Anh Jason L. Campbell, một bác sĩ nội trú, cũng là người da đen, đã có một bài viết khiến bất kỳ ai cũng phải dừng lại và suy nghĩ. Nó sẽ khiến trái tim bạn như dừng một nhịp, cũng có thể khiến bạn nghẹn ngào. Dưới đây là phần lược dịch bài viết này:
“Năm tôi được 7 tuổi, mẹ tôi quát tôi: “Dừng lại. Nghe này. Dừng lại. Nếu con không bắt đầu nghe lời mẹ thì có ngày con sẽ bị giết mất thôi. Bởi vì cảnh sát sẽ chỉ nói “dừng lại” một lần thôi”.
Nhiều người mẹ da màu ở Mỹ luôn lo rằng con mình sẽ gặp nguy hiểm do định kiến xã hội.
Giống như rất nhiều đứa trẻ da màu khác, lúc ấy, tôi chỉ muốn mẹ “nới lỏng vòng tay” để tôi được làm mọi việc theo ý mình. Sau nhiều năm, sau nhiều vụ việc và nhiều cái chết khác của người da màu, tâm hồn của những người da màu lại bùng cháy, giống như những tòa nhà và các con phố ở Mỹ… Đó là một khung cảnh thật đáng sợ.
… Là một người da đen ở Mỹ có thể khiến chúng tôi cảm thấy rằng mình làm gì cũng bị coi là sai. Biểu tình trong hòa bình? Sai. Biểu tình có bạo lực? Sai. Trong lĩnh vực thể thao, chúng tôi được coi là bình đẳng, nhưng trong xã hội thì cái chuẩn mực về bình đẳng này đã rạn nứt, và một số người còn có thể cho rằng nó đã bị phá hủy.
Liệu có sự bình đẳng về màu da?
… Tôi ngồi với sự giận dữ của cộng đồng người da đen, và tôi tham gia cùng những người biểu tình phi bạo lực. Luôn có một niềm tin hoang đường thế này: Chỉ có một số người da đen nhất định phải chịu sự tàn bạo của cảnh sát thôi. Tôi có thể đảm bảo với bạn rằng, điều đã xảy ra với George Floyd có thể xảy ra với tôi hoặc với bất kỳ người nào có màu da khác biệt.
Khi tôi rời nhà, tôi đâu có vừa đi vừa giơ tấm biển ghi: “Bác sĩ Campbell, cựu sinh viên - vận động viên của Đại học Emory, sinh viên và cựu Chủ tịch của hội sinh viên Y khoa, Đại học bang Ohio, Thạc sĩ Khoa học”.
Tôi chỉ là một người da đen mà thôi.
Học sinh trung học ở New York biểu tình sau vụ việc cảnh sát bắn Michael Brown, 18 tuổi, một thanh niên da màu, vào cuối năm 2014.
Năm 2011, khi vừa tốt nghiệp Đại học Emory, có lần tôi chở bạn gái về nhà ở phía Đông Bắc Washington. Tôi lái chiếc xe Lexus của mẹ tôi và khi dừng đèn đỏ, tôi bị ngủ gục do quá mệt sau một tuần làm việc 60 tiếng. Năm giây sau, tôi tỉnh dậy. Tôi đạp ga và xe bắt đầu chạy chỉ một khoảnh khắc trước khi đèn đỏ chuyển sang xanh.
Tôi nhận ra lỗi của mình, và một cảnh sát trong ô tô gần đó cũng vậy. Ông ấy ra hiệu cho tôi dừng xe. Tôi đưa cho ông ấy xem thẻ căn cước và giấy đăng ký xe. Tôi giải thích rằng đây là xe của mẹ tôi, rồi ông ấy hỏi: “Cậu có vũ khí trong xe không?”.
“Không” - tôi bình tĩnh đáp. “Tôi kiểm tra nhé?” - ông ấy hỏi tiếp.
4.000 người New Zealand ở Auckland biểu tình vào ngày 1/6/2020, lên án vụ việc cảnh sát đè George Floyd đến ngạt thở. Ảnh: AFP.
“Không thành vấn đề” - tôi nói rồi bước ra khỏi xe. Ông ấy ngồi xuống, xem xét bên dưới ghế xe và cho tay vào đó, với xa hết mức có thể, để tìm kiếm. Rồi ông ấy đứng lên, trả lại thẻ căn cước cho tôi, chúc tôi ngủ ngon.
Nhiều người cho rằng tôi quá dễ phục tùng hoặc không biết phản đối trước định kiến của viên cảnh sát đó. Nhưng lúc ấy tôi chỉ có một mình, trên một con phố tối tăm vào buổi đêm. Chỉ có một cảnh sát và tôi.
Mà tôi chỉ là một người da đen thôi.
Khi xem đoạn video George Floyd nằm trên mặt đất và đầu gối của viên cảnh sát đè lên cổ ông ấy, chúng ta gần như không thể không thấy ám ảnh. Dù thuộc ngành nghề nào hay ở vị trí nào trong xã hội, chúng tôi cũng xứng đáng với một nước Mỹ biết lắng nghe, hay ít nhất là một nước Mỹ cho phép chúng tôi được thở chứ”.
(Jason L. Campbell tốt nghiệp khoa Y, Đại học bang Ohio và là một vận động viên điền kinh ở Đại học Emory. Hiện anh là bác sĩ nội trú ở Khoa Gây mê, Đại học Y tế và Khoa học Oregon, Portland, Mỹ).