Lương Tài Hầu chi ấn cùng hơn 150 cổ vật được trưng bày trong Du Xuân - Cổ ngoạn

TPO - Bảo tàng TPHCM phối hợp với Hội Cổ vật TPHCM tổ chức khai trương trưng bày chuyên đề Du xuân – Cổ ngoạn, giới thiệu đến công chúng trên 150 cổ vật quý hiếm và độc đáo. Theo các nhà Sử học, đây là những di sản văn hóa vật thể minh chứng cho các giai đoạn phát triển của lịch sử văn hóa dân tộc Việt Nam.

Trong đó, đáng chú ý là chiếc ấn cổ mang tên Lương Tài Hầu chi ấn, bảo vật ghi danh dành cho công thần triều Nguyễn. Đây là chiếc ấn bằng chất liệu đồng, được vua Minh Mạng cho chế tác vào khoảng năm 1833 khi phong cho công thần Trần Văn Năng tước hiệu Lương Tài Hầu.

Lương Tài Hầu chi ấn cùng hơn 150 cổ vật được trưng bày trong Du Xuân - Cổ ngoạn ảnh 1
Lương Tài Hầu chi ấn.

Chiếc ấn có chiều cao 6,18 cm với thân hình vuông, mỗi cạnh dài 7 cm và dày 1,17 cm. Phần lưng ấn khắc hai dòng chữ Hán là "Minh Mệnh thập tứ niên cát nguyệt nhật tạo" (Đúc vào ngày lành tháng tốt năm Minh Mạng thứ 14) và "Trọng thập ngũ lạng ngũ tiền thất phân" (trọng lượng 15 lạng 5 tiền 7 phân - tức ấn nặng 595 g). Mặt ấn khắc nổi theo thể chữ triện: "Lương Tài Hầu chi ấn" (Ấn của Hầu tước Lương Tài).

Lương Tài Hầu chi ấn cùng hơn 150 cổ vật được trưng bày trong Du Xuân - Cổ ngoạn ảnh 2
Mặt dấu của Lương Tài Hầu chi ấn.

Theo tài liệu tại Hồ sơ di sản của Cục Di sản Văn hóa, Lương Tài Hầu chi ấn là hiện vật gốc, độc bản và có hình thức độc đáo, là một trong 27 bảo vật quốc gia được công bố năm 2020. Lương Tài Hầu chi ấn là cứ liệu lịch sử, minh chứng cho một triều đại phong kiến kéo dài trên 140 năm ở Việt Nam. Chiếc ấn được bảo quản nguyên vẹn, đáp ứng yêu cầu nghiên cứu về lịch sử triều Nguyễn nói riêng và các triều đại phong kiến ở Việt Nam nói chung.

Lương Tài Hầu chi ấn cùng hơn 150 cổ vật được trưng bày trong Du Xuân - Cổ ngoạn ảnh 3

Các em thiếu nhi đang nghe giới thiệu tại chuyên đề trưng bày Du Xuân - Cổ ngoạn.

Ngoài chiếc ấn quý, chuyên đề Du Xuân - Cổ ngoạn còn trưng bày hơn 150 hiện vật quý hiếm như bộ sưu tập Ấn - Tín quý hiếm, mang giá trị lịch sử cao, tiêu biểu là những chiếc ấn có niên đại từ thời Lê – Mạc đến thời Tây Sơn và thời Nguyễn. Bên cạnh đó là những Ấn - Tín của các quan lại thay mặt triều đình nhà Nguyễn cai quản, xác lập trật tự, kỷ cương, mở rộng khai phá và phát triển vùng đất phương Nam.

Lương Tài Hầu chi ấn cùng hơn 150 cổ vật được trưng bày trong Du Xuân - Cổ ngoạn ảnh 4

Những chiếc Ấn - Tín được trưng bày tại Du Xuân - Cổ ngoạn.

Bộ sưu tập tượng thờ dân gian Nam Bộ bao gồm những hiện vật gốc, quý hiếm của bảo tàng và các nhà sưu tập, có giá trị lịch sử, phản ánh đời sống tín ngưỡng của cư dân cùng cộng cư tại vùng đất Nam bộ. Bộ sưu tập gốm Việt Nam (thời Lý – Trần – Lê – Nguyễn) với những cổ vật tiêu biểu minh chứng cho sự phát triển của nghề gốm Việt Nam qua các thời kỳ. Bộ sưu tập sứ ký kiểu và pháp lam thời nhà Nguyễn giới thiệu đồ sứ ký kiểu, pháp lam thời nhà Nguyễn với màu sắc, hoa văn trang trí đặc sắc, đáp ứng sở thích, thị hiếu thẩm mỹ và nhu cầu sử dụng của người Việt.

Lương Tài Hầu chi ấn cùng hơn 150 cổ vật được trưng bày trong Du Xuân - Cổ ngoạn ảnh 5

Những bức tượng được làm bằng gốm sứ.

Ngoài ra, chuyên đề còn giới thiệu đến công chúng những hiện vật quý được chế tác thủ công như Tượng Phật Nhật Bản, hộp bạc, sách thêu, gươm cổ…

Theo ban tổ chức, triển lãm Du Xuân - cổ ngoại không chỉ giới thiệu cho người xem tìm hiểu về các giai đoạn phát triển của lịch sử văn hóa dân tộc thông qua các cổ vật mà ngoài ra, các cổ vật đó còn phản ánh một phong tục tập quán lâu đời của dân tộc Việt khi chúng mang trên mình những biểu tượng của sự may mắn, tốt lành trong dịp năm mới.

Chuyên đề trưng bày Du Xuân- Cổ ngoạn được thực hiện tại Bảo tàng TPHCM tới 16/4.

Tin liên quan