Lão Tử phân tâm

TP - I- Lão Tử cưỡi trâu xanh, lại mang theo tiểu đồng có tên Tiểu Quỷ, bỏ nhà Chu đi sang phía Tây tính đến thời điểm xẩy ra chuyện này đã lâu lắm rồi.

Con đường tu đạo để có thể đồng nhất bản thể người với đại tự nhiên không thể đo ngắn dài, càng không thể nói chỉ có một con đường duy nhất. Khi nào thì đạt đến cảnh giới ấy, chính Lão Tử cũng không biết. Cứ đi rồi sẽ tới.

Đến chân một ngọn đèo có dựng tấm biển viết những chữ loằng ngoằng không ai đọc được, Lão Tử nhìn thấy ở bìa rừng một đám đông, trang phục vàng sạm bụi đường, không giống với cư dân vùng đất ngài vừa đi qua, bộ dạng sợ sệt. Ngài nghĩ, chắc đó là những người hành hương, bèn bảo Tiểu Quỷ tới dò hỏi xem sao.

Lão Tử phân tâm ảnh 1

Minh họa: Trương Phương Hoa

Tiểu Quỷ chạy đi, mất một lúc lâu mới quay về bẩm lại. Tiểu Quỷ nói, ngôn ngữ của những người ấy rất khó nghe, may trong đám có kẻ lịch lãm từng trải kể cho mới biết, tất cả đám họ đi sang nước R. tầm sư học đạo. Hỏi thêm thì biết, nước R. có Đạo quán Hàn - Lượm - Sen, có nhiều đạo sĩ tài giỏi truyền dạy phép tiên, nếu tu đắc đạo sẽ đạt đến trường sinh bất lão.

Lúc ấy, đám mây lớn trên đỉnh núi, thay đổi hình dạng, khi thì quẫy lượn như con giao long, khi thì sầm tối như mặt gấu giận dữ, thật khó đoán định. Lão Tử nhíu mày, hỏi Tiểu Quỷ, sao họ chưa qua đèo. Tiểu Quỷ thưa, họ sợ trên đèo có cướp. Hừm, chúng ta nhập đoàn rồi dẫn họ qua đèo, Lão Tử nói.

II-

Con trâu xanh là một con vật thông minh tuyệt đỉnh, chỉ cần nghe nhịp thở của Lão Tử là biết ngài muốn gì, thậm chí nghĩ gì. Nó chậm rãi bước. Lão Tử ngồi vững, đôi mắt lim dim. Tiểu Quỷ xăng xái ngược xuôi dọc theo đoàn bộ hành, giúp đỡ người này, người khác.

Lão Tử từ khi chép lại hơn năm nghìn từ những điều ngài đã tuyên dạy, lập ngôn trên những tấm thẻ gỗ, để lại nơi quan ải, rồi bỏ nhà Chu đi, ngoài một tên tiểu đồng, ngài cũng chưa hề nhận một học trò nào, không lập một đạo quán nào. Ngài tò mò muốn biết ai là kẻ đã lập ra đạo quán, với cái tên rất tức tai Hàn- Lượm- Sen. Vì thế ngài mới quyết định nhập vào đám người này. Hoá ra ngài vẫn chưa dứt bỏ được thói thường của người đời.

Lão Tử dẫn đoàn người vượt qua đèo thì mặt trời đã gác núi, sương mù không biết ùn lên từ đâu nhẩn nha, lững thững vậy mà chớp mắt đã dày đặc. Trời rùng mình trở lạnh. Dọc đường không thấy bóng dáng một khách điếm nào, dù đơn sơ dành cho khách lỡ độ đường. Nhưng có một sơn trại vẫn mở rộng cổng, treo một chiếc đèn lồng nhễu ra chút ánh sáng vàng khè yếu ớt như da người bị bệnh gan. Dấu hiệu sơn trại sẽ rộng lòng chứa chấp những vị khách. Dân miền sơn cước bao giờ cũng vậy.

Một bà già nghênh đón đoàn người do Lão Tử dẫn đầu, đưa đến một ngôi nhà dài, trong ánh đêm nhập nhoà nhìn như một con thuyền lớn vẫn kéo buồm ngược dòng Đan Giang. Sàn nhà lát bằng những cây diễn to quá cỡ bổ đôi rồi băm mảnh, rải một lớp dày cỏ khô. Khách lữ hành mệt rã sau khi vượt đèo, nghiêng vai, hạ hành lí rồi nằm vật ra sàn.

Tiểu Quỷ thu xếp cho thày một chỗ nằm rồi đưa trâu xanh đi ăn cỏ, sau đó lấy ống bương hứng nước suối được dẫn về đầu nhà dài, đem cho Lão Tử rửa mặt. Ngài nhúng hai bàn tay vào nước mát trong chiếc chậu đồng nhỏ xinh, cảm giác sảng khoái tràn ngập cơ thể, bèn nói với Tiểu Quỷ, chúng ta cũng nên thường xuyên đi chung với những đám đông như thế này.

Sơn trại đãi mỗi vị khách lữ một tô cháo nóng. Người của sơn trại theo hướng dẫn của một bà già khác, đưa cháo nóng đến, phân phát cho mọi người đều là trai tráng. Coi ánh mắt họ thấy hiền lành, thân thiện. Tiểu Quỷ vâng lời Lão Tử, nói lời cảm ơn cư dân sơn trại, rồi thu xếp một chỗ nằm ở gần Lão Tử.

Đêm chìm sâu vào bể âm thanh vùng rừng, tiếng côn trùng, tiếng vỗ cánh của chim đêm, tiếng sột soạt của bước gió trên mái tranh. Tiếng ngáy của những người khách lạ nằm bên nhau. Lão Tử đã tu hành đến cảnh giới, là bậc tiên, khác hẳn người phàm, thính lực và nhãn lực của ngài trần gian này không ai, kể cả Khổng Khâu so được. Rất khuya, Tiểu Quỷ thức dậy, trườn đi như một con mèo, đến bên một thanh nữ đang ngon giấc, len vào nằm úp thìa với cô. Người con gái trở mình quay lại ôm lấy gã. Tiểu Quỷ được đà, ôm chặt, rồi cho tay du hành đến những vùng mà gã thèm muốn. Cô gái theo bản năng cũng làm như gã. Lúc sau, Tiểu Quỷ trèo lên bụng cô. Lớp cỏ rải sàn nhà bồng bềnh như sóng. Lão Tử mỉm cười, bản tính gã mà.

Con người khi tu đạt đến cảnh giới, họ đã bước sang một cõi khác. Những kí ức phàm tục được cất giấu vào những kho tàng bí mật, nếu chủ nhân quên đứt mật mã thì kí ức sẽ mãi mãi được giữ kín cho đến khi biến mất. Tiểu Quỷ như một chiếc chìa khoá có gắn mật mã để Lão Tử mở lại kho kí ức của mình. Ngài nhớ đến tuổi thơ, nhớ đến mẹ mình. Ngài được tác thành trên một chiếc đò dọc ngược dòng Đan Giang.

III-

Đan nữ lớn lên không biết mặt cha. Hỏi cha là ai, mẹ không nói. Năm mười hai tuổi, mẹ mất, Đan nữ theo người làng buôn chuyến đi đò dọc lên miền ngược, học được nghề buôn. Năm mười bẩy tuổi, Đan nữ ngạc nhiên thấy hình mình trong gương nước, đẹp đến lạ lùng. Mái tóc dài đen như mun, đôi mắt long lanh hút hồn, đôi môi đỏ mọng như trái nhót chín. Chẳng lẽ đó lại là mình? Từ đấy trở đi, bao giờ Đan nữ cũng choàng khăn vải thô giấn nâu, cố giấu đi vẻ duyên dáng hấp dẫn của mình. Nhưng có một thư sinh đã nhận ra vẻ kiều diễm giấu sau tấm khăn vuông nâu sồng xoàng xĩnh.

Đò dọc từ bến Đan ngược lên Hút, đi mất một ngày hai đêm. Chập tối lên thuyền ở bến Đan, qua một đêm, một ngày và một đêm nữa, sáng sớm hôm tiếp sau mới cập bến Hút, lên hàng. Chiều ấy, chuyến đò dọc Đan - Hút chuẩn bị nhổ sào thì có một khách cưỡi trâu chạy đến nói xin đi nhờ lên Hút. Chủ thuyền, sau một hồi đắn đo đã chấp nhận. Người khách chỉ có một bọc hành lí nhỏ nhanh chóng lên thuyền. Đàn chị trong đám khách buôn chỉ cho khách một chỗ còn trống bên cạnh Đan nữ, nói quý khách đến chậm chút nữa thì thuyền nhổ sào rồi, có kêu gào kiểu gì cũng không thể quay lại. Người khách đến bên Đan nữ, cất giọng lễ phép, cảm phiền quí cô, cho tôi xin ghé nhờ. Đan nữ không mấy mặn mà, nhà thuyền đã cho phép, quí khách cứ tự nhiên. Bên ngoài, tiếng chân sào vang to, nhổ sào, nhổ sào thôi. Tiếng trên bờ vang lan trên mặt sóng, đi nhé, thuận chèo mát mái nhé.

Đêm ấy là đêm mười sáu, trăng sáng, nhìn lên phía thượng lưu Đan Giang thấy sương mờ mờ phủ, đâu đó ở hai bên bờ văng vẳng lên tiếng hát. Khung cảnh ấy khiến những khách thương do nghề nghiệp, gần như suốt tháng, suốt năm lênh đênh sông nước không khỏi chạnh lòng, không khỏi mơ về một tổ ấm. Một thoáng mây buồn trôi qua Đan nữ. Nàng kê chiếc tay nải làm gối, để nguyên tấm khăn giấn nâu trên đầu, rồi nhẹ nhàng ngả lưng. Vang lên một giọng đàn ông ân cần, nàng tháo khăn ra cho dễ ngủ. Lần đầu tiên được một người đàn ông quan tâm đến khiến lòng Đan nữ xốn xang, nàng khẽ đáp, ta vẫn quen thế rồi. Vẫn giọng người đàn ông, nàng có một dung nhan kiều diễm khiến ai cũng thèm muốn, ngưỡng mộ, chẳng nên che giấu làm gì. Giả như rất buồn ngủ, Đan nữ khẽ khàng, quý khách nói vậy ta ngượng lắm, rồi cố thở thật đều. Vị khách nằm im, mỗi lần trở mình gắng giữ để thân thể không chạm vào người Đan nữ.

Vị khách vốn là một thư sinh ở xứ Hạ, bị hàng xứ cho là ngộ chữ nên tẩy chay, quyết định bỏ nhà đi tha hương, làm thuyết khách để thiên hạ nuôi mình. Giờ đây nằm bên một Đan nữ, hít thở hương đàn bà thanh cao như hương hoa hồng, không hiểu sao thân thể bỗng nở nang, phổng phao ra. Ở xứ Hạ, toàn là đàn bà lựa đàn ông chứ đàn ông không có quyền. Đàn ông ở nhà bế con và nấu cơm, đêm phục vụ đàn bà, có thể bị đánh đập và bị đuổi đi. Thư sinh nghe Đan nữ thở đều đều, rồi mệt mỏi thiếp đi.

Buổi sớm trên sông thật tuyệt vời. Đan Giang cuồn cuộn đầy sinh khí. Những con người tình cờ tụ tập cùng nhau trong lòng con đò dọc đã tạo ra một xã hội chuyển động không ngừng, tạm xa lánh cõi người phải gắn với một mảnh đất, một bến nước trong một không gian quen thuộc đến nhàm chán. Đan nữ thức dậy sớm, thấy thư sinh vẫn còn say giấc, khuôn mặt chưa bị nắng gió nhuộm cho đen sạm, hơi trắng xanh, nhưng ngon lành như một trái doi mọng, nhìn mà ứa nước miếng. Đan nữ bước ra ngoài khoang thuyền vén tấm vải buồm che lối ra vào, chợt có cảm giác như vừa bước từ cõi u mê ra cõi sáng.

Nửa đêm hôm sau, Đan nữ thức dậy quờ tay kéo thư sinh quay lại phía mình, đánh thức cơ thể của chàng rồi bảo, ta muốn. Thấy thư sinh có vẻ ngần ngừ, Đan nữ nói, làm đi!

IV-

Nói thì nhanh, nhưng bộ hành thì chậm. Đạo quán Hàn - Lượm - Sen vẫn ở đâu đó phía trước. Đêm hôm sau, đoàn hành hương do Lão Tử dẫn đầu vẫn phải ngủ đỗ ở một sơn trại, và Tiểu Quỷ tiếp tục lặp lại việc làm đêm hôm trước. Viên cựu quan coi sóc Tàng kinh các của nhà Chu không lấy chuyện đó làm điều, ngài chú ý đến câu chuyện của những người hành hương thì thầm vào tai nhau. Trong số những người hành hương cùng đoàn đi của ngài, không phải ai cũng có nguyện vọng tu tiên, tìm đến trường sinh bất lão. Có không ít người trốn chạy cuộc sống khốn quẫn, cùng cực hòng tìm một cuộc sống mà mình có thể làm theo ý mình. Lão Tử nghĩ đến những khuôn phép mà Khổng Khâu muốn mọi người làm theo. Những khuôn phép của Khổng Khâu có khác gì cái ách trâu khoác lên cổ trâu, giống như cái xẽo sấn vào mũi trâu rồi tha hồ vắt diệt. Điều quan trọng hơn, ngài nghe được câu chuyện thêu dệt về Hàn - Lượm - Sen đạo quán.

Hàn là con một người Tiều phu miền rừng Nam Lĩnh. Lượm là đứa trẻ bị bỏ rơi được Tiều phu nhặt được trên đường gánh than trở về, vì là nhặt được nên đặt tên là Lượm, khi đó cả hai đều chưa đầy tháng. Hàn và Lượm cùng bú chung một bầu sữa, cùng đùa nghịch và lớn lên như anh em sinh đôi. Hàn và Lượm lớn nhanh, cơ bắp cuồn cuộn, giúp cha mở rộng cơ nghiệp. Tiều phu trở thành một Mạnh Thường Quân, tiếng vang nức nở thiên hạ. Khổng Tử thất sủng ở nước Lỗ, đã từng tá túc ít ngày tại trang ấp của Tiều phu ở Nam Lĩnh. Tại đó ngài có ý chọn Hàn và Lượm để giáo hoá, nhưng khi thấy hai kẻ hậu sinh tỏ ý nghi ngờ những điều ngài nói, nên đã bỏ đi.

Dù từ chối trở thành môn đệ của Khổng Tử, nhưng những giáo lí của ngài cũng ít nhiều ảnh hưởng đến Hàn và Lượm. Vào năm có giặc châu chấu, đói kém, người tha hương chết la liệt trên đường, thì có một quả phụ cùng con gái tìm đến Tiều phu xin nương tựa. Kiệt sức, quả phụ chết sau đó, Tiều phu bèn nhận cô gái làm con nuôi, đặt tên Sen.

Tiều phu chết khi Hàn, Lượm vừa tròn hai mươi, năm sau Sen đến tuổi cập kê.

Một lần Hàn đi xa về, bắt gặp Lượm và Sen ôm nhau dưới gốc một cây lệ chi, cặp môi hồng phủ lên khắp mặt Lượm. Điếng người, Hàn phải cắn chặt môi đến bật máu mới giữ được không hét to lên. Cuối cùng quả quyết quay người bỏ đi.

Hàn lần đầu nhìn thấy Sen cùng mẹ lê bước vào trang ấp đã nghĩ, phải lấy cô gái này. Mới mười hai tuổi, nhưng khi ấy ở Sen đã toát ra vẻ quyến rũ chết người. Khổng Tử bảo đàn bà là thuốc độc, Hàn lại thấy đàn bà là thứ bùa mê. Tin rằng lấy Sen, dòng dõi nhà Hàn sẽ con đàn cháu đống, gia tộc nhà Hàn sẽ sinh sôi nẩy nở, sum sê như cây cổ thụ Nam Lĩnh. Con đường phía trước Hàn là con đường vô định. Hàn cứ đi, rồi bỗng nhớ một lần Khổng Tử nói, ta có thể nhìn rõ mọi thứ, riêng loài rồng thì cứ ẩn trong mây, trong nước, khoác trên mình sự biến ảo kì vĩ mà bơi lội, ta không thể nhìn thấy hết, Lão Tử là con rồng. Một tia chớp rạch ngang bầu trời, Hàn sẽ theo Lão Tử tu tiên. Đạt đến trường sinh bất lão thì cần gì người nối dõi.

Sen và Lượm không biết là Hàn đã bỏ đi, hoan lạc làm cho hai kẻ trẻ tuổi quên hết mọi thứ trên đời.

Mười năm sau có một đạo sĩ ghé qua trang ấp Tiều phu, kể về một đạo sĩ nổi tiếng ở xứ Tây Lạc. Nghe đạo sĩ mô tả hình dong, lời ăn tiếng nói của đạo sĩ Tây Lạc, thì Lượm đoan chắc đó là Hàn. Lượm chợt tỉnh ngộ, rồi bí mật rời bỏ Sen đi tìm Hàn.

Dò la tin tức năm năm, Sen chuẩn bị hành lí, giao trang ấp cho mấy người thân tín trông coi, ra đi trong một sớm. Đó là một sớm cuối thu, sen trên những ao hồ ở Nam Lĩnh đã tàn hết. Sương muối rơi đầy.

Một chiều muộn mùa đông, Tây Lạc đạo quán chìm trong tuyết trắng. Con đường từ dưới thung lũng lên đạo quán chưa bị tuyết phủ kín ẩn hiện như một con rắn đen dài ngoẵng uốn lượn. Từ trà thất nhìn xuống, Tây Lạc nhị vị đạo sĩ thấy một trang hán tử hai tay bưng một chiếc tráp lớn màu xanh lá sen, thoăn thoắt bước như lướt đi trên mặt đất. Quái lạ, sao giờ này còn có khách phương xa tìm đến đạo quán. Khinh công của vị khách này không phải tầm thường. Môn phái nào thách đấu chăng? Hai vị đạo sĩ tu tiên đã nhiều năm, đưa mắt nhìn nhau, linh tính đều mách bảo, sẽ có chuyện lớn, nhưng không phải chuyện đổ máu, bèn chỉnh trang y phục chuẩn bị nghênh đón.

Khách là một nam nhân tóc muối tiêu tự tin bước vào trà thất, đặt chiếc tráp gỗ sơn màu lá sen lên mặt bàn gỗ hương, cúi đầu thi lễ, rồi cất tiếng. Xin hỏi hai vị đạo chủ, vị nào là Hàn, vị nào là Lượm? Hai vị đạo sĩ lấy làm ngạc nhiên. Vị đạo sĩ mặc áo xanh cất tiếng chậm rãi, mời quí khách dùng trà, bần đạo tên Hàn còn đạo hữu đây tên Lượm. Khách nhân lùi lại một bước cúi đầu chào lần nữa, xin Hàn đạo sĩ tự tay mở tráp. Hàn đạo sĩ khẽ phất ống tay áo, nắp tráp nhẹ nhàng mở ra. Một làn hương ngào ngạt toả lan, tràn ngập trà thất. Hương sen. Hai vị đạo sĩ vội chú mục, nằm trong chiếc tráp là một bông sen hồng tươi thắm, như vừa được hái từ hồ sen lên. Cả hai vị đạo sĩ, không ai bảo ai đồng thanh nói, Sen, Sen đang ở đâu? Và không để vị khách trung niên nói hết, hai vị đạo sĩ mang kiệu đi như bay xuống núi.

Chập tối. Chiếc kiệu Sen do đích thân hai đạo sĩ Hàn và Lượm đưa lên đạo quán đèn nến sáng choang. Lượm đạo sĩ trỏ vào ngôi nhà ở vị trí đẹp và cao nhất đạo quán, nói với Sen đây là tư thất của đạo chủ. Sen bước xuống kiệu uy nghi như một quán chủ, duyên dáng như một tiên nữ, thơm ngát như một bông sen. Nàng bước đến đặt một nụ hôn dài trên môi Lượm, sau đó ôm lấy Hàn, nói đêm nay em sở hữu chàng.

Đèn nến lập tức vụt tắt, chỉ còn tuyết trắng toả sáng.

V-

Lão Tử cưỡi trâu xanh dẫn đoàn tiếp tục đi về phía Tây. Phía ấy có Lô Cô Hồ huyền thoại, gọi là nữ quốc - vương quốc đàn bà. Phải chăng Sen có gốc gác Lô Cô Hồ? Mà nếu không Lô Cô Hồ thì sao, cũng chả sao cả. Người nữ và người nam có giống nhau không? Dựa vào đạo lí nào để bảo rằng, việc này người nam có thể làm mà người nữ không thể làm. Đạo lí hay là khuôn phép mà Khổng Khâu đưa ra, khi gặp nhau ở Tàng kinh các Trường An, ngài đã thẳng thừng bác bỏ. Ngài chủ trương, con người hãy sống nương theo tự nhiên, hoà vào đại tự nhiên. Thuận với tự nhiên thì còn, nghịch với tự nhiên thì mất.

Đoàn người đến gần xứ Tây Lạc thì vơi đi già nửa. Những người không rời đoàn là những người đã học được ở ngài ít thức thái cực quyền và khí công. Mỗi ngày đi một chậm hơn, nhưng luyện tập thái cực quyền và khí công tiến bộ trông thấy. Và rồi cuối cùng thì đoàn người cũng đến chân núi mà mọi người đã thi nhau truyền tụng, nơi có Hàn - Lượm - Sen đạo quán.

Ngọn núi đã bị phát trọc, chỉ còn những cây chồi lúp xúp. Không thấy dấu vết của đạo quán đâu. Lão Tử chỉ ồ lên một tiếng, không nói gì thêm. Đến lúc ngài phải đi con đường của mình, bèn dừng trâu xanh, quay lại nói với đám đông, rằng ngài không thể mang theo mọi người, rằng tu tiên là con đường không có điểm cuối, rằng trường sinh bất lão là con người tạo ra.

Đoàn người dù thất vọng tràn trề, nhưng biết là phải chia tay, ngài cưỡi trâu xanh không bỏ trốn mà là từ biệt. Nhìn theo bóng Lão Tử cưỡi trâu xanh mang theo Tiểu Quỷ bước đi như bay, chẳng bao lâu thì biến mất như một ảo ảnh, mọi người đồng loạt thở dài nuối tiếc, nhưng đầy vẻ cam chịu. Riêng có một cô gái chạy theo, kêu to, Tiểu Quỷ sao mi không mang niềm sung sướng, đạo trường sinh của mi đi cùng?

Đan Thượng 19/7/2023