Lên tiếng về các vụ xâm hại trẻ em: Nên và không nên làm gì?

Lên tiếng về các vụ xâm hại trẻ em: Nên và không nên làm gì?
HHT - Thời gian gần đây, các vụ xâm hại trẻ em nhận được sự quan tâm của dư luận hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, bạn có nghĩ chúng ta cần phải lên tiếng như thế nào để việc bảo vệ trẻ em và chính bản thân có hiệu quả?

Không ai là người ngoài cuộc

Lướt một vòng Facebook những ngày này, bạn sẽ liên tục bắt gặp sự phẫn nộ trên các trạng thái chia sẻ về vụ việc xâm hại bé gái ở Vũng Tàu có nguy cơ “chìm xuồng”, bé gái 8 tuổi bị nghi xâm hại ở quận Hoàng Mai (Hà Nội) hay bé lớp 1 bị chảy máu vùng kín nhưng lại bị cho là… do té ngã tại một trường tiểu học ở quận Thủ Đức, TP.HCM.

Lên tiếng về các vụ xâm hại trẻ em: Nên và không nên làm gì? ảnh 1

Dù là bất kì ai, chúng ta đều đã nhận ra được rằng sức mạnh tiếng nói cá nhân của mình có thể tạo ra sức ép giúp sự việc được giải quyết nhanh chóng và công bằng. Quan niệm “Ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng” đã được thay thế bởi suy nghĩ văn minh hơn: “Nếu chúng ta không lên tiếng, nạn nhân tiếp theo có thể là chính mình và những người thân yêu trong gia đình mình”. Gia đình người bị hại cũng không còn tâm lý sợ ảnh hưởng đến cuộc sống của con cái mà đã để cộng đồng đứng về phía mình, vừa để đòi lại lý lẽ vừa như một lời cảnh báo cho tất cả mọi người.

Lên tiếng về các vụ xâm hại trẻ em: Nên và không nên làm gì? ảnh 2

S.O.S - Share Our Stories, trang fanpage là nơi để các nạn nhân bị quấy rối chia sẻ về câu chuyện của mình thông qua hình thức confession giấu tên, nhằm để cảnh báo và đưa ra những lời động viên đối với những nạn nhân vẫn còn những tổn thương trong tâm lý để họ lên tiếng vì chính mình và cộng đồng đang được rất nhiều người ủng hộ.

Nữ doanh nhân Lê Hoài Anh (Hà Nội), mặc dù được biết đến như một người phụ nữ thành công, có tên tuổi trên thương trường cũng đã không ngại chia sẻ về việc mình từng bị xâm hại từ lúc 9 tuổi trên trang cá nhân và kêu gọi mọi người hãy chung tay ngăn chặn những nỗi đau đó cho con em mình.

Trường Quốc tế Canada - CISS sắp tới cũng sẽ tổ chức một buổi hội thảo dành cho phụ huynh, về quy tắc bàn tay bảo vệ trẻ em khỏi xâm hại tình dục cũng như hướng dẫn bố mẹ để con biết tự bảo vệ mình.

Lên tiếng về các vụ xâm hại trẻ em: Nên và không nên làm gì? ảnh 3

Dù có đóng vai trò gì trong câu chuyện này hay chỉ là một người theo dõi thông tin trên mạng, chúng ta không ai là người ngoài cuộc.

Chúng ta nên và không nên làm gì?

Chúng ta cần lên tiếng, tuy nhiên, việc lên tiếng thế nào để có hiệu quả thực sự cũng là một vấn đề bạn nên xem xét thật kĩ. Giữa “ma trận” thông tin từ nhiều phía, chúng ta nên lắng nghe và tỉnh táo nhìn nhận vấn đề để có trách nhiệm với những chia sẻ, với tiếng nói của mình.

Những thông tin từ các nguồn đáng tin cậy, có đối chứng, bằng chứng rõ ràng cần được chia sẻ để mọi người có cái nhìn chân thực về vấn đề.

Câu chuyện từ phía gia đình người bị hại, các nhân chứng sẽ cho mọi người cái nhìn mang tính cảm quan hơn. Chia sẻ từ các tổ chức bảo vệ trẻ em, từ các luật sư dưới góc nhìn pháp luật sẽ là lập luận khách quan và toàn diện.

Đặc biệt là các thông tin cảnh báo, chỉ dẫn cách phòng trách hữu ích để bảo vệ bản thân và những người xung quanh càng cần được lan truyền mạnh mẽ hơn nữa. Chúng ta không thể chỉ thể hiện sự tức giận, sự phẫn nộ trước những bất công nhưng lại không làm gì để ngăn chặn, để trang bị kiến thức phòng vệ cho chính mình.

Lên tiếng về các vụ xâm hại trẻ em: Nên và không nên làm gì? ảnh 4

Nếu bạn cực kì phẫn nộ khi xem Hope (bộ phim điện ảnh Hàn Quốc nói về kẻ ấu dâm để lại những tổn thương to lớn cho một bé gái mẫu giáo nhưng chỉ phải ở tù vài năm với lí do say rượu) hay Silence (bộ phim cho đến cuối cùng, người ta vẫn không đòi lại được công bằng cho những đứa trẻ khiếm thính bị lạm dụng) thì bạn cũng đừng quên rằng bạn đã cảm động thế nào trước hình ảnh người cha bị thiểu năng trong Điều kì diệu ở phòng giam số 7 phải nhận án tử hình, chia cắt với con gái mình vì bị kết án oan xâm hại và giết chết một bé gái.

Lên tiếng về các vụ xâm hại trẻ em: Nên và không nên làm gì? ảnh 5

PACER - NBPC (Trung tâm bảo vệ trẻ em khỏi nạn bắt nạt của Mỹ) khuyên rằng chúng ta không nên vì mục đích muốn đẩy người khác vào “đường cùng” nhằm hủy hoại một ai đó mà vội vàng lên tiếng nếu chưa nắm trong tay mọi bằng chứng.

Nhà báo Lê Hồng Lâm cũng đã chia sẻ về vấn đề này trên trang cá nhân của mình: "Tôi hoàn toàn không dám đưa ra kết luận hai thủ phạm bị tình nghi đang bị đám đông ném đá là vô tội hay có tội khi chưa có đủ thông tin. Tôi chỉ đưa ra ví dụ về bộ phim này (The Hunt) để đưa ra một phản biện trước khi chia sẻ hay tố cáo một điều gì đó. Chúng ta không im lặng, chúng ta phải lên tiếng trước những điều tồi tệ, khốn nạn, vô nhân đạo trong xã hội, đặc biệt là liên quan đến những đứa trẻ ngây thơ chưa có đủ nhận thức để tự bảo vệ cho mình. Nhưng đồng thời, chúng ta cũng nên suy nghĩ, đặt ra những phản biện trước những thông tin mà chúng ta nhận được, không thể cứ share tội vạ khi nó chưa được kiếm chứng. Không thể cứ hồn nhiên ném đá, đấu tố, lục tung cả facebook cá nhân, truy tìm nguồn gốc gia đình của thủ phạm đang bị tình nghi hay chỉ là qua lời khai của gia đình nạn nhân lên mạng khi họ chưa bị kết tội".

Bạn nên đối chiếu thông tin đa chiều, không nên đưa hình ảnh, thông tin cá nhân của người “được cho” là “kẻ thủ ác” khi chưa có kết luận cuối cùng từ cơ quan công an. Chúng ta cũng không nên kết tội, gọi bất kì ai là "tội phạm" hoặc chia sẻ những thông tin không thể kiểm chứng. Đây hoàn toàn không phải là hành vi bao che hay dung túng cho cái ác, nhưng là hành động bình tĩnh để phân tích rõ ràng và chia sẻ thông tin một cách thông minh.

Lên tiếng về các vụ xâm hại trẻ em: Nên và không nên làm gì? ảnh 6

Bạn cũng không nên phóng đại hay xuyên tạc câu chuyện khi chia sẻ chỉ vì nghĩ càng nghiêm trọng sẽ càng được nhiều người quan tâm, vấn đề sẽ càng được giải quyết nhanh gọn. Tính chân thực luôn là vấn đề được quan tâm hàng đầu chứ không phải sự "ly kì" trong câu chuyện bạn kể.

Thay vì “treo” hình ảnh một ai đó với lý do cảnh báo người quen của mình tránh xa, bạn nên hướng dẫn họ cách phát hiện ra những “tín hiệu đỏ” từ những người xung quanh mình và làm thế nào để phòng tránh.

Hãy lên tiếng, nhưng lên tiếng một cách thông minh bạn nhé!

JOLIE TÁO

MỚI - NÓNG
Hoa hậu H’Hen Niê đồng hành cùng các hoạt động hướng đến người dân gặp khó khăn
Hoa hậu H’Hen Niê đồng hành cùng các hoạt động hướng đến người dân gặp khó khăn
HHT - Hoa hậu H'Hen Niê vừa có chuyến công tác tại tỉnh Điện Biên, hưởng ứng "Tháng Nhân đạo năm 2024 cấp Quốc gia", đồng hành cùng Trung ương Hội chữ thập đỏ Việt Nam trong chuỗi hoạt động “Hành trình nhân đạo, trao nhận yêu thương” hướng đến trẻ em, phụ nữ, người dân gặp khó khăn tại Điện Biên.

Có thể bạn quan tâm