Tháng 7, Lê Văn Hà (29 tuổi, Nghệ An) chuẩn bị cho hành trình đi xuất khẩu lao động theo chân nhiều người trẻ khác ở vùng quê nghèo. Anh rời quê đến TP Vinh rồi lên máy bay đến Tân Sơn Nhất (TP.HCM), sau đó tiếp tục bay sang Malaysia.
Hành trình đáng lẽ sẽ dừng chân tại Đức theo kế hoạch mà anh đã bàn với ông Lê Minh Tuân, bố của mình. Nhưng khi đến Malaysia, anh gọi điện về nhà thông báo lịch trình chuyển hướng. Hà sẽ bay đến Pháp, từ đó sang Anh.
Suốt 3 tháng ở nước ngoài, Hà gọi điện về nhà liên tục, thông báo mình đã dừng chân ở Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, trước khi đặt chân đến “đất hứa”. Anh nhờ gia đình vay thêm tiền để gửi sang cho anh chi trả các chi phí của chuyến đi.
“Nó bảo sang Anh kiếm được nhiều tiền hơn, sẽ gửi về nuôi vợ, nuôi con. Tôi đâu muốn nó mạo hiểm như vậy, nhưng thấy con quyết tâm thì mình cũng cố chạy vạy rồi gửi tiền cho con", ông Tuân kể.
Biệt tích
Với ước mơ được "đổi đời", nhiều người chọn cách đi xuất khẩu lao động qua châu Âu vì có thu nhập cao hơn so với các nước châu Á. Tuy nhiên, hành trình đến đó đánh đổi bằng sự mạo hiểm của bản thân, tiền bạc của gia đình và nỗi bất an.
Trong số những gia đình ở Nghệ An thông báo mất liên lạc với người thân khi trên đường sang Anh, có người thừa nhận tự ý xuất cảnh mà không thông báo với gia đình.
Từ mấy hôm nay, gia đình ông Tuân liên tục có nhiều người đến thăm hỏi sau khi có thông tin con trai ông mất tích trong chuyến đi sang Anh. Người đàn ông 63 tuổi trông mệt mỏi sau nhiều đêm không ngủ được vì lo lắng và mong chờ tin tức từ bên Anh gửi về.
Ngồi lọt thỏm trong căn nhà lợp ngói đã xuống cấp, ông Tuân thuật lại những gì đã nghe anh Hà kể trong suốt chặng đường từ Vinh đi sang Pháp, rồi đến Anh. Ba tháng trước, chính ông đã đưa con trai ra sân bay Vinh, tiễn con lên đường kèm lời chúc may mắn.
"Tôi suy sụp lắm rồi, giờ không biết còn tia hy vọng nào cho con tôi hay không", ông Tuân nói, cố gắng tránh ánh nhìn thương cảm từ những người xung quanh.
Theo đó, sau gần 3 tháng xa nhà, Hà gọi điện về thông báo anh đã đặt chân đến Pháp, chuẩn bị lên xe sang Anh. Qua điện thoại, ông Tuân cảm nhận con trai mình nóng lòng thế nào. Anh Hà mất liên lạc với gia đình kể từ hôm 22/10. Khi ấy, một người hàng xóm có con ở Anh thông báo với ông Tuân rằng chiếc xe chở anh Hà cùng nhiều người khác vượt biên từ Đức sang Anh đã bị bắt.
"Không có gì phải lo cả, mấy ngày sau nó sẽ được thả, người ta nói với tôi như vậy", ông Tuân thuật lại những gì nghe được. Sau gần 1 tuần chờ đợi, đến nay con trai ông vẫn chưa có liên hệ gì với gia đình. Ông Tuân không dám đọc báo, không dám phán đoán về số phận của con trai mình, chỉ biết cầu trời khấn phật.
Đi nước ngoài nhưng gia đình không biết
Cùng xã với ông Tuân, gia đình chị Bùi Thị Loan cũng mất ăn, mất ngủ khi em gái chị là Bùi Thị Nhung (19 tuổi) đi xuất khẩu lao động được 2 tháng và mất liên lạc kể từ 21/10. Nhung đi và không báo trước với gia đình.
Ngày 15/8, cô gái 19 tuổi quyết định lên đường đi nước ngoài theo một nhóm bạn mới quen. Trước lúc đi, em chỉ nói lại với mẹ của mình là đi làm ăn mấy hôm. "Không ai nghĩ được Nhung sẽ đi nước ngoài, lại còn sang tận châu Âu", chị Loan nói.
Mấy ngày sau, gia đình nhận được tin nhắn của Nhung qua mạng xã hội, thông báo em đã đến Pháp, cả nhà không phải lo gì. Theo lời Nhung nói với gia đình, toàn bộ chi phí của hành trình sang nước ngoài được "bạn bè cho mượn".
Chuỗi ngày sau đó, gia đình chủ yếu cập nhật thông tin về Nhung qua những đoạn tin nhắn ngắn ngủi mà em gửi về. Nhung nói rằng em sẽ ở Pháp một thời gian, sau đó tìm cách đi Anh cùng nhóm bạn. "Ở bên đó kiếm được nhiều tiền, người ta nói với nó như vậy", chị Loan kể.
Đến ngày 19/10, chị Loan nhận được tin nhắn từ em gái, nói rằng đã lên xe và chuẩn bị đi Anh. "Đến ngày hôm sau nó vẫn bình luận trên Facebook của tôi nhưng đến 21/10 thì không thấy liên lạc gì nữa", chị Loan nói.
Sau nhiều ngày cố gắng liên lạc nhưng không có thông tin gì, gia đình quyết định trình báo lên cơ quan chức năng việc Nhung mất tích. Đơn trình báo được Công an xã Đô Thành (huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An) tiếp nhận.
Vay cả tỷ đồng
Cùng thời gian, người dân khối phố 7, thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh bàng hoàng trước những thông tin dồn dập về cô gái Phạm Thị Trà My (26 tuổi), người hiện cũng đã mất tích trên đường di chuyển từ Pháp sang Anh.
Để đến được Anh, gia đình Trà My phải vay hơn 900 triệu đồng, vượt qua các nước Trung Quốc, Pháp, Bỉ... bằng nhiều phương tiện. Ông Phạm Văn Thìn (55 tuổi, bố Trà My) cho biết gia đình đã không liên lạc được với My từ rạng sáng 23/10.
Người cha cho biết vợ chồng ông có 2 con trai và 1 con gái. Trà My là con gái thứ 2, học xong phổ thông cô xin bố mẹ vay tiền đi Nhật Bản xuất khẩu lao động 3 năm. Về nước mới được 2 tháng, thấy gia đình còn khó khăn, Trà My lại xin bố mẹ đi qua Anh làm việc. Chi phí cho chuyến đi phải bỏ ra là hơn 900 triệu đồng.
"Toàn bộ số tiền gia đình phải vay mượn để My đi nước ngoài. Sau khi sang đến Anh nghe đâu phải chi thêm 150 triệu đồng. My bảo qua Anh xin học rồi làm nail (thợ làm móng tay)", ông Thìn nói và cho biết việc con gái đi theo đường dây nào và ai dẫn đi thì gia đình không hay biết.
Gia đình chỉ biết Trà My từ Hà Tĩnh ra Hà Nội ngày 3/10 rồi bắt xe qua Trung Quốc. My ở Trung Quốc khoảng 10 ngày rồi cùng một số người khác lên máy bay qua Pháp rồi Bỉ.
Từ Bỉ, họ cố gắng sang Anh nhưng bị cảnh sát bắt giữ 1 lần nên cả nhóm phải quay về Pháp. Quá trình đi, cô gái vẫn nhắn và gọi điện về gia đình.
Khoảng 4h30 ngày 23/10 (tức 10h30 ngày 22/10 theo giờ Anh), Trà My nhắn tin về cho mẹ với nội dung: "Con xin lỗi bố mẹ nhiều, con đường đi nước ngoài không thành. Con thương bố mẹ lắm, con chết vì không thở được".
Sau tin nhắn, người nhà liên hệ nhiều lần với cô gái nhưng không nhận được phản hồi. Ngày 25/10, gia đình đã làm đơn trình báo lên chính quyền địa phương và chờ thông tin về người thân từ Đại sứ quán.
Ôm mộng đổi đời
Để có chi phí lo thủ tục cho con trai mình sang châu Âu làm việc, ông Tuân đã thế chấp toàn bộ sổ đỏ cùng hai mảnh đất của gia đình để vay được 700 triệu đồng. Một số tiền quá lớn đối với những người nông dân như ông.
"Thấy nhiều người đi rồi kiếm được chút ít gửi về cho gia đình, con mình lại có mong muốn, tôi cũng nhắm mắt nhắm mũi chạy vạy để cho nó đi", ông Tuân giãi bày. Cùng với ông, nhiều gia đình trong xã cũng cố gắng vay tiền, thế chấp nhà cửa để con em mình đi xuất khẩu lao động với mong muốn "đổi đời".
Trong khi đó, gia đình em Bùi Thị Nhung có lẽ sẽ không thể biết được số tiền chính xác mà con gái mình phải bỏ ra để lo cho chuyến xuất ngoại vì toàn bộ chi phí là em "tự xoay xở, vay mượn của bạn bè".
Những gì mà gia đình còn nhớ khi nhắc về chuyến đi của em, là lời hứa mà em đã gửi đến anh trai của mình ở thời điểm vừa đặt chân lên nước Pháp: "Em sẽ sang nước Anh trước, rồi sau đó tìm cách đưa anh sang sau".
Hết ngày 27/10, khoảng hơn 20 gia đình ở hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh trình báo có người thân mất tích tại Anh. Công an hai tỉnh đã tới nhà các gia đình trình báo có con mất tích lấy mẫu tóc, móng tay của bố, mẹ để xác định họ có thuộc danh sách 39 thi thể chết trong container ở Anh hay không.
Ngày 23/10, cảnh sát Anh phát hiện 38 người lớn và 1 người ở tuổi vị thành niên tử vong trong container nhập cảnh vào nước này ở hạt Essex, gần thủ đô London. Khi phát hiện vụ việc, nhà chức trách ở Anh tin rằng 39 nạn nhân là người Trung Quốc. Tuy nhiên đến nay, cả Anh và Trung Quốc không xác nhận 100% nạn nhân là người Trung Quốc.
Bộ Ngoại giao Việt Nam đã chỉ đạo Đại sứ quán tại Anh làm việc với cảnh sát để xác minh quốc tịch các nạn nhân. Bộ Ngoại giao cũng yêu cầu Cục Lãnh sự làm đầu mối phối hợp với cơ quan chức năng trong nước và địa phương cung cấp thông tin liên quan để thúc đẩy quá trình xác minh danh tính các nạn nhân, sẵn sàng biện pháp bảo hộ trong trường hợp là công dân Việt Nam.