Lady Bird là một trong những bộ phim về tuổi trưởng thành xuất sắc, được đề cử 5 giải Oscar năm 2017. Chuyện phim kể về cô nàng Christine 17 tuổi tự đặt cho mình một cái tên riêng là “Lady Bird” như một cách khẳng định cái tôi, một kiểu nổi loạn thường thấy. Christine đang ở giữa một mớ bòng bong của tuổi trưởng thành: chọn trường đại học, mâu thuẫn với mẹ, cãi nhau với bạn thân, yêu nhầm người và thất tình…
Một trong những yếu tố xuyên suốt và khiến Lady Bird xuất sắc chính là khai thác rất thật và rất đời về mối quan hệ vừa yêu thương vừa mâu thuẫn gay gắt khó hòa hợp giữa người mẹ và Christine.
“Với cái đạo đức làm việc của con, con chỉ có vào đại học, và rồi vào tù, rồi trở lại trường.”
Cảnh đầu phim, Christine và mẹ cùng ngồi trên xe ô tô, nghe cuốn sách “Chùm nho nổi giận” được đọc từ băng thu sẵn và cùng khóc bởi những lời đẹp đẽ xúc động ấy. Dường như đó là khoảnh khắc bình yên đồng cảm hiếm hoi của hai mẹ con, bởi mâu thuẫn xảy ra ngay sau đó. Christine muốn đổi sang nghe nhạc, mẹ cô lại yêu cầu hãy yên lặng để tận hưởng những cảm xúc lắng lại sau khi cuốn sách kia kết thúc.
Từ một xung đột nhỏ, mâu thuẫn chuyển sang các chủ đề khác như trường đại học mà Christine muốn nhưng mẹ cô lại cho rằng cô không đủ sức thi đỗ vào đấy, chuyện vặt vãnh thường ngày, chuyện cô tự gọi mình là “Lady Bird” thật lố bịch… với một nhịp độ dồn dập và căng thẳng. Đỉnh điểm, Christine mở cửa lao mình ra khỏi xe trong khi chiếc xe vẫn đang chạy, khiến mẹ cô la lên thất thanh.
“Mẹ đã bao giờ đi ngủ mà không gấp quần áo gọn gàng chưa? Một lần duy nhất thôi chẳng hạn. Và mẹ đã bao giờ ước sẽ không bị bà ngoại quát mắng?”
Một đêm muộn, Christine trở về nhà sau một buổi hẹn hò bí mật với cậu bạn Danny dễ mến. Christine đã có quãng thời gian thật hạnh phúc và ngọt ngào từ buổi hẹn đến con đường về nhà. Trái tim lâng lâng hạnh phúc của Christine nhanh chóng chìm xuống khi mở cánh cửa và nhận ra bố mẹ vẫn còn thức. Họ đang có một cuộc tranh luận khá gay gắt và lo lắng về việc người bố vừa thất nghiệp.
Người mẹ đã vào phòng Christine và bắt đầu phàn nàn về việc cô không được phép đi ra ngoài như thế, quần áo của cô không được xếp gọn gàng và việc này sẽ làm quần áo của cô trông tả tơi vào hôm sau. Cuộc đối thoại càng trở nên nặng nề khi người mẹ đề cập đến việc người bố vừa thất nghiệp, và việc Christine không ăn mặc cho tử tế sẽ khiến hình ảnh gia đình tơi tả và có thể do đó mà người bố khó kiếm một công việc mới.
“Con mệt hả? Mẹ tưởng con mệt vì thấy như con vừa đi vừa lết vậy.”
Christine được cậu bạn trai Danny mời đến dự Lễ Tạ Ơn với gia đình cậu và cô cùng mẹ đi mua váy mới. Hai mẹ con cũng chỉ nói chuyện nhẹ nhàng với nhau được phút đầu và ngay sau đó mâu thuẫn lại xảy ra bởi những chuyện tủn mủn. Mẹ cô không hài lòng vì cô dành thời gian trải qua Lễ Tạ Ơn với gia đình khác thay vì gia đình của mình, điều đó làm Christine khó chịu. Và rồi mẹ cô chuyển sang phàn nàn về việc cô đi không nhấc chân lên bằng câu hỏi châm chọc “Con mệt hả?”.
“Mẹ hãy cho con một con số về số tiền để nuôi con. Con đang lớn lên và sẽ làm ra được nhiều tiền và sẽ viết cho mẹ một tờ séc về những gì con đã nợ. Nhờ thế con sẽ không phải nói chuyện với mẹ thêm lần nào nữa.”
Christine bị đình chỉ học vì đã gây ra một việc không hay. Sự kiện đó đã khiến cô và mẹ xảy ra một trận tranh cãi lớn, nặng nề. Mẹ Christine đề cập đến việc cô thấy xấu hổ về sự nghèo khó của cả nhà, nên mỗi khi đi học đều bảo bố dừng xe cách trường mấy dãy nhà rồi đi bộ vào. Giữa những lời xin lỗi yếu ớt của Christine, mẹ cô vẫn gay gắt nói tiếp rằng bố mẹ đã rất vất vả để nuôi cô ăn học và cô thì đi lãng phí từng ngày như thế.
Bao dồn nén đã khiến Christine đứng phắt dậy và nói “Mẹ hãy cho con một con số”. Christine nói gay gắt rằng hãy cho cô một con số, rồi cô sẽ làm ra tiền và trả lại chúng cho mẹ cô, để “con sẽ không phải nói chuyện với mẹ thêm lần nào nữa”.
“Con chỉ mong mẹ thích con thôi.”
Christine và mẹ cùng đi mua một chiếc váy cho đêm dạ hội năm cuối. Khi cô chọn được một chiếc váy xinh đẹp và rất thích nó, mẹ cô đã góp ý “Có quá hồng không?”. Christine im lặng vài giây rồi lầm lũi trở vào phòng thay đồ. Từ bên trong, cô nói vọng ra, giọng trầm buồn: “Mẹ không thể nói nhìn con thật xinh sao?”.
Nơi tưởng là bão tố lại luôn tồn tại một tình yêu vô điều kiện
Mối quan hệ giữa Christine và mẹ không hiền hòa êm ả, ngược lại vô cùng gay gắt. Cảm xúc thường trực giữa cả hai là yêu thương và giận dữ, dường như chúng tồn tại song song, hoặc hòa lẫn vào nhau. Khó tìm thấy được một cảnh giữa hai mẹ con chỉ có một dạng cảm xúc.
Gia đình thường được ví là mái ấm, nhưng đôi lúc nó lại là nơi chứa đầy bão tố, còn thế giới bên ngoài lại có vẻ tràn đầy niềm vui hơn. Nhưng sẽ đến lúc, khi thực sự trưởng thành, ta sẽ nhận ra chính ở nơi ta tưởng là bão tố ấy, luôn tồn tại một tình yêu vô điều kiện. Như người mẹ của Christine, dù luôn gay gắt với con gái, hiếm khi mềm mỏng với cô, nhưng là người thức đêm để sửa chiếc váy cho cô, ôm cô khi cô khóc, và lặng lẽ rơi nước mắt khi cô đã lên máy bay đi học đại học xa nhà.
Cuối phim, không có cảnh Christine và mẹ cô nói chuyện ngọt ngào với nhau. Có lẽ cả hai mẹ con sẽ không thể có được cảnh đấy khi tính cách của mỗi người đều quá mạnh mẽ và dễ tạo ra xung đột. Nhưng cảnh cuối phim, Christine lái xe ngang qua thành phố Sacramento, nơi mẹ cô đã từng sống, và nghĩ về mẹ mình. Không nhiều lời nhưng tình yêu thương thấm đẫm trong khung cảnh ấy khi hình ảnh người mẹ phản chiếu lại qua Christine. Không nhiều lời nhưng khoảnh khắc ấy cho biết Christine và mẹ cô đều đã “nhìn thấy” được đối phương và hiểu được tình yêu của người kia dành cho mình. Christine hiểu được rằng mẹ yêu mình rất nhiều, và cô cũng yêu mẹ. Không điều gì có thể thay đổi được điều đó.