Lớp 1 học trực tuyến: Bộn bề lo âu

0:00 / 0:00
0:00
Một học sinh leo cả lên bàn trong giờ học trực tuyến.
Một học sinh leo cả lên bàn trong giờ học trực tuyến.
TPO - Hiện nay, một số trường tư thục đã dạy trực tuyến đối với học sinh lớp 1. Hà Nội, TP Hồ Chí Minh xác định sẽ dạy học trực tuyến cho tất cả các khối lớp trong thời gian đầu năm học. Tuy nhiên, dạy học thế nào để đạt hiệu quả, nhất là học sinh nhỏ tuổi là vấn đề khó. 

Năm nay là năm thứ 2 học sinh lớp 1 thực hiện chương trình, SGK mới trong bối cảnh dịch COVID-19 hoành hành ở các địa phương. Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và một số địa phương cho học sinh cho tất các khối lớp học trực tuyến, trong đó có khối 1. Ở khối trường ngoài công lập, học sinh đã được tựu trường từ đầu hoặc giữa tháng 8 để làm quen, cũng cố kiến thức và học chương trình năm học mới.

Có con năm nay học lớp 1, một trường tư thục ở Hà Nội chị Nguyễn Thu Hà ở quận Hai Bà Trưng chia sẻ, thương con năm đầu tiên đi học đã phải học trực tuyến, gia đình sắm máy tính, bộ bàn ghế đẹp để an ủi. Chị cũng xin làm việc trực tuyến để ở nhà hỗ trợ con.

Ban đầu con háo hức mặc quần áo mới, đeo ba lô đi đến bàn để học lớp 1 nhưng đến nay, sau một tuần học, con kêu chán và nhất quyết không học nữa. Trường thiết kế buổi sáng có 2 tiết học khoảng 80 phút và 1 tiết tự học. Buổi chiều thêm 2 tiết, thế nhưng đến hôm qua, con đã không chịu ngồi vào bàn học buổi chiều.

"Do chỉ quen cô giáo qua màn hình, con cũng không được rèn nề nếp học tập như ở lớp nên ngồi học một tí con lại xin đi vệ sinh; trèo hẳn xuống ghế chạy vòng quanh phòng. Cũng có lúc, con chán nằm bẹp ra bàn. Không riêng con, trong một buổi học, cô giáo phải liên tục gọi tên, nhắc nhở nhiều học sinh như vậy", chị Hà nói.

Nhiều phụ huynh cũng chia sẻ những câu chuyện hài hước khi nhà có con học trực tuyến. Nếu mẹ ngồi cạnh giám sát, hỗ trợ con ngồi ngoan nhưng mẹ rời mắt là lập tức con mơ màng, "xoay ghế", rời bàn học...mặc cho cô gọi khản cả cổ. Có phụ huynh chia sẻ buổi học đầu tiên của học sinh lớp 1: tiết 1 xin cô đi uống nước, tiết 2 xin đi vệ sinh; tiết 3 kêu đói bụng xin ra bếp ăn; tiết 4 nằm úp mặt xuống bàn ngủ.

Nên rút ngắn thời gian học

Cô Lê Thị Thanh Huyền, giáo viên có nhiều năm dạy lớp 1 trường công lập ở tại Hà Nội cho biết, dạy trực tiếp đối với học sinh lớp 1 đã khó khăn, khi có nhiều em chưa quen với việc ngồi học 2 buổi/ ngày. Có em đang ngồi học đứng dậy đi ra ngoài hoặc cô bận hướng dẫn học sinh ở góc này thì ở góc khác một nhóm đã túm tụm để trêu chọc nhau. Do đó, nếu học trực tuyến, cô sẽ khó khăn hơn để có thể quản và đưa học sinh vào nề nếp trong khi hiệu quả phụ thuộc nhiều vào phụ huynh hỗ trợ đến đâu.

Lớp 1 học trực tuyến: Bộn bề lo âu ảnh 1

Một bài tập viết của học sinh lớp 1 được ô giáo chữa từng nét chữ và có nhận xét.

Đầu tiên là điều kiện gia đình có máy tính, ipad hay chỉ có điện thoại. Nếu học điện thoại, màn hình nhỏ học sinh rất khó nhìn. Việc nhìn lâu trên màn hình cũng ảnh hưởng đến mắt của trẻ. Thứ 2, do học sinh chưa biết chữ, chưa biết thao tác nên khi học yêu cầu phụ huynh phải ngồi cạnh để hỗ trợ, mở máy, mở sách cho con. Ví dụ, cô yêu cầu mở trang nào, thao tác đó phụ huynh cũng phải hỗ trợ.

Do đó, cô Huyền cho rằng, trong những tuần đầu khi dịch chưa ổn định, tốt nhất cô trò chỉ nên làm quen với nhau qua zoom. Nội dung chỉ xoay quanh việc giới thiệu từng học sinh; học hát; đố vui… Sau đó, nếu dịch vẫn phức tạp buộc phải học trực tuyến nên thiết kế nội dung dạy học theo chủ đề để trẻ làm quen; thời lượng cũng chỉ rút gọn khoảng 30 phút/ tiết; mỗi ngày không quá 4 tiết.

Cô Huyền cũng nói, phụ huynh nên tạo điều kiện cho trẻ góc học tập ở không gian học yên tĩnh, tránh tiếng ồn. Thời gian đầu, khi con học, phụ huynh cũng ở cạnh để giám sát, nhắc nhở để con dần có thói quen ngồi nghiêm túc học tập dù việc này rất khó.

Hiệu trưởng các trường tiểu học tại Hà Nội cũng thừa nhận, việc dạy học trực tuyến cho lớp 2 trở đi không quá khó vì các em đã được làm quen, riêng đối với lớp 1 là chưa từng có tiền lệ. Đến thời điểm này, các trường cũng chưa biết phải xây dựng kế hoạch, bố trí lịch dạy, cách dạy ra sao.

Các trường sẽ chờ hướng dẫn của Sở GD&ĐT đồng thời họp phụ huynh để biết điều kiện thực tế của các gia đình để xếp lịch. Có thể, các trường sẽ chia nhỏ lớp và dạy theo lịch sáng, tối tuỳ phụ huynh sắp xếp được thời gian hỗ trợ con.

MỚI - NÓNG