Trong thời gian gần đây, nếu theo dõi các tiến trình của những bộ phim Hollywood ra rạp, bạn không khó để nhận ra những cụm từ như: trang web phê bình phim, trang Rotten Tomatoes, các điểm số Metascore được các tín đồ điện ảnh nhắc đi nhắc lại liên tục. Vậy những điểm số này có ý nghĩa gì, mức độ quyền lực ra sao và tính khách quan của các nhận định thế nào? Ngay cả bạn là “newbie” hay fan “cứng” của điện ảnh, hãy mở cánh cửa “thâm cung bí sử” bước vào 3 website đánh giá điện ảnh hiện nay xem có gì nào?
Metacritic
Ngày, tháng, năm sinh: 16/7/1999
Là “con” của: Marc Doyle, chị gái Julia Doyle Roberts và bạn học cùng trường đại học Southern California - Jason Dietz.
Thân thế gia đình: Trước đây là một website phê bình tự phát, sau đó Metacritic được bán lại cho CNET vào năm 2005. Tiếp đến, CNET và Metacritic được mua lại bởi tập đoàn CBS Corporation.
Đây là trang phê bình tổng hợp các đánh giá về những sản phẩm thuộc lĩnh vực nghệ thuật bao gồm: Điện ảnh, phim truyền hình, TV show, âm nhạc và cả game. Đặc điểm chính của Metacritic chính là phần lớn các nhận định đều đến từ những nhà phê bình uy tín.
Ở Metacritic, các tác phẩm được đánh giá hiển thị theo 3 màu: đỏ - vàng – xanh lá. Trong đó, màu đỏ dành cho các phim được cho là không hay. Màu vàng dành cho phim ở mức trung bình (có nhiều sạn, có điểm chưa hợp lý, diễn xuất chưa tốt,…). Màu xanh là phim được cho là hay.
Thang điểm cho các màu cũng được quy định khá cụ thể: từ 0 đến 19 điểm: Phim bị cho là quá tệ. Từ 20 đến 39 điểm: Phim mà phần lớn cho rằng không hay lắm. Từ 40 đến 60 điểm: Phim nằm ở mức độ khen có, chê có. Từ 61 đến 81 điểm: Phim khá hay và đáng xem. Từ 81 đến 100 điểm: Phim rất hay, nhưng nếu có thêm 15 nhà phê bình dành đánh giá cho bộ phim đó nữa thì được xếp vào “must-see” trong danh sách phim của các tín đồ yêu điện ảnh.
Hình thức hoạt động: Cách thực hoạt động của Metacritic không quá phức tạp nhưng lại được kiểm soát vô cùng chặt chẽ. Trên thực tế, ai cũng có thể gửi những lời đánh giá của mình lên website của Metacritic và đưa ra số điểm dựa trên cảm nhận của mình. Tuy nhiên, Metacritic luôn hiển thị hai cột điểm là: Metascore – số điểm của nhà phê bình, User Score – số điểm của khán giả. Nhưng, điểm hiển thị chung trong điểm tổng đánh giá là dựa trên số điểm của các nhà phê bình.
Cách tính điểm của Metacritic khá đơn giản. Đó là điểm trung bình của tổng điểm review (lấy của khán giả). Dẫu vậy, điểm khán giả ở trang web này chỉ mang tính tham khảo mà thôi bởi điểm chính vẫn thuộc về các nhà phê bình.
Ở Metacritic, họ sẽ có đội ngũ thu thập các bình luận chuyên môn từ những nhà phê bình danh tiếng - những người có chuyên môn trong lĩnh vực điện ảnh. Mọi ý kiến từ giới phê bình đều được xem xét cẩn thận và xếp theo thang điểm từ 0 đến 100. Sau đó, họ sẽ đối chiếu các điểm dựa trên bảng quy chiếu riêng và đưa ra con số chung. Ngoài ra, Metacritic còn có một điều thú vị là: Với phim chưa công chiếu chỉ có những nhà phê bình danh tiếng nhất mới được quyền nhận xét. Tóm lại, với số điểm trên Metacritic, chúng ta sẽ biết được giới chuyên môn nghĩ gì về tác phẩm ấy.
IMDb (Internet Movie Database)
Ngày, tháng, năm sinh: 17/10/1990
Là “con” của: Film-fan chính hiệu - nhà lập trình máy tính Col Needham.
Thân thế gia đình: Thuộc tập đoàn Amazon.
Khác với Metacritic, trang IMDb được xem như một thư viện điển ảnh mở. Ngoài việc, khán giả được xem các lời bình thì họ còn có thể tự thêm thông tin về: diễn viên, ê-kíp sản xuất, đạo diễn của phim nhằm mang đến sự sinh động.
Ở IMDb, thang điểm quan trọng nhất thuộc về User-rating được đánh giá từ 0 đến 10 điểm. Đây cũng là số điểm được hiển thị quen thuộc. Điều khiến IMDb luôn nhận được sự yêu thích từ các tín đồ chính là cách website đề cao tính tương tác. Với các bình luận trên IMDb, bạn sẽ biết được đại chúng đang nghĩ gì về tác phẩm này.
Hình thức hoạt động: IMBb có cách tính điểm tương đối phức tạp hơn so với Metacritic hay Rotten Tomatoes. Điểm trên IMDb không phải là kiểu điểm trung bình của tổng các điểm đánh giá. Theo đó, điểm của mỗi người dùng đánh giá không phải lúc nào cũng có giá trị ngang nhau.
Nói cách khác, giá trị điểm của mỗi người dùng được xem xét bởi: Độ tuổi, điểm họ từng bình chọn cho những tác phẩm khác, sự liên kết thường xuyên với website, độ yêu thích / tin cậy về bài viết đánh giá mà họ từng đăng tải trên IMDb. Ngoài ra, đội ngũ quản lý IMDb còn thường xuyên tiến hành lọc bình luận - lọc điểm để mang lại số điểm khách quan nhất nhưng lọc ra sao, lọc bao nhiêu lần, đây vẫn công thức bí mật của nhà IMDb.
Chưa dừng lại ở đó, trên IMDb còn có thang mang tên Popularity (mức độ phổ biến) dành cho phim chuẩn bị ra mắt. Nơi đây tổng hợp các đề cập về phim để cho nhà sản xuất - nhà phê bình phim - khán giả thấy rõ được hiệu ứng phim tạo ra.
Rotten Tomatoes
Ngày, tháng, năm sinh: 12/8/1998
Là “con” của: Bộ ba sinh viên đại học Berkely, California - Senh Duong, Patrick Y. Lee, Stephen Wang.
Thân thế gia đình: Thuộc sở hữu của Flixster. Vào năm 2011, Flixster được bán cho Warner Bros. Vào tháng 2/2016, Rotten Tomatoes và Flixster được bán cho Fandango của Comcast. Warner Bros nắm giữ cổ phần thiểu số khi sát nhập, trong đó bao gồm Fandango.
Tên Rotten Tomatoes (cà chua thối) được lấy cảm hứng từ việc khán giả có thói quen ném cà chua cho các màn trình diễn quá tệ. Và tiêu chí đó cũng được áp dụng trong các đánh giá về phim ảnh, phim truyền hình trên trang Rotten Tomatoes.
Ở trang web phê bình khá phổ biến này, có 3 mức độ mà người dùng cần phải nắm rõ đó là: Fresh (cà chua tươi) - dành cho những bộ phim được công chiếu và nhận được trên 60% các đánh giá đều khen. Rotten (cà chua thối) - dành cho những bộ phim được công chiếu và nhận dưới 60% các đánh giá khen. Certified Fresh (cà chua ngon chính hiệu) - dành cho những bộ phim được công chiếu và nhận được ít nhất 80 bài đánh giá, trên 70% bài khen và có 5 bài nhận định đến từ các nhà phê bình - nhà báo uy tín. Ngoài ra, với phim công chiếu (bị hạn chế) thì ít nhất có 40 bài đánh giá và trên 70% bài viết đều là bài khen.
Bên cạnh thang điểm này, Rotten Tomatoes còn đưa ra hai cột điểm là: Tomatometer - các nhà phê bình / nhà báo đánh giá. Audience Score - khán giả đánh giá. Hơn nữa, trước đây, website còn có phần Want To See nhằm xem mức độ hứng thú của khán giả trước tác phẩm đó. Tuy nhiên, tính năng này đã trở thành “mồi ngon” thao túng cho nhóm “thuỷ quân” - nhóm người thích “chơi xấu” nghệ sĩ hoặc muốn “dìm hàng” tác phẩm điện ảnh. Do đó, Rotten Tomatoes hiện đã “khai tử” tính năng này.
Hình thức hoạt động: Dựa trên thang điểm của User Score, trên 60% các bình luận đều là khen thì sẽ có kí hiệu hộp bắp rang vàng tươi biểu thị cho việc khán giả thích phim. Ngược lại, dưới 60% các bình luận khen thì sẽ có kí hiệu hộp bắp rang bị đổ biểu thị cho thấy phim làm khán giả “ngán đến muốn đổ hết bắp rang bơ”.
Cũng như những website đánh giá khác, mọi người đều có thể bày tỏ quan điểm và nhận định của mình trên Rotten Tomatoes. Tuy nhiên, để cách đánh giá của mình trở nên có giá trị thì bạn cần phải là Top Critic của trang. Hoặc bạn có những bài viết nhận định nhận được lượng thích nhất định từ cộng đồng. Thông thường những người thuộc Top Critic là các nhà báo, nhà phê bình uy tín.
Mặt khác, bên dưới mỗi điểm “Cà chua” đến từ người dùng và nhà phê bình, có mục More Info (xem chi tiết), khán giả có thể thấy rõ bao nhiêu % phản ánh rằng bạn nên xem phim này. Lưu ý, những con số trong mục More Info không phải số điểm dành cho phim.
Tóm lại, việc tổng hợp những bình luận đến từ 3 website đánh giá phim đáng tin cậy này sẽ giúp cho chúng ta vẽ ra một bức tranh phần nào toàn diện về một tác phẩm điện ảnh. Công chúng có thể nhìn được đa chiều hơn và đưa ra cho mình quyết định có nên xem phim hay không.
Tuy nhiên, đây đều là những website dành cho phim nước ngoài, những bình luận - đánh giá cũng hầu hết thuộc về khán giả phương Tây. Điều này ít nhiều sẽ khác biệt so với quan điểm, cách nhìn, văn hoá của những khán giả Á Đông. Bạn xem phim đó hay nhưng có thể khán giả ở Mỹ không nghĩ thế. Vậy nên, số điểm không thể quyết định hết việc bạn có lựa chọn xem phim đó hay không. Ở một mặt nào đó, đây là nguồn tham khảo chung mà bạn có thể dựa vào trước khi “móc hầu bao”.