Tháng 11/2016, Đại học Stanford công bố một kết quả nghiên cứu tiến hành với 7.800 bạn trẻ tại Mỹ: 80% những người trẻ tuổi không thể phân biệt giữa tin tức giả và tin tức thật, đặc biệt trong thời kỳ bầu cử tổng thống Mỹ, làm ảnh hưởng đáng kể tới kết quả bầu cử. Thời báo New York Times gọi hệ thống tin tức ngày nay là digital virus - nơi mà tất cả mọi người đều chưa thể miễn dịch với tin tức giả.
![]() |
Cuộc chiến với tin giả
Theo nghiên cứu của Đại học Columbia và Viện Quốc gia Pháp (French National Insitute), 59% người dùng chia sẻ các đường link thông tin dù thậm chí họ không NHẤN VÀO trang đó. Việc chia sẻ “vô tội vạ” một tin tức không xác thực đã tạo ra những hậu quả đáng kể về mặt xã hội.
Các bức ảnh về vụ nghệ sĩ T.O.P (BIG BANG) bị tình nghi sử dụng các chất cấm, hay việc cả nước Anh trở nên đau thương sau #Brexit, rồi trứng giả làm từ cao su, rong biển làm từ nhựa… được chia sẻ rầm rộ trên mạng xã hội, bất chấp việc những tin tức đó chưa được kiểm chứng với những người liên quan. Hậu quả của nó là khiến các cuộc biểu tình diễn ra, các nghệ sĩ bị ảnh hưởng tới tinh thần và sự nghiệp, và người dân luôn sống trong lo sợ với những mối lo về thực phẩm giả.
Nghiêm trọng hơn, việc tin tức giả lấn át các tin tức thật cũng được cho là đã ảnh hưởng tới kết quả của đợt bầu cử của Mỹ. Cụ thể, theo tờ The Washington Post, có hơn 82% những người chọn lựa bầu cử cho Tổng thống Donald Trump đã tin vào việc bà Hillary Clinton có điều hành một đường dây ấu dâm dưới danh nghĩa của... một tiệm pizza, và ngược lại, có 76% người bầu cho ứng cử viên Hillary Clinton cho biết họ tin rằng ông Donald Trump đã trốn thuế, bất chấp việc chưa có bất kì chứng cứ nào cho hai việc trên. Theo nghiên cứu của Pew Research Center vào năm 2016, 64% người Mỹ thừa nhận các tin tức giả khiến họ trở nên bối rối, và không tự tin vào quyết định bầu cử của mình.
![]() |
Cuộc chiến với tin tức giả trở nên ngày càng nghiêm trọng hơn khi hai ông lớn của công nghệ là Facebook và Google bị cáo buộc là không hề nỗ lực trong việc kiểm soát các nguồn tin tức giả. Cụ thể, các nước Đức, Pháp, Anh đã ra “tối hậu thư” cho hai ông trùm về công nghệ trong việc tìm ra các biện pháp kiểm soát nguồn tin giả nếu không muốn bị phạt và khai trừ tại châu Âu. “Cuộc chiến với tin giả sẽ là cuộc chiến lớn nhất của chúng tôi trong năm nay” - Google thông báo trong bản báo cáo thường niên của công ty vào đầu năm 2017.
Trong năm nay, cả hai ông trùm công nghệ sẽ ra mắt các công cụ để ngăn chặn các nguồn tin giả tràn lan bằng việc hợp tác với các bên thứ ba như Factcheck hay Snopes để xác định tin tức thật giả. Còn Facebook thì thêm tính năng report (báo cáo) cho người dùng để phân loại tin tức. (Nếu là tin giả, cả hai trang Google và Facebook sẽ đưa các tin tức ấy xuống dưới cùng news feed hoặc chặn vĩnh viễn).
![]() |
Về mặt tâm lý, việc không thể miễn dịch với các tin tức giả sẽ tạo ra những hậu quả nhất định tới tư duy và tâm lý con người.
“Chúng ta dường như không thể chống lại việc tin tưởng các tin tức giả. Vì não của con người được sắp xếp để tin vào những việc giật gân, và chúng ta thường nhớ những câu châm biếm hơn là sự nghiêm túc” - Parmy Olson viết trên trang Forbes.
Theo trang Psychology Today, chúng ta thường bị kiểm soát bởi một quan điểm “naïve realism” (tạm dịch: Sự thực tế ngây thơ). Chúng ta sẽ thường tự coi là mình rất khách quan, nhưng lại dễ tin tưởng vào những tin tức hay những người có chung niềm tin với chúng ta. Ví dụ, bạn sẽ dễ tin vào việc ông Donald Trump cười cợt một người vô gia cư hơn là tin vào việc ông Obama làm điều đó nếu bạn thích ông Obama hơn.
![]() |
Việc thường xuyên bị ảnh hưởng bởi tin tức giả cũng khiến cho “bias blind spot” (điểm mù thiên vị) của chúng ta ngày càng cao. Điểm mù thiên vị càng cao, chúng ta càng dễ hành động theo cảm xúc hơn là tư duy. Lâu dần, điểm mù thiên vị sẽ khiến cho tư duy phản biện (critical thinking) bị ảnh hưởng. Đó là lý do mà thế giới phải công khai tuyên chiến với tin giả. Vì nếu để nó tiếp diễn, thế hệ trẻ - những người trực tiếp bị ảnh hưởng bởi truyền thông - sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng về mặt tư duy lâu dài.
Cách thức phân biệt tin giả - tin thật
Sẽ chẳng còn bao lâu nữa, cuộc cách mạng 4.0 sẽ thay đổi toàn bộ tương lai của thế hệ trẻ. Bắt đầu của nó sẽ là Internet of Things - tất cả mọi vật xung quanh ta đều sẽ được kết nối với Internet. Cuộc cách mạng này cũng sẽ ảnh hưởng tới lượng thông tin và nguồn thông tin mà chúng ta tiếp nhận hàng ngày. Vì thế, học được cách phân biệt và chọn lọc thông tin, đừng để “tin giả” dắt mũi chúng ta chính là một trong những kỹ năng quan trọng nhất trong thời đại ngày nay.
![]() |
Sau đây là những tips bạn có thể dùng để phân biệt tin tức thật giả:
1. Ai là người viết tin tức ấy?
Người viết tin tức ấy có tiểu sử như thế nào, có đủ chuyên môn để viết về việc ấy hay không? Đừng tin 100% những tài khoản blogger có 200.000 lượt theo dõi vì ngay cả Facebook cũng không dựa vào lượt like để đánh giá độ tin cậy (bạn đã nghe nhiều về chuyện "mua bán like" rồi mà). Đừng tin 100% vào những status (trạng thái) có 10.000 bình luận. Cộng đồng quan tâm nhiều không có nghĩa là tin tức ấy đúng sự thật. Đôi khi những status đả kích đánh đúng vào tâm lý của người nghe, nhưng không có nghĩa nó đúng sự thật.
2. Bạn đọc tin tức ấy ở đâu?
Với Internet, rất dễ dàng để tạo ra một trang web tin tức, viết bài lá cải để thu tiền quảng cáo. Khi bạn đọc bất kì nguồn tin nào, hãy kiểm tra xem trang web ấy có thuộc một cơ quan chính thống nào hay không, domain (tên miền của nó) có hợp pháp không. Cách tốt nhất để kiểm tra trang web là vào phần Contact us (Liên lạc với chúng tôi), About us (Về chúng tôi), để xem kỹ thông tin của công ty xuất bản tin tức này. Và thậm chí kể cả khi nó thuộc một trang web uy tín, thì hãy nhớ rằng các thông tin online luôn có thể chỉnh sửa ngay lập tức, nên thường sẽ không được kiểm tra thông tin kỹ càng. Báo giấy hoặc kênh truyền hình vẫn một nguồn đáng tin cậy nếu bạn muốn xác định tính chính xác của tin tức.
![]() |
Một số trang web bạn có thể dùng để kiểm tra tính xác thực của tin tức như: www.snopes.com, www.hosxbusters.org, www.realorsatire.com, www.factcheck.org, www.politifact.com...
Kiểm tra nguồn hình ảnh: www.images.google.com, www.tineye.com.
3. Tin tức ấy khiến bạn cảm giác như thế nào?
Tin tức giả, hay tin tức tuyên truyền, sẽ luôn khiến bạn có những cảm xúc hưng phấn (tức giận, háo hức, ngạc nhiên…). Cách tốt nhất để kiểm soát là khi bạn đọc một tin tức giật gân, hãy dừng lại, hít một hơi thở thật sâu, và dùng tư duy của chính mình để phản biện lại nó: Tin tức được viết bởi ai, viết khi nào, ở hoàn cảnh nào…
4. Xóa bỏ điểm mù thiên vị
Để tạo ra hệ miễn dịch với tin giả, tư duy phản biện là kỹ năng quan trọng nhất. Để có được tư duy phản biện cao, đòi hỏi bạn sẽ phải vượt qua các định kiến mà truyền thông dẫn dắt, mở rộng tư duy để tiếp nhận những ý kiến xung khắc với mình. Có như vậy, bạn sẽ luôn ở trong một trạng thái đặt câu hỏi với các luồng tin tức xung quanh mình.
![]() |
5. Chia sẻ có trách nhiệm
Khi bạn chia sẻ lại một tin tức bất kì, bạn trở thành một người xuất bản lại tin tức ấy với bạn bè và người thân của bạn. Bạn dùng chính uy tín của mình để chia sẻ tin tức. Chuyện gì sẽ xảy ra khi bạn chia sẻ một công thức nấu ăn có thể trị bệnh ung thư cho bạn của mình và cô ấy áp dụng để chữa bệnh cho em cô ấy, nhưng nó lại không có căn cứ khoa học. Một tin tức sai có thể dẫn tới nhiều hậu quả kinh khủng, vì thế hãy bấm nút share một cách cực kì có ý thức, bạn nhé!
TANPOPO ĐOÀN PHƯƠNG LINH
Ảnh tổng hợp từ Internet