Loạt quy định mới đòi hỏi học sinh chủ động học hơn, nếu không sẽ hổng kiến thức

HHT - Những bài kiểm tra 1 tiết sẽ được bỏ, giảm áp lực "ôn bài cuốn chiếu" hay thầy cô sẽ đánh giá học sinh không chỉ dựa trên điểm số mà cả quá trình học tập... Những thay đổi được áp dụng từ 11/10 tới đây trao quyền chủ động việc học cho teen nhưng cũng là rủi ro với những bạn quen thụ động, học đối phó.

Giảm bài kiểm tra một tiết có đồng nghĩa giảm áp lực học tập?

Có hiệu lực từ ngày 11/10/2020, đây được xem là một trong những thay đổi được teen chú ý nhiều nhất. Theo đó, ngoài một bài kiểm tra giữa kỳ và cuối kỳ cố định, tùy thuộc vào số lượng tiết học mỗi môn, sẽ có những cột điểm kiểm tra thường xuyên tương ứng và đánh giá thái độ, năng lực, sự hợp tác của teen trong quá trình thầy cô giảng dạy. 

Bạn Vi Diệu (lớp 12, trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM) cho biết, việc giảm số lượng bài kiểm tra sẽ có những tác động hai chiều. “Theo mình, giảm số lượng bài kiểm tra một tiết sẽ giúp cả học sinh tụi mình và các thầy cô dạy, học thoải mái hơn, không còn bị áp lực phải “chạy bài” nhiều như lúc trước. Nhưng bên cạnh đó, mình nghĩ điều này cũng sẽ có những tác động trái chiều, như việc làm học sinh ỷ lại, lơ là trong việc ghi nhận bài học vì không cần kiểm tra.”

Loạt quy định mới đòi hỏi học sinh chủ động học hơn, nếu không sẽ hổng kiến thức ảnh 1

Ảnh minh họa từ Internet

Trong khi đó, bạn Tùng Chi (lớp 11, trường THPT Nguyễn Công Trứ, TP.HCM) lại đặt ra nghi vấn về việc sự thay đổi này liệu có giảm bớt áp lực học tập hay không. “Đúng là bọn mình sẽ có thể được đổi mới hình thức kiểm tra, giảm số lượng cột điểm nhưng mình không rõ bản thân có được giảm bớt áp lực học tập hay không. Giảm bài kiểm tra một tiết, nhưng vẫn còn bài kiểm tra thường xuyên, và bọn mình thật sự vẫn chưa hiểu được thầy cô sẽ ra đề cho bọn mình thế nào.”

Điểm số chỉ là một tiêu chí đánh giá học sinh

Áp lực điểm số đã từng là vấn đề khiến nhiều teen phải “đau đầu”, thậm chí gặp phải các trạng thái tâm lý tiêu cực. Thế nhưng trong năm học mới này, điểm số sẽ không còn là tất cả. Thay vào đó, thầy cô giáo sẽ nhận xét về biểu hiện của teen trong suốt quá trình học tập. Bên cạnh kết quả bài kiểm tra, thái độ học tập, khả năng tương tác với giáo viên... từ bây giờ sẽ là tiêu chí để đánh giá năng lực các teen.

Nhận xét về sự thay đổi lần này, cô Quỳnh An (giáo viên trường THPT Gia Định, TP.HCM) cho biết, việc thay đổi này không chỉ khích lệ học sinh tương tác nhiều hơn với thầy cô giáo trong học tập mà còn là một cách để thầy cô quan tâm hơn tới học sinh. “Không thể nhận xét về em học sinh nào nếu không hiểu rõ về em đó, vì điểm số không nói lên tất cả. Chính vì vậy, sự thay đổi này sẽ là một hướng đi tích cực trong việc kết nối giáo viên và học sinh.”

Loạt quy định mới đòi hỏi học sinh chủ động học hơn, nếu không sẽ hổng kiến thức ảnh 2  Ảnh minh họa từ Internet

G.B (lớp 12, trường THPT Phú Nhuận, TP.HCM) chia sẻ, do dự định tương lai sẽ thi đại học khối các môn Tự nhiên, nên nhiều lúc thường hay “ngó lơ” các môn Xã hội. “Ban đầu mình cũng khá “hoảng” khi biết thầy cô sẽ đánh giá cả quá trình học tập, nhưng sau đó mình nghĩ chính sự thay đổi này cũng sẽ làm thay đổi thái độ học tập của chúng mình, và thầy cô thì sẽ có thêm nhiệt tình giảng dạy khi tương tác nhiều hơn với học sinh".

Bỏ hình thức kỷ luật buộc thôi học, teen có "quậy" hơn?

Theo dự thảo thông tư khen thưởng, kỷ luật học sinh, hình thức kỷ luật cao nhất - buộc thôi học trong 1 năm sẽ được hủy bỏ, thay vào đó mức kỷ luật cao nhất sẽ là tạm đình chỉ học 2 tuần.

Bạn Minh Thư (lớp 12, trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM) chia sẻ: “Mình nghĩ giáo dục là quyền của mỗi người. Việc buộc thôi học trong một thời gian dài chỉ vì một hành động tại một thời điểm hơi khắc nghiệt. Những bạn học sinh cá biệt, chưa tốt mới chính là những người cần được hưởng sự giáo dục nhiều hơn để thay đổi, nên việc buộc thôi học có khi không làm các bạn ấy nhận ra khuyết điểm mà còn làm bạn dễ sa ngã hơn. Mình nghĩ đây là thay đổi tích cực với môi trường học đường.”

Ngoài ra, nhiều biện pháp giáo dục tích cực cũng sẽ được áp dụng như: Tư vấn tâm lý cho học sinh, trải nghiệm, cảm nhận qua những câu chuyện có liên quan đến lỗi sai của bản thân, hay lao động công ích vừa sức mùa Hè…  

Việc áp dụng những phương pháp giáo dục mới hứa hẹn hoàn thiện môi trường giáo dục. Thế nhưng, để những biện pháp đạt được hiệu quả tốt nhất, sự hợp tác giữa thầy cô và teen mới chính là yếu tố quyết định. Thầy Kim Long (giáo viên trường Trường Sơn, TP.HCM) nhận định: “Thầy cô ngoài sự kiên trì, còn cần phải thấu hiểu học sinh, từ đó đưa ra được những cách thức giáo dục phù hợp với từng em học sinh. Bên cạnh đó, việc để học sinh được tự do trải nghiệm và tự khám phá năng lực bản thân qua những hoạt động ngoại khoá cũng là một phương pháp giáo dục tích cực mà nhiều trường chú trọng.”

Loạt quy định mới đòi hỏi học sinh chủ động học hơn, nếu không sẽ hổng kiến thức ảnh 5
MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm