Tập trung vào bạn - không phải vào người hút thuốc
Nói về việc người hút thuốc sẽ ảnh hưởng thế nào đến bạn có thể khiến người đó ít nhất là thông cảm, hoặc tốt hơn nữa là nhìn nhận lại. Ví dụ, bạn hãy nói rằng mùi thuốc lá trong nhà khiến bạn hay bị nhức đầu. Nói về cảm xúc của mình càng đơn giản càng tốt, để người nghe không cảm thấy bị kết tội.
Tránh: Giận dữ. Thường thì bạn lo lắng cho người hút thuốc, và vì thế nên bạn giận, vì vậy, đừng thể hiện như thể mình tức giận chỉ vì người ta hút thuốc. Hãy tỏ ra quan tâm (ví dụ, khi nghe người thân của mình ho) thay vì khó chịu, bạn sẽ nhận được kết quả tốt hơn.
Hãy tích cực
Để bỏ được thuốc, thì người nghiện thuốc phải nhận ra rằng họ muốn một thứ gì đó khác nhiều hơn là muốn hút thuốc: V í dụ, muốn có sức khỏe tốt và không bị phụ thuộc vào thuốc lá hơn là sự thoải mái tạm thời của việc hút thuốc. Vì vậy, việc bạn động viên bằng những hình ảnh tích cực là rất có ích. Ví dụ, bạn có thể hỏi: “Anh có muốn khỏe hơn và có nhiều tiền hơn không?”. Cách này tương tự như việc đeo niềng răng: mọi người không thích đeo niềng, nhưng người ta thích có răng đẹp, nên người ta vẫn đeo.
Tránh: Sợ hãi. Một lý do lớn mà người nghiện thuốc sợ phải bỏ thuốc là vì họ tin rằng mình “cần” hút thuốc, nhất là vào những lúc stress. Nên bạn có thể nói chuyện với họ, rủ họ làm việc gì đó (xem phim, đi dạo, uống trà) khi họ có vẻ bị căng thẳng, áp lực. Hầu hết những người hút thuốc đều không biết rằng có cách tốt hơn để giải tỏa stress.
Dùng gia đình làm động lực
Động lực lớn nhất đối với nhiều người nghiện thuốc chính là việc nhận ra rằng hút thuốc khiến gia đình và bạn bè lảng tránh họ. Những lời nhắc bằng hình ảnh có thể rất hiệu quả theo cách này. Hãy dán ảnh các thành viên nhí trong gia đình bạn lên khắp nơi, và nói với người hút thuốc rằng bọn trẻ con sợ mùi thuốc lá.
Tránh: Làm cho người hút thuốc cảm thấy tội lỗi. Cảm giác tội lỗi chỉ khiến cho người ta cảm thấy tồi tệ. Đừng dùng những lời nói buộc tội hoặc gây tổn thương.
Phần thưởng khi thành công
Bỏ thuốc không phải là việc dễ. Nên trong thời gian đầu, nếu có thể, hãy đặt ra những “giải thưởng” nho nhỏ để giúp người nghiện thuốc có thể bỏ được. Ví dụ, sau mỗi ngày không thuốc lá, bạn hãy mời người đó một bữa ăn thật ngon hoặc đi xem phim. Nếu đó là một người thân trong gia đình bạn, hãy đề nghị “thu” số tiền mà hàng ngày người đó dùng để mua thuốc lá, cho vào cái lọ thủy tinh (cả bạn và người hút thuốc sẽ ngạc nhiên khi thấy số tiền đó tăng lên nhanh đến mức nào), rồi dùng tiền đó để đi ăn hoặc mua quần áo chẳng hạn.
Tránh: Than vãn. Than vãn không bao giờ giải quyết được bất kỳ vấn đề gì. Nó chỉ khiến người khác cảm thấy rất khó chịu, thậm chí là tiêu cực, và không ai muốn nghe bạn nữa.
Đừng bỏ cuộc
Việc bỏ thuốc rồi hút lại là khá phổ biến. Như thế không có nghĩa là người nghiện thuốc đã “thua cuộc”. Điều đó đơn giản là vì hút thuốc là một trong những chứng nghiện mạnh nhất. Theo các chuyên gia thì một người bình thường trung bình phải cố gắng bỏ thuốc đến… 7 lần (rồi hút lại) trước khi bỏ được hẳn! Nên hãy thông cảm với họ, và kiên trì. Họ sẽ học dần được từ những lần bỏ thuốc đó. Bạn cũng có thể cùng họ phân tích lý do họ hút thuốc lại, và nghĩ xem lần sau có thể làm khác đi thế nào. Bằng cách này, người hút thuốc cảm thấy rằng họ có thể thử lại, không lặp lại sai lầm cũ, và cũng không bị coi là một kẻ thất bại.
Tránh: Cách nghĩ có tất cả hoặc không có gì. Những người hút thuốc khi hút lại một điếu thường coi là kế hoạch đã “đổ bể” và thế là họ hút tha hồ. Vì vậy, nếu bạn thấy người thân của mình rơi vào “cái bẫy” này, hãy nhẹ nhàng chỉ ra vấn đề: “Chỉ vì anh hút một hai điếu thuốc, không có nghĩa là tất cả những ngày mà anh không hút thuốc kia là không có ý nghĩa gì cả”. Hãy cứ tập trung vào việc tiếp tục cai nghiện thuốc lá, và nhắc người đó rằng một hai bước lùi cũng là chuyện bình thường thôi.
THỤC HÂN - Ánh tổng hợp từ Internet