Lại chuyện cách tân áo dài phản cảm

0:00 / 0:00
0:00
TP - Cách tân áo dài vốn được nhiều chuyên gia văn hoá, nhà thiết kế ủng hộ. Điều đáng buồn là một bộ phận mượn danh cách tân để làm lố, phá vỡ vẻ đẹp, tinh thần vốn có của áo dài. Mức phạt gần 100 triệu đồng cho nhà tổ chức sô thời trang phản cảm vừa rồi là lời cảnh tỉnh cho giới thiết kế.

Phản cảm, kệch cỡm

Những hình ảnh phản cảm từ sô diễn thời trang New Tradition (tạm dịch: Truyền thống mới) của nhà thiết kế Tường Danh làm dậy sóng không gian mạng cuối tháng 5/2023. Người mẫu đội nón quai thao, mặc áo yếm, áo dài cách điệu hở hang, phản cảm. Một số trang phục khác cũng được trình diễn với tạo hình cắt xẻ quá táo bạo.

Áo yếm truyền thống của phụ nữ Việt Nam được khoét gọt khó tin, làm hở cả bụng, sườn và phần lưng người mặc. Hình ảnh một người mẫu nam để đầu trọc, mặc bộ trang phục màu vàng cổ trụ, tạo dáng bên chiếc chuông vàng cũng gây tranh cãi.

Lại chuyện cách tân áo dài phản cảm ảnh 1

Sô thời trang làm xấu hình ảnh áo dài, áo yếm

Thời điểm nổ ra tranh cãi, Tường Danh - nhà thiết kế kiêm giám đốc nghệ thuật của bộ sưu tập thời trang - giải thích, những thiết kế gây tranh cãi chỉ là một phần nhỏ của bộ sưu tập. “Nếu là áo yếm truyền thống chắc chắn sẽ là câu chuyện khác. Trong sô diễn chỉ là một chiếc đầm được lấy cảm hứng từ áo yếm nhưng thành phẩm cuối cùng được thay đổi hoàn toàn so với áo yếm truyền thống”, nhà thiết kế chia sẻ.

Để hạn chế những buổi biểu diễn cách tân áo dài phản cảm, Giám đốc Bảo tàng Áo dài Việt Nam Huỳnh Ngọc Vân đề xuất, các cơ quan quản lý nên có văn bản hướng dẫn khi sử dụng áo dài đối với người Việt Nam lẫn người nước ngoài để hình ảnh áo dài mỗi lần xuất hiện đều làm nổi bật nét văn hoá Việt. Nhà thiết kế Trung Đinh cũng cho rằng, mức xử phạt đủ răn đe với những sai phạm mới tạo ra môi trường thời trang - trình diễn nghệ thuật văn minh.

Mức phạt cho đơn vị tổ chức sô thời trang “áo yếm lộ vòng 3” là phạt hành chính 85 triệu đồng, đình chỉ hoạt động 18 tháng. Đây cũng là sự cảnh báo cho những buổi biểu diễn thời trang mượn danh cách tân, phá cách để tạo ra những sản phẩm lố bịch.

Anh Tôn Thất Minh Khôi - người sáng lập ngày hội Việt phục Tóc xanh vạt áo lên tiếng: “Từ khi nào chiếc nón quai thao truyền thống lại bị gán ghép vào những vòng 3 để trần kệch cỡm, dung tục. Tôi không tin vào mắt mình khi hình ảnh chư Tăng khất thực vốn thiêng liêng, lại bị bóp méo lố bịch trên sàn diễn thời trang”. Minh Khôi cho rằng, những trang phục phản cảm này xuất phát từ sự mạo xưng trang phục truyền thống Việt Nam. “Đừng vin vào cớ cách tân, sáng tạo để cưỡng bức, bức tử văn hoá truyền thống một cách man rợ”, anh Minh Khôi lên án.

Nhiều nghệ sĩ Việt từng xuất hiện trong trang phục áo dài cách tân phản cảm. Ca sĩ Hiền Thục bị chê vì kết hợp áo dài với quần đùi và tất lưới gợi cảm. Ngô Thanh Vân tham gia buổi biểu diễn thời trang với trang phục áo dài được may bằng vải xuyên thấu, cắt xẻ hở bụng và vai. Đả nữ màn ảnh rộng cho biết bức ảnh chụp thời điểm cách đây 15 năm, lúc đó cô khoảng 25 tuổi, là người mẫu cho sô thời trang của nhà thiết kế Mai Lâm. “Nhà thiết kế đưa gì, tôi mặc đó”, Ngô Thanh Vân giải thích.

Lại chuyện cách tân áo dài phản cảm ảnh 2

Áo dài truyền thống được nâng niu, trưng bày trong bảo tàng

Sự dễ dãi, thiếu ý thức và kiến thức của người thiết kế lẫn người mặc khiến dư luận nhiều phen bị sốc trước những bộ trang phục mang vỏ bọc “cách tân”.

Giới hạn của cách tân

Họa sĩ Nguyễn Đức Bình, Chủ nhiệm CLB Đình làng Việt khẳng định, những nhà thiết kế đưa phong cách gợi cảm, thậm chí phản cảm vào áo dài đang có sự nhầm lẫn nghiêm trọng. “Bản sắc văn hoá trong trang phục người Việt là giản dị, khiêm nhường, kín đáo. Không thể lấy lý do cách tân để đưa chiếc nón quai thao truyền thống kết hợp với trang phục phản cảm. Trang phục dù có cách tân, sáng tạo chừng nào đi nữa vẫn phải toát lên bản sắc văn hoá người Việt”, ông Bình nói.

Thời trang ứng dụng lẫn biểu diễn gần đây nảy sinh nhiều bất cập. Một số nhà thiết kế lợi dụng khẩu hiệu phải cách tân, đưa hơi thở hiện đại vào thời trang nhưng chỉ theo đuổi sự lố lăng, phản cảm. Ông Nguyễn Đức Bình cho rằng, nhiều trang phục được gọi là áo dài cách tân lại không mang giá trị bản sắc Việt Nam, mà chạy theo xu hướng của các quốc gia khác. “Cách tân là tạo ra một xu hướng mới mẻ trên cơ sở các giá trị cũ, đồng thời mang lại giá trị tích cực về văn hóa. Chúng ta không nhất thiết dựa theo hoàn toàn giá trị truyền thống, nhưng phải tìm ra được yếu tố cốt lõi về tinh thần dân tộc, qua đó kết hợp với những âm hưởng của thời đại hiện nay”, ông Nguyễn Đức Bình nêu.

Nhà thiết kế áo dài Trung Đinh ủng hộ việc cách tân áo dài để tăng tính ứng dụng cũng như độ lan tỏa, phổ biến của trang phục. Không nên đặt quá nhiều trách nhiệm nặng nề lên một bộ trang phục, song đổi mới sao cho phù hợp vẫn là điều đáng bàn. “Người thiết kế áo dài khó hơn người làm về thời trang đơn thuần. Cách tân áo dài phải đảm bảo thần thái, vẻ đẹp vốn có và không vượt ra ngoài khuôn khổ thuần phong mỹ tục”, nhà thiết kế Trung Đinh bày tỏ.

Thời trang luôn có sự thay đổi. “Cách tân áo dài dựa trên nền tảng sẵn có. Nhà thiết kế có thể sửa lại phần cổ, làm ngắn một chút phần tà, tay áo… Áo dài không phải bộ váy, áo thời trang thông thường để nhà thiết kế thích cắt, thích xẻ chỗ nào cũng được”, nhà thiết kế Trung Đinh nói. Anh cho rằng, một số nhà thiết kế đang thiếu nền tảng về chuyên môn, chiều sâu và ý thức về văn hoá khi đưa những yếu tố phản cảm, kệch cỡm lên trang phục truyền thống của dân tộc.

Bà Huỳnh Ngọc Vân, Giám đốc Bảo tàng Áo dài Việt Nam (Long Phước, quận 9, TPHCM) khẳng định, áo dài Việt Nam từ khi hình thành tới nay có nhiều thay đổi từ kiểu dáng đến kỹ thuật may. Việc thay đổi để áo dài ngày càng đẹp hơn, thuận tiện hơn đã trở thành một xu hướng tất yếu. Dù có cách tân, thay đổi ra sao áo dài vẫn cần giữ được sự kín đáo. “Vải may áo dài có thể mỏng, mềm mại nhưng không thể xuyên thấu, không để lộ nội y, thân thể. Áo dài hấp dẫn ánh nhìn cũng do thiết kế của áo dài tôn lên vóc dáng người mặc mà không phải vì nó mỏng đến mức mà lộ nội y, phô trương thân thể”, bà Vân nêu.

Bà Huỳnh Ngọc Vân cho rằng, những buổi biểu diễn thời trang lấy danh cách tân áo dài nhưng người làm trang phục thiếu hiểu biết về áo dài dẫn đến phản cảm. “Khi có ý định đem sự hở hang vào áo dài, nhà thiết kế cho thấy sự thiếu hiểu biết. Chắc hẳn, họ muốn làm điều gì táo bạo, đột phá để nâng tầm tên tuổi của mình. Tuy nhiên những việc có thể làm được với cái trang phục khác, chưa chắc làm được với áo dài”, Giám đốc Bảo tàng Áo dài Việt Nam bày tỏ.

MỚI - NÓNG