Làm sao để nhận được nhiều hơn những gì mình bỏ ra?

HHT - Khi mua sắm, bạn thường nhận được món đồ tương ứng với số tiền mình bỏ ra. Nhưng chỉ cần thay đổi cách nghĩ, bạn sẽ nhận được gấp nhiều lần hơn.

Không phải là tôi không thích đồ trang sức. Mà là đồ trang sức có vẻ không thích tôi.

Vì lý do gì đó, tôi và đồ trang sức hình như không hợp nhau. Tôi chẳng may làm hỏng chiếc đồng hồ đầu tiên mà tôi có - đó là một tai nạn rất tệ vào hồi lớp 8, khi tôi va tay phải cánh cửa kim loại. Vài năm sau, tôi được tặng một chiếc nhẫn kỷ niệm của trường trung học, nhưng chỉ sau một tháng, nó đã chìm xuống đáy bể bơi vì tôi bơi mà quên tháo nhẫn. Chiếc nhẫn bạc rất đẹp mà mẹ tặng tôi cũng chỉ tồn tại được hai tháng trước khi nó rời khỏi ngón tay tôi. Sự thật là tôi tháo nó ra nghịch trong một buổi đi xem ca nhạc và nó tuột khỏi tay, lăn xuống gầm ghế tối om và tôi không thể tìm được nó trong rạp hát đông người nữa.

Làm sao để nhận được nhiều hơn những gì mình bỏ ra? ảnh 1 Tôi không giữ được món đồ trang sức nào lâu cả…
Tôi đã chọn cách không cãi lại định mệnh, và không mua thêm món đồ trang sức hay phụ kiện nào nữa. Nhưng trong buổi hẹn thứ hai của tôi với cô bạn gái ở trường đại học, tôi đã rất lúng túng vì không biết giờ giấc gì cả (hồi đó tôi không có điện thoại di động). Thế là, trong một lần đi chơi, tôi quyết định tìm mua chiếc đồng hồ. Tôi không cần tìm thứ gì thật cá tính hay thời trang. Tôi chỉ cần xem giờ.

- Em cần kiểu đồng hồ gì? - Chị bán hàng ở cửa hàng đồ phụ kiện hỏi tôi.

- Em chỉ cần cái đồng hồ bình thường, tức là để xem giờ - Tôi đáp.

Thế mà chị ấy vẫn cho tôi xem các kiểu đồng hồ kèm lịch, đồng hồ có ghi nhớ cuộc hẹn, đồng hồ có dự báo thời tiết, và cả đồng hồ hiển thị tóm tắt tin tức hàng ngày!

- Chị à, em thực sự chỉ cần một cái đồng hồ để xem giờ - Tôi khẳng định lại.

Chị bán hàng lúc này có vẻ chán tôi. Chị ấy chỉ vào một góc cửa hàng với tấm bảng viết tay: "Đồng giá: 10 đôla".

- Có lẽ ở đó có đồng hồ chỉ để xem giờ - Chị ấy nói rồi quay sang hỏi chuyện một khách hàng đang tìm một món phụ kiện đắt tiền khác.

Làm sao để nhận được nhiều hơn những gì mình bỏ ra? ảnh 2 Tôi chỉ cần một chiếc đồng hồ để xem được giờ, không hơn không kém.
Tôi rất phấn khích trước viễn cảnh về chiếc đồng hồ 10 đôla. Tôi không kỳ vọng gì nhiều – chỉ cần đồng hồ chạy đúng giờ, nên tôi rất mừng khi tìm được một chiếc trông khá ổn, với dây kim loại, kim to nên nhìn rõ, lại có cả kim giây. Không những thế, trên mặt đồng hồ còn có ba ô nho nhỏ, tôi cho rằng chúng ghi ngày, tháng, năm, cùng các nút để chỉnh. Nó không kèm theo sách hướng dẫn sử dụng, nhưng chị bán hàng cam đoan với tôi rằng người ít hiểu biết nhất cũng tìm được cách chỉnh nó thôi, bởi nó rất đơn giản.

Và đúng là như thế thật.

Khi tôi đem chiếc đồng hồ về nhà và bắt đầu loay hoay xem nó, thì tôi phát hiện ra rằng tôi không cần phải tìm cách chỉnh ngày tháng năm. Bởi ba cái ô đó chỉ được… in lên mặt đồng hồ thế thôi, chứ chúng không di chuyển hay thay đổi được gì hết. Cho nên, hai trong số ba nút điều chỉnh cũng chỉ nhằm mục đích trang trí. Và cái dây kim loại thì rất sắc, cứ cào vào cổ tay tôi.

Làm sao để nhận được nhiều hơn những gì mình bỏ ra? ảnh 3 Một cái đồng hồ thật đơn giản là lựa chọn của tôi.

Nhưng cũng không sao. Tôi chỉ cần xem giờ, và chiếc đồng hồ có cho tôi biết được điều này - chỉ cần tôi không ngại rằng sau vài ba hôm thì chỉ có các con số từ 1 đến 7 là nhìn rõ, còn từ số 8 trở đi thì không hiểu sao lại mờ hết cả.

Tôi cũng không có gì để than phiền. Tôi nhận được thứ mà tôi đã bỏ ra: Một chiếc đồng hồ có giá 10 đôla. Có lẽ vậy.

Làm sao để nhận được nhiều hơn những gì mình bỏ ra? ảnh 4 Nhìn chung thì những gì chúng ta nhận được thường tương ứng với những gì mà mình trao đi.

Đây là một trải nghiệm khá đơn giản, nhưng lại khiến tôi ghi nhớ rất lâu. Thứ nhất, vì tôi nhận được bài học rằng, nhìn chung thì chúng ta nhận được thứ tương ứng với số tiền chúng ta bỏ ra. Còn điều thứ hai mới là quan trọng: Chúng ta không nên quá tập trung vào những món quà hay món đồ vật chất, mà nên tập trung vào lý do tặng quà, nhận quà, hoặc lý do có món đồ đó. Nếu tập trung vào những món đồ, thì chúng ta cũng sẽ nhận được niềm vui, nhưng chỉ trong thời gian ngắn, cùng lắm là cho đến khi có thứ gì đó mới hơn, hiện đại hơn xuất hiện - và chắc chắn là sẽ như thế. Nhưng nếu chúng ta tập trung vào lý do có món đồ đó - những nhu cầu thiết thực, những mối quan hệ đáng quý, tình cảm giữa con người với nhau, thì những gì chúng ta nhận được sẽ không liên quan nhiều đến giá trị món đồ, mà liên quan đến cảm xúc được tạo ra. Bằng cách này, bạn sẽ nhận được niềm vui rất lâu dài, có thể là mãi mãi.

Và như vậy là bạn đã nhận được nhiều hơn cả những gì bạn bỏ ra rồi, phải không? Tất cả chỉ bắt đầu từ việc thay đổi cách nhìn mà thôi.

MỚI - NÓNG
Tween Tiểu học Nam Thành Công xúc động, vui Liên hoan Chiến sĩ nhỏ Điện Biên
Tween Tiểu học Nam Thành Công xúc động, vui Liên hoan Chiến sĩ nhỏ Điện Biên
HHT - Liên hoan "Chiến sĩ nhỏ Điện Biên" của trường Tiểu học Nam Thành Công (Hà Nội) diễn ra đầy ấn tượng với những tiết mục văn nghệ, hoạt cảnh đầu tư công phu, chỉn chu. Phần thi kiến thức liên quan tới chiến dịch Điện Biên Phủ để lại dấu ấn sâu đậm nhờ sự thông minh, đáng yêu của các bạn nhỏ.

Có thể bạn quan tâm

Reply Y2K: Trái tim lớn của "bác sĩ thú cưng" cấp xóm dành cho những con vật nhỏ

Reply Y2K: Trái tim lớn của "bác sĩ thú cưng" cấp xóm dành cho những con vật nhỏ

Đậu Ván vẫn ít nói, vẫn đeo kính và có lẽ vẫn mơ làm bác sĩ. Tớ nghĩ chẳng nghề nào hợp với cậu ấy hơn thế. Bởi những người có tính thương yêu thực sự, chẳng cần phô diễn ồn ào, luôn sẵn lòng cứu giúp những vật nhỏ nhất như Đậu Ván sẽ làm được rất nhiều điều tốt lành cho cuộc sống này.