Lần lữa "căn bệnh" khó chữa của người trẻ

Lần lữa "căn bệnh" khó chữa của người trẻ
HHT - Ngày mai mình sẽ dậy sớm tập thể dục, ngày mai mình sẽ học tiếng Anh,… ngày mai và ngày mai nhưng không biết là ngày mai nào. Đấy là "căn bệnh" khó chữa của nhiều người trẻ hiện nay.
Lần lữa "căn bệnh" khó chữa của người trẻ ảnh 1
Đừng nuông chiều cảm xúc mà để bản thân trôi theo câu nói "để ngày mai tính". ẢNH: SHUTTERSTOCK.

Tự cho rằng tuổi trẻ rất “giàu” thời gian nên nhiều bạn trẻ tạo cho mình thói quen hẹn lần hẹn lữa, hôm nay chưa làm được thì hẹn ngày mai, ngày mai lại tiếp tục hẹn và chẳng bao giờ làm được.

Thất hứa với chính mình

Hoàng Ngọc Thanh Tiên (cựu sinh viên Trường ĐH Quy Nhơn, Bình Định) đã bỏ lỡ rất nhiều cơ hội của chính mình vì từ thời sinh viên cứ hẹn lần hẹn lữa câu chuyện học tiếng Anh.

Tiên nói: “Lúc đầu là vì ỷ mình giỏi tiếng Anh từ thời phổ thông nên đến khi vào ĐH không cần quan tâm gì đến môn này. Bạn bè rủ nhau đi thi bằng tiếng Anh A, B, C các kiểu để sau này ra trường xin việc nhưng mình cũng ỷ lại vì nghĩ lúc nào thi chẳng được. Rồi cứ thế câu chuyện học tiếng Anh chìm vào quên lãng. Đến khi gần ra trường, thấy bạn bè nói tiếng Anh như gió, còn bản thân một câu giao tiếp bẻ đôi cũng không nói được. Vì tiếng Anh mà không luyện là quên hết, thế là mình quyết tâm học. Nhưng hôm nay nói tuần sau sẽ đi học, rồi hết tuần sau này đến tuần sau khác và đến tận bây giờ đã ra trường được 2 năm rồi nhưng vẫn chưa thực hiện được”.

Nói đến đây Tiên thở dài ngao ngán, rồi kể: “Vì không giỏi tiếng Anh nên mình đánh mất rất nhiều cơ hội công việc tốt. Nhiều khi mình tự hỏi 'như thế vẫn chưa đủ động lực để mày đi học tiếng Anh hay sao Tiên?', nhưng không biết tại sao, như căn bệnh nan y và hết thuốc chữa vậy. Hẹn mãi và chẳng biết sẽ còn hẹn đến bao giờ”. 

Nhắc đến “căn bệnh” lần lữa này, Nguyễn Thị Mộng Thùy, sinh viên Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, thừa nhận có thể giữ lời hứa với người khác nhưng với bản thân mình thì không.

“Nhiều khi em thắc mắc là tại sao hứa với người khác thì mình giữ lời được, chắc vì sợ mất uy tín nhưng với bản thân thì cứ hứa hết lần này đến lần khác rồi lại thôi. Hôm nay nói mai nhất định dậy sớm đi chạy bộ, sáng mai đồng hồ reo nhưng lại tắt ngủ tiếp. Rồi lại hứa tiếp, có lúc còn thề độc 'mai mà không dậy đi chạy bộ thì làm con gì chứ không phải con người', thế nhưng hứa rồi hoàn hứa, thề rồi hoàn thề”, Thùy chia sẻ.

Cũng tương tự, Đoàn Ngọc Sơn, cựu sinh viên Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng TP.HCM, nói: “Thôi đừng ai hỏi mình về chuyện tại sao nói mà không làm được. Không phải vì những việc mình hứa sẽ làm nó không cần thiết, mà vì thói quen và giờ nó ăn vào máu luôn rồi. Trước đây rất ít đọc sách, thấy ai cầm sách đọc mình rất thích và tự nhủ là từ nay sẽ tạo thói quen đọc sách. Nhưng nói rồi lại thôi, cứ muốn, cứ hứa nhưng đâu lại vào đấy”.

Đừng nuông chiều cảm xúc

Trao đổi về vấn đề này, anh Lê Đình Hiếu (tốt nghiệp thủ khoa Trường ĐH California, Los Angeles UCLA; Forbes Under 30 năm 2016) cho rằng với cá nhân từng người trẻ Việt Nam trong thời kỳ 4.0, “căn bệnh” này thực sự nguy hiểm và ảnh hưởng nghiêm trọng đến tương lai của các bạn. “Vì sao? Vì thời đại mà các bạn đang sống là thời đại của sự năng động, cập nhật liên tục, nên nếu chậm tay thì cơ hội sẽ vụt mất ngay. Ví dụ nếu một bạn trẻ muốn khởi nghiệp nhưng lại lần lữa, không bắt tay ngay thì bạn ấy nên nhớ rằng, cứ mỗi ngày trôi qua, ở Việt Nam lại có gần hàng trăm doanh nghiệp mới được thành lập, như vậy chỉ cần bạn chậm trễ một ngày, khả năng bị cạnh tranh và thách thức ý tưởng lại tăng lên”, anh Hiếu chỉ ra.

Theo anh Hiếu, sinh viên Việt Nam hoàn toàn có đủ năng lực để hiện thực hóa ý tưởng của các bạn, tuy nhiên cái cách mà các bạn triển khai ý tưởng lại khiến người ta lo lắng. Các bạn không phải không làm, mà chính là chưa làm hoặc sẽ chẳng bao giờ có thời gian để làm nữa.

“Ngày mai tôi làm, chỉ là một câu nói đơn giản. Nhưng khi lặp lại 10 lần, 20 lần, 30 lần,... thì nó sẽ trở thành căn bệnh nan y. Nguy hiểm nhất chính là khi các bạn không nhận thức được vấn đề và nuông chiều cảm xúc. Và sự chờ đợi, lần lữa này một lần nữa phải nhấn mạnh, đã trở nên lỗi thời và không phù hợp trong thời đại này”, anh Hiếu nhấn mạnh.

Anh Hiếu cũng cho rằng để chữa bất kỳ căn bệnh nào đều cần 2 yếu tố là thuốc hoặc phương pháp tác động từ bên ngoài và ý chí tinh thần từ cá nhân bên trong.

Xét về góc độ giáo dục, các bạn trẻ đang thiếu những kỹ năng sắp xếp công việc, quản lý thời gian,... việc không quản lý quỹ thời gian mình đúng cách cũng là một nguyên nhân khiến các bạn lúc nào cảm giác mình không đủ thời gian thực hiện tất cả mọi việc trong một ngày mà cứ chần chừ ngày này sang ngày khác. Tuy nhiên theo anh Hiếu thì đây là những kỹ năng hoàn toàn có thể cải thiện qua quá trình đào tạo, tập huấn mà có rất nhiều chương trình, khóa học hiện nay có cung cấp.

Nhưng về bản chất vẫn là ý chí và tinh thần của chính bản thân. Và một trong những lời khuyên mà anh Hiếu dành cho bạn trẻ là: Phải tìm môi trường thích hợp, một môi trường, một cộng đồng của những người trẻ năng động và ý chí vươn lên, hoàn thiện bản thân mỗi ngày và quan trọng là phải “đắm mình” đủ lâu với môi trường đó thì bạn mới tự tạo cho mình một thói quen chống lại căn bệnh nan y “để mai tính. 

Nếu như không muốn tự làm hại bản thân, tự tước bỏ những cơ hội quý giá thì ngay từ bây giờ các bạn có sẵn sàng nghiêm túc với bản thân và thôi nuông chiều cảm xúc? Và hôm nay bạn đã làm hết được những điều mà ngày hôm qua mình hứa sẽ làm?

Theo thanhnien.vn
MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm

Tân HLV trưởng ĐT U23 Việt Nam nói gì trước trận đấu đầu tiên tại VCK U23 châu Á 2024?

Tân HLV trưởng ĐT U23 Việt Nam nói gì trước trận đấu đầu tiên tại VCK U23 châu Á 2024?

HHT - Chiều 16/4, HLV trưởng ĐT U23 Việt Nam Hoàng Anh Tuấn đã tham dự buổi họp báo trước VCK U23 châu Á 2024. HLV Hoàng Anh Tuấn nhấn mạnh giải đấu này là cơ hội tốt đối với các cầu thủ trẻ để hướng đến tương lai, vì vậy, toàn đội cần tập trung tối đa để thể hiện màn trình diễn tốt tại Qatar.