Lan tỏa tình người

0:00 / 0:00
0:00
TP - Hai ngày nay, nhóm dân cư khu đô thị tôi đang sinh sống tại Hà Nội liên tục thông tin về giải cứu nông sản. Tình nguyện viên của một toà nhà cho hay: đã được sự nhất trí của Ban quản lý lập điểm bán hàng ngay tại toà chung cư này để tiêu thụ dưa hấu cho huyện Yên Dũng (Bắc Giang).

Thông tin vừa được đăng tải, cư dân lên tiếng hưởng ứng rầm rầm. “Dưa hấu đã phun khử khuẩn bán 7.500 đồng/kg. Được cân sẵn cho vào túi và ghi giá cùng trọng lượng bên ngoài; Ai đến mua hàng tuân thủ yêu cầu đeo khẩu trang, giãn cách 2 m, và chỉ lấy túi dưa còn tự bỏ tiền vào hòm. Dưa bán ra ngoài thu giá gốc, chi phí vận chuyển cho bà con nông dân còn sẽ được dành 1.500 đồng/kg ủng hộ công tác phòng chống COVID-19 của huyện Yên Dũng. Cuối ngày, nhóm tình nguyện sẽ mở hòm trước sự chứng kiến của cư dân và ban quản lý”.

Ngày thứ Bảy, loáng chốc cả tấn dưa bán hết veo. Ngày Chủ nhật, không ít người ra vào ngóng chuyến xe dưa hấu đang trên đường về vì tiếng khen dưa ăn thực sự rất ngon.

Cũng trong hai ngày cuối tuần, hàng trăm tấn vải thiều Lục Ngạn Bắc Giang cùng dưa lê, bí xanh đã “ùn ùn” lên đường về Hà Nội trong tâm thế được đón chào. Tại một số điểm ở Hà Nội như 86 Vũ Trọng Phụng, ĐH Kiến trúc, 75 Đại Cồ Việt... người dân Thủ đô xếp hàng chờ mua vải thiều với giá 20.000 đồng/kg. Thống kê sơ bộ, số điểm bán hàng tình nguyện lần này ít nhất cũng vài chục, chưa kể đến hàng trăm điểm bán hàng tại siêu thị. Dù hoa quả đổ về ngồn ngộn (xe hàng đều phải tuân thủ quy trình phun khử khuẩn trên đường) nhưng tới Hà Nội, không có cảnh nhếch nhác bày bán tràn lan, hàng được xếp gọn gàng và tới đâu bán hết veo tới đó. Điểm nhấn, giá bán hầu hết đều đảm bảo cho người nông dân đạt đến điểm hoà vốn thậm chí còn có lời chút đỉnh. Cuối ngày, theo lời một số tình nguyện viên: số tiền bán vải, bán dưa thu về cao đột biến bởi người mua, ai cũng muốn đóng góp một chút cho Bắc Giang đang gồng mình chống dịch.

Chị Vũ Thị Thanh Phượng, trưởng nhóm thiện nguyện ở điểm bán nông sản tại ngõ 10, Nguyễn Văn Huyên (Hà Nội) cho biết: “Từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát, nhóm của tôi đã liên hệ với các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang để phối hợp, tiêu thụ nông sản cho nông dân. Tôi cũng vận động các tổ chức, cá nhân với tấm lòng tương thân tương ái hỗ trợ tiêu thụ hàng chục tấn dưa hấu, dưa lê… cho bà con”. Cũng như chị Phượng, rất nhiều nhóm thiện nguyện tại Hà Nội cho hay đã chủ động kết nối với các đầu mối nông sản Bắc Giang hỗ trợ bà con tiêu thụ nông sản.

Trong dịch, tình người vẫn lan tỏa. Nhưng trân quý hơn, như lời tình nguyện viên chia sẻ, họ không gọi sự hỗ trợ này là “giải cứu nông sản”, mà xem đây là cơ hội tiêu thụ hàng hoá chất lượng cao ở thị trường trong nước. Một cơ hội để người Việt quay lại tiêu thụ hàng Việt, lan tỏa niềm tin, lan tỏa nụ cười.

COVID -19 đang cắt đứt chuỗi cung ứng sản xuất trên thế giới, cắt đứt cơ hội tiêu thụ hàng hoá xuất khẩu của chục hàng triệu nông dân khắp cả nước. Giờ là lúc chúng ta cần nhìn nhận nghiêm túc về sức mạnh của thị trường trong nước, kết nối chuỗi sản xuất, tiêu thụ giữa các vùng miền; thực sự chuyển hoá từ “giải cứu” nông sản thành cơ hội tiêu thụ hàng Việt.

MỚI - NÓNG