Lớp học livestream bán hàng hút giới trẻ

0:00 / 0:00
0:00
TP - Hình thức bán hàng truyền thống đã dịch chuyển mạnh mẽ qua hình thức livestream trên các nền tảng mạng xã hội, thu hút nhiều bạn trẻ trải nghiệm. Các khóa học dạy livestream bán hàng nở rộ được xem như thị trường ngách phục vụ xu hướng nghề nghiệp đang hot trong giới trẻ.

Từ những ưu điểm của hình thức tương tác, quảng bá trực tuyến, ngày càng nhiều bạn trẻ kinh doanh, khởi nghiệp đã chọn livestream bán hàng qua mạng để giảm chi phí về vốn, mặt bằng. Để nâng cao khả năng cạnh tranh trong xu hướng nghề nghiệp mới, nhiều bạn trẻ đã tham gia khóa học ngắn hạn về cách livestream qua hình thức online hoặc trực tiếp. Các khóa học trực tiếp thường được tổ chức bởi các trung tâm về kỹ năng mềm hoặc kỹ năng giao tiếp, rèn luyện giọng nói.

Học “bắt” thời điểm vàng… chốt đơn

Lớp học livestream bán hàng hút giới trẻ ảnh 1

Chị Đào Anh, nickname "Cô Đào livestream" chia sẻ kỹ năng livestream bán hàng

Có gần 1 triệu người theo dõi trên TikTok, bạn Trần Mạnh Đức (SN 1991, ở TPHCM, nickname Anh Bụng Mỡ) duy trì từ 20 đến 25 buổi livestream bán hàng mỗi tháng; lượt live tương tác mạnh nhất lên đến 10 nghìn người xem.

"Nếu không có khả năng giao tiếp, nhiều người live có thể thực hiện bằng hành động review trực tiếp trên live để minh chứng về tính thiết thực của sản phẩm hơn là chỉ nói những câu giới thiệu sáo rỗng, có sẵn trên Google”.

Chị Đào Anh - một giảng viên dạy livestream

Đằng sau con số ấn tượng trên, Đức cho biết, anh đã phải dành vài tháng đầu tiên để học kỹ năng livestream, giao tiếp trên sóng trực tuyến. Dự đoán công việc này sẽ trở thành xu hướng trong tương lai, Đức đã theo học một khóa ngắn hạn 5 - 7 buổi của một nền tảng thương mại điện tử cách đây 3 năm.

“Mình học để biết các tình huống trên live thường xảy ra như thế nào, cần nắm thời điểm vàng vào lúc nào để chốt được nhiều đơn hay học cách tương tác với máy quay, tương tác bình luận tích cực hoặc tiêu cực…”, Đức chia sẻ.

Theo Đức, có rất nhiều người live theo năng khiếu, phản xạ tự nhiên và đã thu hút được lượt xem nhất định. Do đó, anh không thần thánh hóa việc học livestream và cho rằng, việc giao tiếp trên sóng trực tuyến phải luyện tập nhiều, chăm chỉ mới có thể tạo nên sự đột phá.

Sau khi kết thúc khóa học ngắn hạn, số lượng đơn hàng Đức đã chốt được trên các phiên livestream tăng 30 đến 40%. Ngoài kỹ năng giao tiếp, theo Đức, để bán được những sản phẩm ẩm thực trên online, cần sự đầu tư thiết bị quay, chụp, đèn chiếu sáng để món ăn hiện lên trông ngon, chân thực, khách quan… kích thích nhu cầu ăn uống của người xem.

Nhu cầu học tăng cao

Theo anh Đỗ Ngọc Sơn, Giám đốc Học viện Kỹ năng mềm - ST Lighthouse cho biết, hiện trung tâm có 2 khóa học phục vụ học viên trang bị kỹ năng livestream bán hàng. Cụ thể, khóa học luyện nói, giúp giọng khỏe, giảm tình trạng hụt hơi, giọng đều đều, không điểm nhấn… được học trong 5 buổi. Khóa học MC livestream mới mở được 1 năm nhưng đã thu hút gần 300 học viên. Học viên sẽ được hướng dẫn cách tạo một buổi live, thu hút khách hàng, cách tạo kịch bản để buổi live hiệu quả. Với các mẹo quảng cáo bằng thuật toán, trung tâm sẽ kết nối với chuyên gia của mỗi nền tảng để giảng dạy cho các học viên.

Anh Sơn cho rằng, giao tiếp trực tuyến đòi hỏi sự nhạy bén và kỹ năng đặc biệt. Vì vậy, ngoài khả năng làm duyên dáng, hài hước của người live, cần có các kỹ năng khác bổ trợ như duy trì giọng nói, truyền tải đầy năng lượng từ đầu đến cuối phiên live, kỹ năng trả lời các câu hỏi, tương tác với người mua hay sự linh hoạt trong giới thiệu sản phẩm.

Cũng theo anh Sơn, hiện nhu cầu học livestream ngày càng tăng cao với nhiều mục đích, từ củng cố kỹ năng giao tiếp hướng đến xây dựng thương hiệu, phát triển kinh doanh riêng. "Công việc này khá vất vả, có thể nói đến mười mấy tiếng trong một ngày nên việc học cách cân bằng giọng nói cũng hết sức quan trọng. Trung tâm có học viên chủ yếu là các bạn trẻ Gen Z yêu thích sự trải nghiệm, sáng tạo nên tiếp thu nhanh và rất có hứng thú”, anh Sơn cho biết.

Chị Đào Anh (nickname "Cô Đào livestream") hiện có gần 50 nghìn lượt theo dõi trên TikTok. Chị là giảng viên dạy livestream thực chiến. Mỗi lớp học online hoặc offline của chị Đào Anh có từ 15 đến 20 học viên. Theo chị Đào Anh, học viên cần có môi trường trải nghiệm để học kỹ năng làm kịch bản, tạo ra kế hoạch sản phẩm, chiến lược về giá, nội dung hình thức thể hiện sản phẩm,... làm sao khách hàng cảm nhận được sản phẩm trên live giải quyết được vấn đề của họ.

Chị Đào Anh cho rằng, yếu tố quan trọng nhất cho một người livestream bán hàng, đó là sự am hiểu về sản phẩm để chọn lọc, giới thiệu phù hợp với mỗi trường hợp, đối tượng khách hàng có nhu cầu khác nhau. Điều này cũng giúp hạn chế các tình huống tiêu cực liên quan đến sản phẩm kém chất lượng, không đúng như quảng cáo.

MỚI - NÓNG