Lùm xùm tiêu cực trong thi học sinh giỏi: Nên thay đổi cách tổ chức

Lùm xùm tiêu cực trong thi học sinh giỏi: Nên thay đổi cách tổ chức
HHT - Cần xem xét lại khâu tổ chức thi học sinh giỏi các cấp, đứng ngoài sự quản lý của Bộ GD&ĐT để thực sự tạo ra một sân chơi đúng nghĩa, công bằng, không áp lực và hoàn toàn có sự tự nguyện từ phía học sinh.

Đây là ý kiến của giáo viên đưa ra trước lùm xùm về học sinh giỏi (HSG) quốc gia vừa qua.

Áp lực tạo ra tiêu cực

Theo cô giáo Lê Hồng Minh, trường THPT chuyên Tuyên Quang (Tuyên Quang) cho rằng đối với học sinh ở tỉnh miền núi khó khăn, được tham gia kỳ thi HSG là một điều to lớn, dấu mốc quan trọng giúp các em được khẳng định mình.

Khác với một số nơi mời giáo viên, chuyên gia trong tổ ra đề thi về để ôn luyện cho “gà nòi” của tỉnh mình, thì cô và trò chúng tôi luôn phải cố gắng tự tìm hướng đi, tham khảo rất nhiều tài liệu, học ngày- học đêm trang bị tối đa những gì có thể giúp các em giành điểm cao.

Như vậy là không công bằng, quá thiệt thòi và thiếu minh bạch cho một kì thi cấp quốc gia. Hệ quả để lại làm cho học sinh các khóa sau mất đi niềm tin và sự cố gắng vào một kì thi tưởng chừng như sân chơi thi đấu trí tuệ thật sự.

Lùm xùm tiêu cực trong thi học sinh giỏi: Nên thay đổi cách tổ chức ảnh 1
Cần làm gì để có một kỳ thi học sinh giỏi khách quan, minh bạch và công bằng.

Từng có nhiều năm dạy ở trường chuyên và dạy ôn thi HSG cô Thái Lê, trường Marie Cuire Hà Nội, nhận thấy các em học sinh tham gia đội tuyển bồi dưỡng đi thi đấu thường chỉ giỏi một môn và được tập trung đào tạo xuyên suốt từ cấp 2 lên cấp 3, một chiến dịch dưỡng “gà nòi” dài hơi. Hệ quả là các em chỉ biết một môn duy nhất, các kiến thức xã hội còn lạ vô cùng kém, từng có học trò lớp 11 rất giỏi về Toán nhưng không phân biệt được đâu là rau ngót đâu là rau muống.

Chúng ta đang hướng tới xu thế giáo dục mở, không nên cổ xúy cho việc đào tạo học sinh trở thành gà nòi giỏi một môn học, các môn khác bị coi nhẹ. Cho nên, đây là lúc cần xem xét khâu tổ chức thi HSG các cấp, nếu cần thiết nên thay đổi đơn vị tổ chức kỳ thi một cách độc lập, đứng ngoài sự quản lý của Bộ GD&ĐT để thực sự tạo ra một sân chơi đúng nghĩa, công bằng và hoàn toàn có sự tự nguyện từ phía học sinh.

Theo như tôi được biết, một số nước có nền giáo dục thực sự mở như Mỹ, Đức, Pháp việc chọn ra tinh hoa để đi thi đấu quốc tế thường do các tổ chức độc lập đứng ra tuyển chọn bằng hình thức: học sinh tự nguyện nộp đơn đăng kí và tham gia thi các bài tổ hợp. Việc học, nghiên cứu kiến thức được các em và giáo viên hướng dẫn tự thực hiện tại trường, không có mối liên hệ nào với phía ban tổ chức cho đến khi công bố đề thi và điểm thi, cô Thái Lê chia sẻ.

“Đồng thời, kết quả thi chỉ là tiêu chí phụ phục vụ xét học bổng du học hay chỉ đơn thuần là thành tích cá nhân giúp các em có lợi thế hơn khi đi phỏng vấn xin việc sau này. Hạn chế tối đa sự phụ thuộc vào điểm số và danh hiệu của kỳ thi, trả lại cho sân chơi đúng mục đích ban đầu của nó. Chúng ta nên học tập cách thức tổ chức như vậy để có một kì thi nói không với tiêu cực”.

Khắc phục tính bảo mật và khách quan

Thầy Nguyễn Văn Đức, trường THPT chuyên Bắc Giang (Bắc Giang) nêu quan điểm, chừng nào chúng ta vẫn lấy kết quả thi HSG để đánh giá năng lực, ghi nhận thành tích giúp cho học sinh được cộng điểm, được ưu tiên… vào các trường Đại học thì chúng ta vẫn đang vô tình tiếp tay cho bệnh thành tích được duy trì.

Thấy rõ nhất việc điểm số thiếu minh bạch, từ 13,75 điểm nâng lên 14 điểm không rõ lí do; hai giám thị chấm bài nhưng chỉ có một điểm được ghi ở mục điểm thống nhất… đành rằng các em học sinh có năng lực tốt, nhưng sau tình trạng như vậy khó tránh khỏi băn khoăn liệu trong số các em được chọn đi thi quốc tế đã thực sự là tinh hoa nhất đại diện cho dân tộc hay chưa?.

Đồng thời, thầy Đức băn khoăn với tâm lý đại đa số phụ huynh hiện nay luôn cổ vũ cho con đi thi để được cái danh hiệu và hướng tới cái lợi ích cộng điểm khi xét vào cấp 3, xét vào Đại học… chính như vậy làm kì thi càng thêm áp lực và căng thẳng hơn, cần xem xét lại góc độ khuyến khích từ gia đình.

“Theo tôi, các trường Đại học chỉ nên xem xét và công nhận kết quả thi HSG của các em trên phương diện khi chứng nhận đó do các tổ chức độc lập cấp thay vì do Bộ GD&ĐT công nhận như hiện nay. Sở dĩ, nếu các trường ĐH quyết liệt trong việc ưu tiên xét tuyển các đối tượng có thành tích HSG này thì sẽ giảm thiểu được tối đa tiêu cực trong kì thi”.

Đối với đề thi, TS Trần Nam Dũng, trường Đại học Khoa học Tự nhiên Tp.HCM cho rằng, các nước trên thế giới cũng tổ chức thi HSG quốc gia, các đề thi đưa ra theo hình thức trắc nghiệm hoặc tự luận nhưng minh bạch, chấm và công bố điểm ngay tại chỗ. Hạn chế tối đa yếu tố can thiệp từ con người vào điểm số và tính bảo mật của đề thi.

Cùng với đó, với tầm quan trọng của kỳ thi chọn HSG quốc gia, chất lượng đề thi cũng nên tương ứng; do đó, việc ra đề thi chọn HSG phải được đầu tư kỹ lưỡng. Ngoài việc đảm bảo tính chính xác khoa học, tính sư phạm, đề thi cần có tính mới, gợi mở, chưa từng được sử dụng tránh tình trạng sao chép, biến tấu “bình cũ rượu mới” như một số năm. Cho nên, khi đề thi sao chép đề cũ, một mặt sẽ tạo lợi thế cho các bạn "biết nhiều", mặt khác tiếp tục tạo ra cuộc đua "giải bài càng nhiều càng tốt" - cách học phản sư phạm.

“Tôi nghĩ với cách ra đề thiếu đầu tư như vậy, chúng ta đang vô tình làm hỏng định hướng của phong trào HSG chọn ra giỏi thực sự hiểu bản chất chứ không phải chọn ra người giỏi giải bài nhờ kĩ năng luyện đề thành thục. Nếu đã coi trọng kỳ thi chọn HSG quốc gia thì vấn đề ngân hàng câu hỏi cần đặt ra ngay hôm nay, tránh tình trạng số đề dự bị ở môn thi Ngữ Văn 2 đề, Tin học 3 đề… chưa thật phong phú và tính bảo mật thấp”. ông Dũng nêu quan điểm.

Theo dantri.com.vn
MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm