Lớp học giới tính: "Cô bé" của tớ nhiều rắc rối quá!

Lớp học giới tính: "Cô bé" của tớ nhiều rắc rối quá!
HHT - Bạn sẽ thường có cảm giác “cồn cào” và nghĩ về “chữ X thứ ba” trong một vài ngày của chu kỳ nguyệt san. Đó là một chuyện bình thường, nhưng làm sao để "đối phó" với việc đó đây?

Phòng mạch bác sĩ Tò Mò và Khôn Lớn

Cứ khoảng một, hai tuần trước khi có “nguyệt san” là người tớ lại cứ có cảm giác “cồn cào”, mà theo kiểu “ham muốn” ấy. Tớ xin thề bản thân không phải kẻ bệnh hoạn gì đâu, nhưng không hiểu sao tớ cứ có cảm giác ấy nhỉ?”

Khoảng hai tuần trước khi đợt “đèn đỏ” kế tiếp đến chính là thời gian rụng trứng. Thời điểm này cơ thể “hùng hục” tăng gia sản xuất hoóc-môn nữ (estrogen) làm thổi bùng độ nhạy cảm trên cơ thể khi ở gần “gà bông” và kích thích bạn muốn… tiến đến gần đối phương. Bạn sẽ thường có cảm giác “cồn cào” và nghĩ về “chữ X thứ ba”. Đó là một chuyện bình thường. Tuy nhiên, đây là khoảng thời gian có khả năng “có em bé” cao nhất trong cả chu kì. Cho nên, mặc dù “có cảm giác” nhưng vẫn phải “kiềm chế” bản thân hoặc sử dụng bao cao su, thuốc tránh thai để tránh việc xảy ra ngoài ý muốn nhé! (Với những bạn chu kỳ đều đặn mỗi 30 ngày thì “thời gian nguy hiểm nhất” là 10 ngày giữa hai lần nguyệt san).

Lớp học giới tính: "Cô bé" của tớ nhiều rắc rối quá! ảnh 1

Tình hình là tớ không hề thích “cô bé” của mình tí nào! Tớ ước mơ được trở thành một thiên thần của Victoria’s Secret, thế mà khu rừng rậm của mình lại rất lộn xộn và không đẹp mắt. Có cách nào để dẹp sạch nó không?

Thật ra, việc loại bỏ vùng rừng rậm phía trên “cô bé” là không hề cần thiết vì cơ thể không tạo ra bất cứ phần dư thừa nào. Phần “rừng rậm” này thực chất là một lá chắn giúp “cô bé” của bạn giảm những cọ sát và tổn thương không đáng có. Nhưng nếu bạn vẫn quyết tâm muốn loại trừ chúng thì trong các cách phổ thông, tẩy lông (waxing) là biện pháp tốt hơn hẳn dùng dao cạo hoặc nhíp. Vì waxing sẽ giảm thiểu tác động làm tối màu da “cô bé” hơn hai cách còn lại, tuy có hơi đau một chút.

Lớp học giới tính: "Cô bé" của tớ nhiều rắc rối quá! ảnh 2

HS - “Mafia chìm” của dòng họ  “mụn”

Trích chéo hồ sơ “HS”

“HS” (hay tên Tiếng Việt là nhọt, xuất phát từ thuật ngữ Hidradenitis Suppurativa) là  loại bệnh da liễu dai dẳng dưới dạng mụn ở các vùng da hay cọ sát như phía dưới cánh tay, khe mông hoăc kẹt đùi. “HS” xuất hiện lần ban đầu trên cơ thể là một hoặc hai mụn có hình dạng như mụn nhọt hoăc mụn bọc gây đau nhức (đôi khi tự chảy máu). Sau một thời gian, những mụn này sẽ lặn đi và để lại sẹo nhưng rồi sẽ xuất hiện lại xung quanh vị trí mụn ban đầu. Việc hoóc-môn thay đổi ở tuổi dậy thì, nhiễm trùng do dùng nhíp hoặc dư cân quá độ đều có thể là nguyên nhân dẫn đến “HS”.

Lớp học giới tính: "Cô bé" của tớ nhiều rắc rối quá! ảnh 3

Trừng trị “HS” đáng ghét

Đây là bệnh không thể tự lành. Khi phát hiện những dấu hiệu cho thấy nguy cơ nhiễm “HS”, tuyệt đối không cào hoặc cố nặn mụn nhọt. Nếu có máu hoặc dịch chảy ra thì lập tức dùng khăn giấy sạch hoặc bông gòn nhẹ nhàng thấm bỏ dịch đi và đến khám bác sĩ da liễu nhanh nhất có thể.

Vì mỗi mụn nhọt xuất hiện sau khi lặn đi sẽ để lại sẹo nên nếu quá trình “tự lành - thành sẹo” này tiếp tục kéo dài mà không được điều trị sẽ dẫn đến các lỗ hổng dưới lớp da và đôi khi là những tổn thương khó hồi phục được. Phát hiện sớm và điều trị mụn nhọt “HS” sẽ làm giảm nguy cơ tái xuất hiện của nhọt và tổn thương da .

Dinh dưỡng thông minh với chế độ ăn “giảm trắng”

Chế độ ăn “giảm-trắng” - hay giảm (không phải là ngưng ăn) các thực phẩm màu trắng như cơm trắng, đường trắng, bột mì trắng, khoai tây trắng… sẽ điều hòa chu kì “nguyệt san”. Vì các thực phẩm trên làm tăng lượng isulin trong cơ thể dẫn đến tích tụ mỡ. Lượng mỡ thừa này sẽ tác động xấu đến quá trình rụng trứng và độ đều đặn của chu kì “nguyệt san”. Thay vào đó tăng cường các thực phẩm giàu protein dễ phân giải như thịt nạc, cá mòi, trứng (luộc chín), các loại hạt (óc chó, hạnh nhân...) sẽ cân bằng lại lượng hoóc-môn bị tăng giảm thất thường trong cơ thể và điều hòa chu kì “đèn đỏ”. Nếu cô nàng “vòng eo bánh mì” nào muốn vừa có thân hình thon thả, vừa bảo vệ sức khỏe thì hãy thực hiện chế độ ăn “giảm trắng” khoa học này nhé!

“Lắc não” chọn câu đúng

Có nên để “cậu bé” trong tư thế “dựng ngược đầu” trong suốt thời gian mặc quần chíp không?

a. Có! Mặc kiểu đó đặc biệt hơn bình thường nên sẽ thấy tự tin hơn khi ra đường, với lại “thằng nhóc” nằm tư thế nào cũng có khác gì đâu!

b. Không ổn, trời sinh sao để vậy đi, dựng lên thả xuống biết có sao không!

Đáp án đúng là b. Việc thay đổi hướng và vị trí tự nhiên của cậu bé có ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng “tinh binh” được tạo ra. Vị trí trời định của “cậu bé” là cúi thẳng đầu xuống và đó cũng là chiều hoạt động của ống dẫn “tinh binh”. Nếu bị quay ngược lên thì trọng lực sẽ gây tác động xấu đến ống dẫn và ảnh hưởng đến “lực lượng tinh binh”. Ngoài ra, chiếc quần chíp có thể ôm sát đến mức giữ được “cậu bé” trong tư thế “quay ngược đầu” lên trên là chiếc quần không hề tốt cho sức khỏe vì loại thun tạo dáng này không thoáng hơi ẩm và ít hút mồ hôi, tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn đến làm hàng xóm với “cậu bé”, dễ gây ra nhiễm trùng và ảnh hượng đến chất lượng cũng như số lượng “tinh binh”. Nên chọn các loại quần hộp hình chữ nhật thoáng mát rộng rãi từ cotton để đảm bảo sức khỏe của “cậu nhỏ” về lâu dài.

TANPOPO ĐOÀN PHƯƠNG LINH

Trân trọng cám ơn bác sĩ Mạc Yến Thanh đã hiệu đính cho bài viết.

MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm