Lớp học, giờ vàng và chợ đen

0:00 / 0:00
0:00
TP - Tôi vẫn không thể hiểu nổi, những hiệu trưởng, những thầy cô giáo, làm sao đành lòng khi chứng kiến cảnh những em bé chỉ vừa mới bước vào đời học sinh đã buộc phải ra khỏi lớp đi lang thang ngoài sân trường để cho các bạn khác ở lại học tiếng Anh với người nước ngoài? Bởi cha mẹ các em "nghèo" nên không có tiền nộp học môn "xã hội hóa" này? Sự bất công, bị phân biệt đối xử hằn sâu trong trí não non tơ ấy, rồi sẽ biến tướng thành cái gì?

Đó là câu chuyện vừa diễn ra ở Đà Nẵng và nhiều địa phương, về việc các em học sinh tiểu học bị chèn môn xã hội hóa học tiếng Anh với người nước ngoài (em nào nộp tiền thì được ở lại lớp học) vào giữa buổi học chính khóa. Hết 2 tiết môn này, các em mới có thể vào lớp học tiếp những môn chính khóa khác. Trong khi giờ học chính khóa được xem là "giờ vàng", là quyền lợi chính đáng của mọi học sinh.

Tự chủ - xã hội hóa giáo dục, y tế là chủ trương đúng, phù hợp và tuân theo xu thế phát triển hiện nay. Tuy nhiên, mô hình này đang gặp không ít vướng mắc về hành lang pháp lý, dẫn đến nhiều hệ quả, sai phạm do bị biến tướng, bị bóp méo và lợi dụng khi vận dụng theo các quy định của pháp luật. Liên doanh, liên kết "xã hội hóa" kiểu như vụ Việt Á, chuyến bay giải cứu, hay những trạm BOT quốc lộ khiến cả xã hội lao đao, bao nhiêu lãnh đạo vào tù.

Còn giờ đây, cả nước nháo nhào với biến tướng của nạn lạm thu, nạn dạy thêm và ép học thêm trong chính trường học, ngay trong những "giờ vàng". Khắp nơi loạn thu, thu "khủng" với những khoản tiền "quỹ lớp, quỹ trường" hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng. Có trường tiểu học ở TP. HCM hội phụ huynh đứng ra ‘thu giúp’ trường mỗi học sinh đến 10 triệu đồng! Rồi tranh thủ sự đổi mới của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, vô số các loại trung tâm, doanh nghiệp giáo dục "tràn" vào trường liên kết dạy kỹ năng sống, ngoại ngữ, Toán tăng cường, năng khiếu,… lồng ghép vào thời khóa biểu chính khóa, nhưng học sinh nào không đóng tiền học thì "ra ngoài chơi". Trong khi cơ sở vật chất và giáo viên cơ bản vẫn của nhà trường. Không ít phụ huynh hoang mang phát biểu với báo chí, rằng trường hay là chợ, một loại "chợ đen"?

Luật lệ là do con người viết ra để quản lý xã hội và điều chỉnh các hành vi của con người. Điều đáng sợ, đáng ngại nhất không phải là thiếu luật, luật chưa chặt chẽ, luật chậm hơn cuộc sống, hay kể cả những hành vi vi phạm pháp luật, mà là tình trạng cố tình biến tướng, bóp méo luật pháp phục vụ cho những lợi ích cá nhân. Chúng ta đang phải đối diện cả hai điều trên, nhưng nhức nhối nhất vẫn là vấn nạn sau. Bởi với căn bệnh này, cho dù luật pháp có chặt chẽ, văn minh khoa học đến đâu vẫn có thể bị lách, bị biến tướng.

Thi hào người Đức W. Goethe từng nhận ra, rằng chúng ta không thể nào có được sự yên ổn nếu chỉ có luật pháp mà không có đạo đức. Nên trong câu chuyện những đứa bé phải lang thang trong giờ học, tôi nghĩ vượt lên trên mọi thứ luật lệ, điều đau xót nhất còn thiếu chính là lương tri, lòng trắc ẩn của những người lớn nhân danh nhà giáo.

MỚI - NÓNG
Nạn nhân của chiêu trò lừa đảo cài dịch vụ công giả mạo kể lại việc bị chiếm quyền điều khiển điện thoại
Nạn nhân của chiêu trò lừa đảo cài dịch vụ công giả mạo kể lại việc bị chiếm quyền điều khiển điện thoại
TPO - Sau khi 3 đối tượng mạo danh công an liên hệ yêu cầu cập nhật thông tin cá nhân trên ứng dụng dịch vụ công, chị H. (trú tại Hà Nội) cài đặt ứng dụng giả mạo theo đường link các đối tượng gửi và bị chiếm hoàn toàn quyền điều khiển điện thoại, "hack" tài khoản Facebook, Zalo...