Lời nhắc ngọt ngào đầu năm mới: Bạn ơi, tương lai đang ở đây rồi!

Lời nhắc ngọt ngào đầu năm mới: Bạn ơi, tương lai đang ở đây rồi!
HHT - Bạn có bao giờ cảm thấy những thay đổi vượt bậc về công nghệ trên thế giới của chúng ta thực chất là sự “hiện thực hóa” những bộ phim? Biến những điều hoang đường thành có thể nhờ đế chế công nghệ...

Thế giới chúng ta đang dần tiến vào cuộc hỗn loạn như Cyberpunk hay đây chỉ là bước đi bình thường của sự phát triển?

Hiện thực vẽ lên từ sự điên rồ 

Có một sự thật rằng những điểm nhấn, các phát minh công nghệ hiện đại và không tưởng nhất hiện nay thực chất đều đã được tưởng tượng ra từ...hàng chục năm trước khi sản phẩm ấy ra đời rồi! Như cách phim The Net (1995) dự đoán một ngày chúng ta sẽ ăn pizza mà không cần… ra đường, Black Mirror (2011) dự đoán khi xã hội chấm điểm nhau bằng ứng dụng qua hành động, The Space Odyssey (1968) dự đoán về du lịch ngoài vũ trụ, hay Casino Royale (2006) phác họa hình ảnh con người gắn chip vào cơ thể mình...

Lời nhắc ngọt ngào đầu năm mới: Bạn ơi, tương lai đang ở đây rồi! ảnh 1

Đây chính xác là những gì đang được thực hiện. Elon Musk (người sáng lập SpaceX) đã đưa ra những lời hứa về các tour du lịch ngoài không gian, một vài tỉnh ở Trung Quốc đã gắn camera công cộng để chấm social credit (điểm xã hội) của người dân, hay gần đây nhất, hàng loạt công ty tại Thụy Điển đã cài chip vào tay cho nhân viên của mình!

Những bộ phim giả tưởng đã khiến những điều bạn tưởng chừng như không bao giờ có thể xảy ra đang dần trở nên rõ ràng hơn trước mắt. Và sự phát triển này tạo ra một làn sóng bối rối cực độ toàn cầu, kể cả của người già người trẻ, của nước này nhìn qua nước kia, của những người dân lo lắng không thể hiểu kịp sự thay đổi trong cách vận hành của thế giới.

Cyberpunk chính là dòng phim phụ của khoa học giả tưởng, đặt sự phát triển vượt bậc của công nghệ bên cạnh những sự khủng hoảng lớn mà người dân phải trải qua, tạo ra một cảnh tượng khốc liệt của tương lai. Và nếu đã xem những dòng phim này thì hẳn bạn cũng từng lo lắng về sự nổi dậy của robot, sự mất kiểm soát của loài người, và sự hỗn loạn trong tương lai khi chúng ta mất đi quyền làm chủ cuộc sống của chính mình.

Lời nhắc ngọt ngào đầu năm mới: Bạn ơi, tương lai đang ở đây rồi! ảnh 2

Nhưng việc này đã chứng minh được một điều rõ ràng nhất rằng, các phát minh khoa học - công nghệ xuất hiện đều bắt nguồn từ một sự mơ tưởng của con người, của những cái lợi mà người ta đã nghĩ đến một sản phẩm không thực từ trong phim chứ chẳng phải tự dưng mà xuất hiện. Nói cách khác, làn sóng công nghệ tương lai mà giới trẻ của chúng ta đang đối mặt thực chất chính là những sản phẩm điên rồ nhất trong trí tưởng tượng của con người, được hiện thực hóa cũng bởi vì nhu cầu và mong ước của con người ấy. Điên rồ chẳng phải ở công nghệ, mà chính là ở bản thân con người chúng ta.

Tiện lợi và nhân văn liệu có đi cùng nhau? 

Ở Thụy Điển, một vài nơi người dân đã được cấy một con chip nhỏ bằng hạt gạo vào bàn tay, có chức năng như chứng minh thư giúp bạn ra vào phòng gym hay công ty chỉ bằng việc vẫy tay trước máy nhận diện. Sau nữa chính là lợi ích của việc mua vé tàu cũng chính bằng con chip nhỏ bé ấy, thậm chí người dân còn đang đề nghị mở rộng ra đến những việc mua sắm thường ngày và cài cho nó chức năng của chiếc ví di động. Điều này đồng nghĩa với việc, con chip càng được phát triển và nâng cấp thì số thẻ từ, giấy tờ bạn cần mang theo mỗi khi ra ngoài sẽ càng giảm đi.

Bạn Đan Tâm (18 tuổi, Quảng Bình) chia sẻ: “Nếu chỉ nghĩ đơn giản rằng con chip chỉ có tác dụng thay thế chứng minh thư thì chắc chắn mình sẽ không bao giờ cấy vào đâu. Không thể chỉ vì bỏ đi vài giấy tờ ở nhà mà cấy máy móc vào người mình được. Thế nhưng nếu có nhiều tiện ích hơn như có thể dùng để mua đồ, mua vé tàu được thì thật sự mình sẽ cân nhắc, mình chỉ sợ đau và sợ bị hack thông tin thôi!”.

Lời nhắc ngọt ngào đầu năm mới: Bạn ơi, tương lai đang ở đây rồi! ảnh 3

Suy nghĩ trên đã gợi ra một vấn đề về quyền con người, chính là việc bảo mật thông tin cá nhân. Các thông tin cơ bản của bạn được lưu trữ trong một con chip trong người bạn. Thế nhưng ai là người điều khiển, nắm giữ và có quyền sử dụng những thông tin đó? Trong đoạn video trên YouTube Microchip implants in Sweden của TRT World, một người dân Thụy Điển chia sẻ: “Tôi không sợ việc bị hack vì tôi không nghĩ hiện nay đã có máy móc nào đủ hiện đại để hack một con chip”. Thế nhưng chẳng phải tất cả mọi thứ chúng ta đang có trước đây mọi người cũng đã từng “không nghĩ” rằng nó có thể xảy ra?

Hay như camera công cộng đánh giá người dân tại vài tỉnh ở Trung Quốc, mỗi người sẽ được tính điểm dựa trên các hành động bạn làm. Ví dụ nếu bạn hút thuốc ở khu vực cấm, đậu xe trên vạch quy định hay thậm chí là bạn dành quá nhiều thời gian chơi game đều sẽ bị trừ điểm. Và những công dân thấp điểm còn được thông báo công khai là những công dân không tốt, bị tước đi những quyền lợi như mua vé máy bay hạng sang, hay thậm chí là mở thẻ tín dụng, đặt phòng ở khách sạn, nhà hàng cao cấp...

Nhưng đâu là những chuẩn mực của đạo đứng tốt-xấu? Có hợp kháp không khi những điều không được quy định trong pháp luật như sử dụng máy tính bao nhiêu giờ một ngày, tìm hiểu về những vấn đề gì trên Internet trở thành những yếu tố dùng để đánh giá công dân và từ đó hạn chế các quyền của họ. Việc tước đi các quyền lợi của một vài nhóm đối tượng có phải là hành động xâm phạm quyền con người?

Lời nhắc ngọt ngào đầu năm mới: Bạn ơi, tương lai đang ở đây rồi! ảnh 4

Bạn Minh Phương (18 tuổi, sinh viên University of San Diego) chia sẻ: “Mặc dù thoạt nghe mình thấy khá rùng mình, nhưng đối với một quốc gia đông dân như Trung Quốc thì mình thấy có khi đây là một cách quản lý người dân hiệu quả. Và thay vì xem như những quy định cộng-trừ điểm là hình phạt, điểm thưởng thì cũng có thể xem đó chính là động lực để trở thành một công dân tốt hơn theo khía cạnh quy định pháp luật của đất nước đó. Theo mình lợi nhiều thì hại cũng nhiều, chủ yếu là cần cách quản lý có thể đạt được hai yếu tố ấy ở mức cân bằng nhất”.

Facebook cũng từng là “quái vật” thời ông bà anh đấy thôi!

Sự lạ lẫm và lo sợ của chúng ta hiện giờ trước sự đổ bộ của hàng loạt điều mới mẻ, kì quái cũng giống như cách ông bà, bố mẹ tụi mình từng cảm thấy “trời ơi tin được không” khi nhìn chúng ta ngồi nói chuyện hàng giờ với màn hình máy tính vậy! Có thể 50 năm sau, chúng ta lại cảm thấy không thể hiểu nổi khi con cháu mình nhìn vào lòng bàn tay mà thực hiện các giao dịch phức tạp và nghĩ mình đã không còn khả năng tiếp thu công nghệ mới chẳng hạn.

Những điều chúng ta cảm thấy sợ hãi về viễn cảnh tương lai đen tối hiện giờ cũng có thể sẽ chỉ là một điều hết sức bình thường trong tương lai.

Lời nhắc ngọt ngào đầu năm mới: Bạn ơi, tương lai đang ở đây rồi! ảnh 5

“Giáo sư quần đùi” Trương Nguyện Thành đã chia sẻ rằng: “Con người có giác quan thứ sáu. Nếu bây giờ tân tiến nhất là 4.0, thì cái “cảm giác” chính là yếu tố giúp chúng ta trở nên vượt trội hơn hẳn sự phát triển công nghệ. “Cảm giác” giúp mỗi người tự đưa ra những sự lựa chọn riêng, những phản ứng nhất thời và nhanh nhạy và quan trọng nhất là, khác nhau! Những điều “cảm tính” này chính là yếu tố giúp chúng ta sẵn sàng trong thời đại của robot”.

Thầy Lê Thành Nhân (giáo viên kĩ sư cơ khí tại Trung tâm kỹ thuật Cảng Sài Gòn) cũng chia sẻ: “Có những điều chúng ta học được từ trải nghiệm cũng như sự học hỏi không ngừng, từ đó thay đổi, ứng biến theo từng trường hợp. Nếu chúng ta vẫn có thể phát huy được điều này và tạo ra sự biến hóa đa dạng của bản thân, thì tương lai sẽ không còn đáng sợ như bạn nghĩ nữa!”.

MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm

Chương trình Chai nhựa tái sinh, hành trình tiếp nối đến 5 trường đại học tại TP.HCM

Chương trình Chai nhựa tái sinh, hành trình tiếp nối đến 5 trường đại học tại TP.HCM

Với mục đích nâng cao nhận thức người tiêu dùng trong việc phân loại và tái chế chai và lon đã qua sử dụng, xây dựng thói quen nhỏ góp phần tạo tác động to lớn để hướng tới tầm nhìn “Vì một thế giới không rác thải”, Báo Tiền Phong và Coca-Cola Việt Nam phối hợp tổ chức chương trình “Chai nhựa tái sinh, hành trình tiếp nối” tại 5 trường đại học ở TP.HCM. 
Cách thức ủng hộ đồng bào hứng chịu đợt mưa lũ lịch sử, các đoàn cứu trợ cần lưu ý gì?

Cách thức ủng hộ đồng bào hứng chịu đợt mưa lũ lịch sử, các đoàn cứu trợ cần lưu ý gì?

HHT - Hiện việc tìm kiếm người mất tích do đợt mưa lũ lịch sử vẫn đang được các lực lượng nỗ lực thực hiện, cùng với đó là các hoạt động khắc phục hậu quả. Nước lũ rút đến đâu, việc dọn dẹp và tính toán thiệt hại được thực hiện tới đó và rất cần những sự hỗ trợ của toàn thể cộng đồng, xã hội.