Lần đầu tiên ghi nhận sư tử trong vườn thú truyền COVID-19 cho người

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Một con sư tử bị nhiễm SARS-CoV-2 tại vườn thú Indiana, Mỹ đã truyền virus cho ít nhất hai trong số những người chăm sóc nó, một nghiên cứu mới cho thấy. Đây là trường hợp đầu tiên được xác nhận về loài động vật trong vườn thú bị nhiễm COVID-19 và truyền virus sang người. Tuy nhiên, sự lây truyền như thế này là rất hiếm, có thể là do con sư tử cần được cho ăn bằng tay.
Lần đầu tiên ghi nhận sư tử trong vườn thú truyền COVID-19 cho người ảnh 1

Để nhiễm COVID-19 từ động vật, con người phải tiếp xúc rất gần với mũi và miệng của nó. Ảnh minh họa.

Từ lâu, chúng ta đã biết rằng SARS-CoV-2, virus gây ra COVID-19, có thể lây nhiễm cho nhiều loài và virus này có thể truyền giữa người và động vật. Các nghiên cứu trước đây cho thấy rằng, chó và mèo cưng nhiễm SARS-CoV-2 từ chủ với tỷ lệ rất cao.

Các nghiên cứu khác cho thấy, hươu đã truyền virus sang người và những con chuột hamster bị nhiễm COVID-19 trong một cửa hàng thú cưng ở Hồng Kông đã gây ra sự bùng phát biến thể delta ở người.

Tuy nhiên, "sự lây truyền SARS-CoV-2 từ động vật sang người trước đây chưa được báo cáo trong môi trường sở thú,” các nhà nghiên cứu viết trong báo cáo.

Con sư tử châu Phi (Panthera leo), khoảng 20 tuổi và cư trú tại Vườn thú Potawatomi ở South Bend, Mỹ đã có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 vào tháng 12 năm 2021 sau khi bị ho và khó thở. 10 nhân viên vườn thú đã tiếp xúc gần với nó đã ngay lập tức được xét nghiệm và tất cả các xét nghiệm đều cho kết quả âm tính. Nhưng vào cuối tuần, ba trong số những người canh gác đã có kết quả dương tính, mặc dù không tiếp xúc với bất kỳ người bị nhiễm bệnh nào khác.

Trong nghiên cứu mới này, các nhà nghiên cứu đã giải trình tự gien các mẫu virus được thu thập từ sư tử và những người trông coi vườn thú bị nhiễm COVID-19. Kết quả cho thấy con sư tử và hai trong số những người canh giữ có chung một chủng virus giống hệt nhau về mặt di truyền, nhưng mẫu của người canh giữ thứ ba không thể được giải trình tự chính xác.

Con sư tử nhiễm COVID-19 này đã già, bị bệnh thận và thoái hóa cột sống, điều này có nghĩa là nó cần được cho ăn bằng tay. Điều này làm tăng đáng kể khả năng những người canh gác ở sở thú mắc bệnh từ sư tử.

Sau khi con sư tử có kết quả dương tính, những người canh giữ đã đeo mặt nạ phòng độc khi tiếp xúc với sư tử và tất cả các động vật khác trong sở thú.

Các nhà nghiên cứu nghi ngờ con sư tử đã nhiễm SARS-CoV-2 từ một nhân viên vườn thú không có triệu chứng. Con sư tử này đã được tiêm hai liều vắc-xin COVID-19 không dành cho người vào tháng 9 và tháng 10 năm 2021.

COVID-19 đặc biệt nguy hiểm đối với loài mèo, những loài có chung cơ quan thụ cảm với virus như con người. Con sư tử mắc COVID-19 đã bị tiêu diệt vài ngày sau khi xét nghiệm dương tính do mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng.

Động vật trong vườn thú và COVID-19

Nhiều loại động vật trong vườn thú đã bị nhiễm SARS-CoV-2 bao gồm khỉ đột, báo tuyết, hà mã, linh cẩu và hươu cao cổ. Động vật trong vườn thú đầu tiên ở Mỹ bị nhiễm COVID-19 là một con hổ tại Sở thú Bronx, New York vào tháng 4 năm 2021.

Tuy nhiên, nguy cơ hầu hết mọi người nhiễm virus từ động vật vẫn rất thấp và con người có nhiều khả năng lây nhiễm cho động vật hơn là động vật truyền bệnh cho người, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh của Mỹ.

"Để bị nhiễm bệnh, bạn sẽ phải tiếp xúc rất gần với con vật. Bác sĩ thú y, nhân viên vườn thú thường làm việc gần vùng miệng và mũi của những con vật này có nguy cơ lây truyền bệnh cao nhất", đồng tác giả nghiên cứu Leslie Boyer, giám đốc y tế của Viện Hóa học Miễn dịch, Dược lý và Ứng phó Khẩn cấp (VIPER) tại Đại học Arizona, Mỹ cho biết.

Theo Live Science
MỚI - NÓNG