Liên tiếp những vụ trò hư bị thầy cô xử phạt hà khắc: "Tại sao phải tát học sinh"?

Liên tiếp những vụ trò hư bị thầy cô xử phạt hà khắc: "Tại sao phải tát học sinh"?
HHT - Trước vụ phạt học sinh quỳ trong lớp, không ít hình thức kỷ luật nặng nề khác đã bị lên án như phơi nắng tập thể, đánh bầm người... Phải chăng vì hết cách, “đường cùng” nên nhiều thầy cô mới “đe” trò bằng biện pháp hà khắc như vậy?

Vừa qua, vụ việc cô giáo Q. trường THCS Tô Hiệu (Huyện Thường Tín, Hà Nội) phạt một nam sinh quỳ trước bục giảng vì tội nói chuyện riêng đang gây không ít tranh cãi trái chiều. Đáng nói khi đây không phải là lần đầu tiên dân mạng xôn xao trước những hình phạt (được cho là) nặng nề và hà khắc, thậm chí giống trừng phạt hơn là trách phạt của một số giáo viên.

Tháng 4/2018, cô giáo H. trường Tiểu học An Đồng (An Dương, Hải Phòng) bị buộc thôi việc, ra khỏi ngành giáo dục sau khi phạt học sinh súc miệng bằng nước giặt giẻ lau bảng vì tội nói chuyện riêng. Tháng 11/2018, dư luận tiếp tục được phen hoảng hốt trước thông tin cô giáo T. trường THCS Duy Ninh (Quảng Bình) phạt học sinh phải nhận 231 cái tát và phải nhập viện trong tình trạng mặt sưng vù tím tái, có dấu hiệu chảy máu trong... Dĩ nhiên đây mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, còn rất nhiều vụ việc xung quanh chuyện phạt học sinh khiến dư luận bức xúc và tranh cãi. 

Liên tiếp những vụ trò hư bị thầy cô xử phạt hà khắc: "Tại sao phải tát học sinh"? ảnh 1
Hình ảnh nam sinh lớp 9 trường THCS Tô Hiệu bị cô giáo Q. phạt quỳ trong lớp.

Chia sẻ về vấn đề này, thây Trần Lê Duy (FB Duy Tran, một giáo viên dạy Văn tại TP HCM) mới đây đã đăng tải một bài viết khá dài trên trang cá nhân và thu hút được rất nhiều sự quan tâm, đồng tình từ cộng đồng mạng.

"Tại sao phải tát học sinh?

Duy nay đi dạy được bốn năm. Bằng số năm trường Sư phạm đào tạo. Nếu rút ra một kinh nghiệm xương máu, thì với Duy sẽ là: Làm nghề nào không biết, chứ làm giáo viên khả năng bị tâm thần là cao. Cuộc đời nhà giáo nhiều khi cứ phải là rồ dại sừng sộ lên, đủ thứ chuyện đủ thứ áp lực, mà nhiều khi qua một năm học, thấy mình sao rừng rực như con bệnh thần kinh, thấy mình như Kinh Kha, "phong tiêu tiêu hề Dịch thủy hàn..."

Cho nên, khi đọc báo thấy thầy cô điên tiết lên tát sưng mặt sưng mũi học sinh, tát chúng nó không trượt phát nào, Duy rất là đồng cảm. Nói cho rõ hơn, Duy đồng cảm với cảm xúc điên ruột điên tiết của các thầy cô, chứ em không ủng hộ mọi hành động trừng phạt có tính bạo hành, lăng mạ học sinh" - Mở đầu bài đăng, thầy giáo trẻ tâm sự.

Lý lẽ "thương cho roi cho vọt" chỉ là ngụy biện cho sự bạo hành

"Thật lòng đi các thầy cô, khi ta vung tay tát học sinh một cái đau điếng vào mặt nó, trong đầu ta muốn nó nên người, tin rằng việc này là tốt cho học sinh, hay thật ra chỉ là để thỏa cơn điên trong lòng chúng ta? Bởi thật vô lý, khi nói rằng muốn đào tạo ra con người thì phải lăng mạ con người. Cho nên, mọi thứ lý lẽ “thương cho roi cho vọt”, “đánh quỳ mới nên người”, chỉ là ngụy biện, giả dối, là lớp bọc đường cho viên đạn bạo hành, thế thôi.

Mấy bữa nay, có một bài báo được chia sẻ nhiệt liệt, nó có nhan đề là “Quỳ không chết, con hư mới chết”. Nhan đề bài báo ủng hộ việc cô giáo phạt học sinh quỳ, và các hình thức bạo hành, đánh đập học sinh khác. Nghe thì có vẻ có lý. Nhưng thật ra là ngụy biện. Bài báo tiền giả định “phạt quỳ sẽ giúp học sinh không hư”. Nhưng thực tình, học sinh có bớt hư không nếu ta phạt nó quỳ?

Điều này có lý hơn nè, khi ta tát học sinh, phạt quỳ nó, lăng mạ nó, là ta đã gieo vào nó một hạt mầm bạo lực. Ta rao giảng đạo đức xuống cấp, khóc than vì bạo lực học đường, vậy mà ta lại ủng hộ thầy cô bạo hành học sinh? Nếu bạn xem phim “How I met your mother”, chắc bạn sẽ ấn tượng với lý thuyết gọi là “Vòng tròn la hét”. Sếp hét vào mặt nhân viên. Nhân viên về hét vào mặt vợ. Vợ, là giáo viên tiểu học, vô trường hét vào mặt học sinh. Đứa học sinh, vô tình lại là con của ông sếp, về nhà hét vào mặt bố. Cứ thế, cứ thế. Bạo lực phản chiếu bạo lực. Trước một cái tát, những gì đứa trẻ học được trước hết là việc dùng bạo lực lăng mạ người khác là được phép, bởi thầy cô – hình mẫu của chúng nó làm như vậy, và đương nhiên sẽ chẳn có gì ngăn nó lại khi nó vung tay trúng má bạn nó những lần sau này.

Liên tiếp những vụ trò hư bị thầy cô xử phạt hà khắc: "Tại sao phải tát học sinh"? ảnh 2
Hình phạt 231 cái tát của cô giáo T. ở Quảng Bình khiến em học sinh phải nhập viện.

Ủa các thầy cô, các thầy cô nghĩ gì về việc thưởng – phạt trong môi trường giáo dục? Tại sao ta phải trừng phạt học sinh của mình? Câu này thì trả lời dễ, việc trừng phạt học sinh sẽ giúp hình thành ở học sinh nhận thức rằng một hành vi xấu thì phải có hậu quả kèm theo, và do đó tạo ra được một màn chắn ngăn học sinh với các hành vi xấu.

Nếu hiểu như vậy, thì thầy cô đương nhiên sẽ thấy, tát một cái vào mặt học sinh, chẳng có tác dụng giáo dục nào cả. Học sinh có thể học được bài học gì không khi nó ấm ức hai má đỏ rẫy, đau đớn và tụi nhục trước mặt bạn bè nó? Học sinh có thể học được bài học gì không khi quỳ trước lớp, phơi cái tôi đầy tổn thương của nó ra trước ánh nhìn dè bỉu của hàng chục bạn trong lớp? Hãy thật lòng trả lời, và đương nhiên ta sẽ thấy, nếu ta “vì học sinh” như ngọn cờ chính nghĩa phất phới tung bay mà ta rao giảng, ta sẽ không chọn hình thức xử phạt này.

Mọi hình thức cổ xúy bạo lực trong nhà trường chỉ là ngụy biện. Chỉ có kẻ bạo dâm mới thích hành hạ người khác. Chỉ có kẻ khổ dâm mới thích được người khác hành hạ. Đương nhiên, thầy cô thì không phải kẻ bạo dâm. Còn học sinh thì không phải người khổ dâm. Nếu không, thì trường học trở thành cái gì?"

"Ta thỏa hiệp, thế thôi!"

"Vậy, ta làm gì đây khi học sinh trong lớp là kẻ mà “giáo viên nào cũng bảo là không thể dạy được”. Ta thỏa hiệp, thế thôi.

Hồi mình là sinh viên, có một kinh nghiệm đồng nghiệp chia sẻ mà mình nhớ mãi đến bây giờ: Giáo viên không thể “khô máu” với học sinh. Một đứa học sinh quậy, nó làm càn trong lớp mình, tức là nó đã ở vào tình thế “không còn gì để mất” rồi. Còn mình, một giáo viên, mình có nhiều thứ để mất lắm. Tư cách, đạo đức, nghề nghiệp, hình ảnh nhà giáo… biết bao nhiêu thứ sẽ mất, chỉ vì một cái tát. Cho nên, nếu muốn “khô máu” với học sinh, ngay từ đầu giáo viên thua rồi. Đứa học sinh ấy, nó chẳng còn gì để mất cả, nếu dồn nó nữa ép nó nữa, thì đến lượt mình, chúng ta, mỗi giáo viên, cũng sẽ “không còn gì để mất”. Khi đó, thầy đâu, trò đâu?

Giáo viên, hơn hết, phải tỉnh táo và lý trí, và không sử dụng luật rừng. Nhà nước cho phép phạt học sinh, tuân theo nội quy nhà trường và quy chế ngành giáo dục. Thì ta cứ theo nội quy mà làm. Nhẹ thì nhắc nhở. Nặng thì ghi sổ đầu bài, mời xuống phòng giám thị. Nặng nữa thì đưa ra hội đồng kỉ luật, thế thôi.

Liên tiếp những vụ trò hư bị thầy cô xử phạt hà khắc: "Tại sao phải tát học sinh"? ảnh 3
Vụ việc cô giáo phạt học sinh súc miệng bằng nước giặt giẻ lau bảng khiến dư luận phẫn nộ cách đây chưa đầy 1 năm.

Và cuối cùng, thầy cô cũng phải chấp nhận một thực tế rằng, mình không phải là thánh nhân để một sớm một chiều vực dậy nhân cách của một con người. Thầy cô phải dám cho phép mình thất bại, thì khi đó mới bình tâm mà làm việc được.

Ta làm hết sức rồi, mà đứa trẻ vẫn hư hỗn, thì giờ sao? – Thì đó là sự lựa chọn của nó, nó phải tự trả giá, đời sẽ phải dạy nó, chứ sao bây giờ. Chuyện đời đơn giản, cớ sao giáo viên cứ phải sừng sộ lên tát vào mặt học sinh, để rồi lại khóc lóc than nghề khó, khi phụ huynh kiện cáo, nhà trường kỷ luật, đình chỉ mình?

Quay lại câu chuyện ban đầu của em. Tối đó về nhà, trong lúc hờn tủi dâng cao, Duy đã block facebook đứa học sinh. Im luôn coi như nó không tồn tại. Dăm ba ngày sau, thì cũng quên luôn hết nỗi buồn tủi.

Tối ngay trước buổi học tiếp theo, thì đứa học sinh ấy nhờ bạn gửi tin nhắn xin lỗi thầy. Ha ha, may mà còn biết hối cải hả con. Duy thở phào nhẹ nhõm. Nhưng giả sử học sinh vẫn cứng đầu không thèm nhận lỗi, thì sao? Thì chịu thôi. Mọi hành động và quyết định đều có cái giá phải trả phía sau. Câu chuyện, đơn giản là như vậy đó, bình thường như cần đường, hộp sữa".

Ngay dưới bài chia sẻ của thầy Duy, rất nhiều ý kiến bày tỏ sự đồng tình, tức là vừa thông cảm với những áp lực của giáo viên nhưng không phả vì thế mà ủng hộ những hình thức phạt học sinh hản giáo dục, mang tính bạo lực và làm ảnh hưởng đến teen cả về thể chất lẫn tinh thần. "Em tin thái độ tốt sẽ khiến người đối diện ngộ ra mình sai. Và nghề giáo cao cả ở chỗ luôn biết mình nên hành xử như thế nào. Thời buổi này còn có tư tưởng làm đau thân thể người khác thì thật đáng lo. Cảm ơn thầy đã viết ra mấy dòng này" - FB Huỳnh Phạm Nga Quỳnh viết.

"Thiệt ra môi trường bên tui nó buộc giáo viên phải nhẫn dữ lắm, dĩ nhiên lương tri ko cho phép bơ nó, tránh đc thì tránh nhưng phàm những thanh niên manh động, cũng chỉ nói chuyện riêng, nói đạo lý (thiệt ra nhẹ nhàng phân giải) trước lớp, rồi ko đc thì ra méc cô chủ nhiệm, ba mặt một lời, ko nữa thì gặp luôn phụ huynh cùng tìm phương án. Nếu đi tới bước phụ huynh mà cháu nó vẫn hư hỗn, thì như Duy nói, tui cũng mặc, là do nó chọn, để đời dạy nó. Bởi bên cạnh đó, cũng có vô vàn các cháu đáng yêu, nhìn mặt tốt mà sống, ko vì một cái cành hư mà chặt cả cái cây" - FB Nguyễn Hoài Nam bình luận.

MỚI - NÓNG
Tween Tiểu học Nam Thành Công xúc động, vui Liên hoan Chiến sĩ nhỏ Điện Biên
Tween Tiểu học Nam Thành Công xúc động, vui Liên hoan Chiến sĩ nhỏ Điện Biên
HHT - Liên hoan "Chiến sĩ nhỏ Điện Biên" của trường Tiểu học Nam Thành Công (Hà Nội) diễn ra đầy ấn tượng với những tiết mục văn nghệ, hoạt cảnh đầu tư công phu, chỉn chu. Phần thi kiến thức liên quan tới chiến dịch Điện Biên Phủ để lại dấu ấn sâu đậm nhờ sự thông minh, đáng yêu của các bạn nhỏ.

Có thể bạn quan tâm

Dubai cảnh báo khẩn vì bất ngờ hứng lượng mưa bằng 2 năm chỉ trong một ngày

Dubai cảnh báo khẩn vì bất ngờ hứng lượng mưa bằng 2 năm chỉ trong một ngày

HHT - Bình thường vẫn nóng và khô theo kiểu sa mạc, thậm chí vài hôm trước vẫn rất nóng bức, nhưng rồi thành phố Dubai (UAE) bất ngờ có mưa to. Mưa nhiều đến mức lượng mưa trong một ngày bằng tổng lượng mưa ở đây trong 2 năm, gây rất nhiều khó khăn cho cuộc sống của người dân vốn không quen với mưa thế này.
Cùng ở miền Bắc nhưng nhiệt độ tại Sơn La lại chênh lệch rất lớn so với Hà Nội

Cùng ở miền Bắc nhưng nhiệt độ tại Sơn La lại chênh lệch rất lớn so với Hà Nội

HHT - Nắng nóng tiếp tục diễn ra gay gắt tại nhiều nơi trên cả nước, trong đó có các tỉnh Tây Bắc Bộ. Tại Yên Châu (Sơn La), mức nhiệt đo được lúc 13h lên đến 41,7 độ C. Trong khi đó, Đông Bắc Bộ có nền nhiệt duy trì ngưỡng cao nhất khoảng 29-32 độ C. Vì sao lại có sự khác biệt rõ rệt này?