TRUYỀN THÔNG “THIẾT KẾ” SỰ THẬT
Trong lớp Scientific Inquiry (Nghiên cứu Khoa học) tại trường Đại học Fulbright, thầy đã giao cho tụi mình một bài tập, chính là tìm những bài báo khoa học trên các trang báo điện tử, và tiến hành xác thực thông tin. Thầy bảo rằng một nghiên cứu khoa học từ lúc được công bố kết quả đến khi kết quả đến với công chúng đi qua một quá trình rất dài.
Quá trình này bao gồm: (1) Tự chỉnh sửa, (2) chỉnh sửa theo nhận xét của đồng nghiệp, biên tập, (3) sự tự chắt lọc thông tin của ban biên tập, (4) dịch thuật và chia sẻ trên các phương tiện truyền thông. Khi đi qua những giai đoạn này, thì một nghiên cứu đầy đủ dày cả trăm trang ban đầu sẽ chỉ còn là 1 - 2 dòng tít lớn chèn lên các bức hình trên Facebook hay các trang thông tin điện tử.
Quá trình này cũng tương tự khi được dùng để phân biệt giữa primary source (nguồn gốc chính của thông tin) và secondary source (nguồn tin thứ cấp, những bài viết có trích hoặc đề cập primary source). Thông thường một bài nghiên cứu khoa học đầy đủ, ví dụ như là về vắc-xin cho COVID-19, sẽ phải có phần giới thiệu những lý thuyết mà nghiên cứu này dựa trên, những cách thức, công thức mà dự án này đã sử dụng để nghiên cứu, và đặc biệt là những giới hạn của bài nghiên cứu này. Đó là khi tác giả tự nhận định rằng đâu là những trường hợp, môi trường mới mà dự án chưa thể thử nghiệm, đâu là những khả năng đã xảy ra selection bias (thiên vị trong chọn lọc dữ liệu) đã diễn ra trong quá trình nghiên cứu và cần bàn luận thêm.
Thế nhưng, đó không phải là những điều mà người dân hay khán giả đại chúng muốn biết hay có thời gian để tiếp nhận. Thay vào đó, đa số mọi người chỉ cần biết kết quả cuối cùng là như thế nào, có sử dụng được không, có liên quan trực tiếp đến mình không, và các phương tiện truyền thông sẽ giúp họ đạt được điều đó.
“GIỮ MÌNH” ĐI QUA “BÃO” THÔNG TIN
Những cuộc chiến từ tranh luận, tranh cãi, cho đến mạt sát và xúc phạm nhau đều diễn ra rất nhanh chóng và dễ dàng trên mạng xã hội.
Trong bộ phim The Social Dilemma trên Netflix, Tristan Harris (cựu Google Design Ethicist, Co-founder của Center for Human Technology) đã bật mí rằng: “Kết quả tìm kiếm trên Google giữa bạn và những người khác trên thế giới thực chất không hề giống nhau, dù cho 2 người có tìm kiếm cùng một keyword. Kết quả sẽ hiện ra dựa trên nơi người đó sống, lý tưởng, niềm tin chính trị của lãnh thổ đó, và hành vi sử dụng của chính bạn.”
Điều này đồng nghĩa với việc các “ông lớn” công nghệ sẽ học hành vi, niềm tin của bạn và tạo điều kiện để bạn tiếp cận với những tin tức gần với niềm tin của mình hơn và củng cố niềm tin đó.
Trong thời đại công nghệ thúc đẩy lan tỏa nhiều thông tin trái chiều, việc nhìn nhận thông tin một cách trực quan trở nên khó hơn bao giờ hết. Nhưng chúng ta vẫn có thể dùng chính những công nghệ này để học cách xác thực thông tin.
1. Đặt niềm tin vào sự chủ động của bản thân
Đồng sáng lập dự án xác thực thông tin 1856AA chia sẻ về những cách xác thực thông tin rằng: “Ở Việt Nam, các bạn có thể tham khảo 1856AA; dự án luôn cố gắng cung cấp hoạt động kiểm chứng thông tin chính xác và trung lập nhất có thể. Chúng mình cũng nhận thực hiện các yêu cầu kiểm chứng thông tin của bạn đọc qua Facebook nên hi vọng sẽ nhận được thật nhiều tin nhắn của các bạn trong thời gian tới. Đối với các thông tin quốc tế, các bạn có thể tham khảo một vài trong vô cùng nhiều các dự án kiểm chứng thông tin như Snopes, Politifact, hay FactCheck.org.
Để nhận biết một thông tin có đáng tin cậy hay không, thực tế, không phải là điều có thể nói ra trong vài câu ngắn ngủi. Tuy nhiên, khi tiếp nhận một thông tin mới, các bạn có thể ghi nhớ 5 câu hỏi sau:
CH1: Ai tạo ra thông tin này?
CH2: Thông tin này được cấu thành từ những yếu tố nào (ví dụ: Copy, màu sắc, thiết kế), và những yếu tố này thu hút tôi ra sao?
CH3: Những người khác có tiếp nhận và phản ứng với thông tin này giống tôi không, và nếu khác thì khác như thế nào?
CH4: Những giá trị, quan điểm, luận điểm nào đã được thêm vào hoặc lược bỏ bớt từ thông tin gốc?
CH5: Tại sao thông tin này lại được phát tán lên các phương tiện truyền thông?”
2. “Sự thật chỉ có một”
Đồng sáng lập của 1856AA cũng bày tỏ rằng: “Mình cho rằng cần tách biệt giữa quan điểm (opinion) và sự thật (fact). Quan điểm có nhiều, nhưng sự thật chỉ có một, và 1856AA tranh luận (nếu có, dù chúng mình rất hạn chế việc tranh luận không cần thiết) dựa trên sự thật, cụ thể hơn là thực chứng, số liệu, dữ liệu.
Nói gắn gọn thì 1856AA đồng ý rằng "quan điểm của tôi và quan điểm của bạn phải được đối xử bình đẳng", nhưng phản đối thái độ khăng khăng rằng "quan điểm của tôi và sự thật đã được chứng minh của bạn phải được đối xử bình đẳng".”
Chỉ cần đủ bình tĩnh để giữ cái đầu lạnh thì “cơn bão” thông tin sẽ giúp “rèn” bạn trở nên trực quan và trưởng thành hơn rất nhiều!