưởng tượng việc bạn lao động vất vả để tạo ra một sản phẩm nhưng lại bị đánh cắp, không được trả công. Hãy góp phần của mình để thay đổi “thói quen xấu” của một bộ phận không nhỏ trong xã hội. Hãy report lên quản lý các mạng xã hội, các website… ngay khi phát hiện những người dùng lợi dụng nền tảng các trang này để thực hiện các hành vi vi phạm bản quyền. Hãy báo cho các tác giả khi phát hiện tác phẩm của họ bị “ăn cắp”. Và trước tiên, quan trọng nhất, hãy từ chối tiếp cận/ sử dụng những sản phẩm ăn cắp bản quyền, không chỉ vì tác giả, mà còn để chúng ta có cơ hội được tiếp nhận những sản phẩm tốt hơn nữa.

NHO KHOA

MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm

Vì sao độ ẩm cao gây cảm giác nóng hơn vào mùa Hè và lạnh hơn vào mùa Đông?

Vì sao độ ẩm cao gây cảm giác nóng hơn vào mùa Hè và lạnh hơn vào mùa Đông?

HHT - Thời tiết miền Bắc đang nóng và ẩm, chính độ ẩm cao lại khiến nhiệt độ cảm nhận thực tế ngoài trời cao hơn nhiệt độ không khí, tức là con người cảm thấy nóng hơn. Nhưng vào mùa Đông, độ ẩm cao ở miền Bắc lại gây cảm giác lạnh hơn. Tại sao cùng là độ ẩm cao mà lại tạo những hiệu ứng trái ngược như vậy?