Chơi bóng cùng bom đạn, nghèo khó
Luka Modric sinh ngày 9 tháng 9 năm 1985, tại một vùng đất cách trung tâm thành phố Zadar, Croatia khoảng 30 km. Không giống như nhiều ngôi sao bóng đá khác, Modric lớn lên trong nghèo khó, bom đạn và chết chóc bởi các cuộc chiến tranh, xung đột sắc tộc giữa người Serbs, Croats và người Albania.
![]() |
Những năm tháng đầu đời, anh được nuôi dưỡng chủ yếu bởi ông nội do bố mẹ anh phải vắt kiệt sức trong những nhà máy dệt. Năm Modric 6 tuổi, cú sốc lớn nhất đến với anh khi ông nội bị hành hình bởi quân đội Serbia trong một lần đi chăn gia súc. Nhà cửa cũng bị chiến tranh tàn phá, khiến gia đình anh phải bỏ chạy về trung tâm Zadar và trú ngụ nhờ trong một khách sạn tồi tàn. Suốt những năm tháng niên thiếu ấy, điều quen thuộc nhất với Modric có lẽ là những giây phút “thập tử nhất sinh” cùng bom đạn, đổ nát, sợ hãi.
![]() |
Vượt qua những giây phút sợ hãi, nghèo đói, Modric tìm thấy tình yêu ở trái bóng tròn, anh chơi bóng ở mọi lúc mọi nơi, kể cả khi nguy hiểm rình rập. Và chính tình yêu với trái bóng tròn ấy là bước ngoặt để thay đổi cả số phận của anh cũng như gia đình.
Thích thú trước khả năng chơi bóng của anh, một người quen tại khách sạn đã gọi điện cho giám đốc CLB bóng đá NZ Zadar để giới thiệu. Khi chứng kiến khả năng chơi bóng của Modric, vị giám đốc này ngay lập tức bị thuyết phục và đưa Modric tới trường tiểu học nơi ông làm hiệu trưởng để học bóng đá.
Bị chê vì “nhỏ con” và cuộc gặp định mệnh với “ân nhân”

Năm 12 tuổi, khi vẫn đang ấp ủ giấc mơ trở thành cầu thủ chuyên nghiệp thì cậu bé Modric bị dội một gáo nước lạnh. Anh bị CLB Hadjuk Split từ chối do thân hình quá thấp bé so với các cầu thủ khác (đến khi trưởng thành anh cũng chỉ cao có 1m72).
![]() |
Chính trong thời điểm “tồi tệ” ấy, Mamic - ân nhân của anh và cũng là người khiến anh trở thành “tội đồ” trong mắt nhiều CĐV Croatia sau này, xuất hiện. Nhận thấy tài năng thiên bẩm của Modric, Mamic đưa anh về với Dinamo Zagreb, CLB bóng đá hàng đầu ở Croatia. Thêm một bước ngoặt nữa đến với cuộc đời Modric. Tại đây, dù cũng phải vật lộn một thời gian khá lâu và bị đưa đẩy theo dạng “cho mượn” tới nhiều CLB khác nhau, nhưng với khả năng của mình, Modric đã được gọi vào đội tuyển U21 Croatia và được kí một bản hợp đồng 10 năm với Dinamo Zagreb. Có được tiền từ bản hợp đồng này, việc đầu tiên Modric làm là báo hiếu cha mẹ. Anh đưa gia đình rời khỏi khách sạn cũ để chuyển sang một căn nhà mới. Liền sau đó, anh được gọi lên chơi ở đội tuyển quốc gia và thi đấu tại Euro 2006, 2008.
Với phong độ ấn tượng tại Euro 2008, anh được CLB Tottenham đưa về với bản hợp đồng trị giá 16,5 triệu bảng Anh - một số tiền kỷ lục với CLB này vào thời điểm đó. Tại đây, anh góp công giúp Tottenham lọt vào top 4 của giải Ngoại hạng Anh đồng thời giành vé tham dự Champions League. Cuộc đời anh dần bước tới “thiên đường” khi anh chuyển sang chơi cho Real Madrid và giành tới 3 chức vô địch Champions League, một vinh dự mà không phải cầu thủ nào cũng có thể mơ tới.
![]() |
Từ “người hùng” trở thành “kẻ phản bội” chỉ vì cứu “ân nhân”

Là trụ cột của đội tuyển quốc gia và đang thi đấu cho CLB số 1 thế giới Real Madrid, Luka Modric là thần tượng của hàng triệu người dân Croatia. Hình ảnh của Modric phủ kín các trang báo của Croatia với những ngôn từ ca tụng mỹ miều nhất. Nhưng vào một ngày, mọi thứ bắt đầu đổi khác. Năm 2015, Mamic – ân nhân của anh, người từng giữ chức vụ Chủ tịch CLB Dinamo Zagreb, phó Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Croatia bị điều tra vì liên quan đến việc ép buộc cầu thủ cắt phế tiền lương, phí chuyển nhượng, trốn thuế, thao túng việc gọi cầu thủ lên tuyển nhằm thu lợi trong việc nâng giá chuyển nhượng… Modric thậm chí cũng phải “cắt phế” lại cho Mamic tới 8,5 triệu bảng Anh khi chuyển tới Tottenham. CĐV Croatia thù ghét Mamic đến tột độ và cho rằng chính ông ta là lỗi khiến bóng đá Croatia bị kìm hãm.
![]() |
Tháng 6/2017, khi được mời đến toà làm chứng, Modric đã khai theo hướng có lợi cho Mamic với một câu nói nổi tiếng: "Tôi không nhớ gì cả". Modric “không nhớ” bất cứ điều gì, từ hợp đồng với Dinamo cho đến các điều khoản “cắt phế” trong bản hợp đồng với Tottenham năm 2008. Lời khai này trái ngược với sự thừa nhận của anh trước đó ít lâu. Việc bênh vực Mamic tại toà khiến anh bị các CĐV giận dữ, họ cho rằng anh là “kẻ phản bội”, phản bội lại tình cảm của các CĐV. Anh thậm chí còn phải đối mặt với bản án năm năm tù với tội danh khai man.
![]() |
Trên khán đài World Cup 2018, không ít CĐV Croatia vừa cổ vũ đội nhà vừa tranh thủ phản ứng với Modic bằng cách mặc áo số 10 (số áo của Modric) kèm dòng chữ: “Tôi không nhớ gì cả”. Ở Croatia, CĐV còn vẽ lên tường: "Luka, một ngày nào đó anh sẽ phải nhớ ra thôi". Thậm chí, tờ báo Guardian (Anh) còn hỏi kháy Modric: “Liệu án tù lơ lửng như vậy có ảnh hưởng đến phong độ của anh không?”
Chẳng rõ, việc giúp Croatia làm nên lịch sử tại World Cup 2018 có giúp anh lột bỏ tấm áo “kẻ phản bội” trong con mắt của các CĐV Croatia hay không? Và bản án 5 năm năm tù với anh có được xác lập hay không? Điều ấy, chỉ có thời gian trả lời. Nhưng ngay ở những giờ phút này, khi lượt lại cuộc đời của Modric, tác giả bài viết chợt nhớ đến câu nói:
“Đừng nhầm lẫn giữa tính cách và thái độ của tôi”
Tính cách của tôi nói lên con người của tôi, còn thái độ của tôi tuỳ thuộc vào con người của bạn."
Modric - “cậu bé” lớn lên từ gian khó ngày nào có lẽ không phải là người xấu, nhưng “thái độ” bênh vực Mamic của cậu hẳn là bởi cái ơn mà Mamic đã dang ra từ gần 20 năm về trước với cậu.