Lãnh đạo Mỹ - Israel ngày càng chia rẽ

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Quan hệ giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tiếp tục lao dốc, sau khi Mỹ để dự thảo nghị quyết yêu cầu ngừng bắn ở Dải Gaza được thông qua tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Lãnh đạo Mỹ - Israel ngày càng chia rẽ ảnh 1

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu trong cuộc gặp tháng 10/2023. (Ảnh: Reuters)

Ông Netanyahu đột ngột hủy đoàn cấp cao thăm Washington nhằm thảo luận về chiến dịch tấn công của Israel vào thành phố Rafah ở phía nam Dải Gaza sau khi Mỹ bỏ phiếu trắng đối với nghị quyết.

Nghị quyết yêu cầu Israel và Hamas ngừng bắn ngay lập tức, đồng thời thả tất cả con tin mà Hamas vẫn giữ.

Việc hủy chuyến thăm gây ra trở ngại mới đối với nỗ lực của Mỹ nhằm thuyết phục ông Netanyahu chọn cách khác thay vì triển khai kế hoạch tấn công trên bộ vào Rafah, nơi trú ẩn tương đối an toàn cuối cùng của thường dân Palestine ở Dải Gaza.

Việc Israel đe dọa thực hiện cuộc tấn công như vậy khiến quan hệ với đồng minh Mỹ trở nên căng thẳng, đồng thời đặt ra vấn đề liệu Mỹ có hạn chế viện trợ quân sự nếu ông Netanyahu bất chấp ý của ông Biden để triển khai kế hoạch này hay không.

“Điều đó cho thấy lòng tin giữa chính quyền của Tổng thống Biden và Thủ tướng Netanyahu có thể đang vỡ. Nếu cuộc khủng hoảng không được quản lý cẩn thận, tình hình sẽ ngày càng tệ hơn”, Aaron David Miller, cựu quan chức phụ trách đàm phán về Trung Đông cho các chính quyền Dân chủ và Cộng hòa Mỹ, nhận định.

Việc ông Biden quyết định bỏ phiếu trắng trong phiên bỏ phiếu tại Hội đồng Bảo an sau nhiều tháng bảo vệ Israel tại tổ chức này cho thấy Mỹ ngày càng không hài lòng với lãnh đạo Israel.

Sức ép nhiều phía

Khi đang chạy đua cho cuộc bầu cử vào tháng 11, ông Biden đang chịu sức ép không chỉ từ các đồng minh của Mỹ mà cả những thành viên trong đảng Dân chủ rằng phải chế ngự chiến dịch quân sự của Israel ở Dải Gaza.

Ông Netanyahu cũng đối mặt với những thách thức trong nước, không chỉ từ đòi hỏi của các thành viên liên minh cực hữu muốn cứng rắn với người Palestine, mà còn phải thuyết phục gia đình các con tin rằng ông đang làm mọi việc có thể để họ được thả. Biểu tình diễn ra thường xuyên để đòi ông từ chức.

Văn phòng của ông Netanyahu thông báo hủy chuyến thăm, nói rằng việc Mỹ không dùng quyền phủ quyết là “sự rút lui rõ ràng” so với quan điểm trước đây và sẽ ảnh hưởng đến nỗ lực chiến tranh của Israel.

Các quan chức Mỹ cho rằng đây là phản ứng thái quá, đồng thời khẳng định Mỹ không thay đổi chính sách.

Trước đó, Washington hầu như tránh từ “ngừng bắn” trong gần 6 tháng chiến sự ở Dải Gaza và dùng quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an để bảo vệ Israel, khi nước này triển khai chiến dịch tấn công đáp trả Hamas.

Tuy nhiên, khi nạn đói rình rập ở Dải Gaza và sức ép quốc tế gia tăng khi đã có khoảng 32.000 người Palestine thiệt mạng trong bom đạn, Mỹ vừa bỏ phiếu trắng cho nghị quyết yêu cầu ngừng bắn trong tháng lễ Hồi giáo Ramada.

Theo các nhà phân tích, thách thức hiện nay đối với Tổng thống Biden và Thủ tướng Netanyahu là không để khác biệt leo thang đến mức vượt khả năng kiểm soát.

Đầu tháng này, ông Biden nói trong cuộc trả lời phỏng vấn MSNBC rằng cuộc tấn công vào Rafah sẽ là “vạch đỏ”, dù ông vẫn khẳng định việc bảo vệ Israel là điều quan trọng và không có chuyện sẽ dừng cung cấp vũ khí “khiến họ không có hệ thống phòng thủ Vòm Sắt để tự vệ”.

Ông Netanyahu gạt bỏ chỉ trích của ông Biden và tuyên bố sẽ tiếp tục kế hoạch tấn công Rafah.

Trước đó, Lãnh đạo đa số tại Thượng viện Mỹ Chuck Schumer có bài phát biểu gây chấn động, gọi ông Netanyahu là một trở ngại cho hòa bình và kêu gọi tổ chức bầu cử mới ở Israel để tìm người thay thế ông. Tổng thống Biden gọi đó là “bài phát biểu hay”.

Trong khi đó, Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson tuần trước nói với báo chí rằng ông đang nghĩ đến chuyện mời ông Netanyahu phát biểu trước Quốc hội. Điều này có thể bị coi là “cú đâm” vào Tổng thống Biden, khi trao cho nhà lãnh đạo Israel một diễn đàn quan trọng để than thở về chính quyền Mỹ.

Theo Reuters
MỚI - NÓNG