Lý do bố tôi mãi mãi giữ một phong bì đựng 50 đôla

Lý do bố tôi mãi mãi giữ một phong bì đựng 50 đôla
HHT - Không có ai trở nên nghèo khó chỉ bởi họ sẵn sàng cho đi.

Vào thời kỳ mà cuộc Đại Khủng hoảng đang trầm trọng nhất, bố mẹ tôi đều không có việc làm và buộc phải sống dựa vào trợ cấp xã hội, tất nhiên rất ít ỏi. Đó là vào năm 1935, khi tôi hơn 10 tuổi. Gia đình chúng tôi sống tạm tại tầng trệt của một tòa nhà cũ, không có thang máy, trên phố số 43 ở Brooklyn, New York. Lúc kinh tế đang khủng hoảng thì kể cả ở thành phố vốn được coi là sầm uất này cũng vẫn rất khó khăn, nhất là những người không tìm đâu ra việc làm mà lại còn có con nhỏ như bố mẹ tôi.

Tuy nhiên, đến gần Giáng Sinh thì vẫn có nhiều đứa trẻ được bố mẹ đưa đi mua sắm. Tôi thường thích thú nhìn theo chúng và ngây thơ hỏi bố mẹ rằng liệu năm nay tôi có nhận được nhiều quà không. Bố mẹ thường mỉm cười cho qua chuyện mà không trả lời, còn tôi lúc đó cũng không hiểu rằng bố mẹ đang khó xử thế nào.

Một vài ngày trước Giáng Sinh, trời rất lạnh, tôi đứng từ trong bếp nhìn ra cửa sổ. Tôi thấy bố tôi đang ngồi trên các bậc thang của tòa nhà, trông mệt mỏi và buồn bã, thỉnh thoảng đưa tay lau những giọt nước mắt đang chảy xuống má. Tôi không hiểu có chuyện gì nên cứ đứng đó nhìn. Thế rồi một bác đưa thư đến.

Đây không phải là bác đưa thư quen ở tòa nhà nơi chúng tôi ở. Có lẽ bác ấy chỉ tình cờ đi qua và nhìn thấy bố tôi ở đó. Bác ấy lại gần bố tôi và hỏi có chuyện gì.

Tôi đứng sát ra cửa sổ để cố gắng tìm hiểu câu chuyện, và nghe thấy bố tôi nói rằng bố đã dùng hết những phiếu mua thực phẩm được trợ cấp, còn tiền thuê nhà cũng đã quá hạn. Bố tôi đã cố gắng làm thuê theo giờ như đi cắt cỏ và dọn tuyết, nhưng vì sức khỏe không tốt, nên bố tôi không làm được đủ nhiều để kịp trả tiền thuê nhà, và giờ không biết phải làm thế nào nữa. Nghe đến đây, tôi cũng sợ quá, vì tôi vẫn thấy trên báo đăng những bức ảnh chụp nhiều người phải dọn hết đồ ra ngoài phố do nợ tiền thuê nhà.

Có những sự giúp đỡ mà người giúp đã quên đi, nhưng người nhận thì mãi mãi ghi nhớ.

“Ái chà, anh cần bao nhiêu tiền?” - Bác đưa thư hỏi.

Bố tôi đáp rằng bố tôi cần 33 đôla để trả tiền nhà tháng này. Không hề do dự, bác đưa thư lấy trong ví ra 50 đôla và đưa cho bố tôi. Tiền thuê nhà một tháng là hơn 30 đôla thì bạn có thể hình dung ra 50 đôla là khoản tiền lớn thế nào hồi đó, và một bác đưa thư thì tất nhiên cũng chẳng giàu có gì.

Bố tôi ngập ngừng nói: “Nhưng tôi không biết khi nào mới có thể trả lại cho anh”. Bác đưa thư vỗ vai bố tôi và bảo rằng có trả lại hay không trả lại cũng được, dù gì bác ấy cũng vẫn thường xuyên đi qua đây.

Lúc ấy, bác đưa thư ngẩng lên và để ý thấy tôi đang dán mặt vào cửa sổ. Bác ấy vẫy tay với tôi, rồi nói tiếp với bố tôi: “Nghe này, mọi chuyện sẽ không như thế này mãi mãi đâu. Rồi cuộc sống sẽ tốt hơn. Nếu anh và con trai anh nhớ ngày hôm nay, thì sẽ có lúc, trong tương lai, khi ai đó cần anh giúp, hãy giúp trong khả năng của anh. Như thế là anh đã trả lại cho tôi gấp nhiều lần rồi. Chúc Giáng Sinh vui vẻ!”.

Đến năm sau đó, bố tôi tìm được việc làm ổn định hơn và cuộc sống của gia đình chúng tôi cũng khá hơn. Bố tôi bỏ riêng 50 đôla vào một phong bì, lúc nào cũng để sẵn trong tủ bếp để chờ bác đưa thư đi qua thì trả. Nhưng sau đợt đó, chẳng bao giờ chúng tôi thấy bác ấy đi ngang khu nhà chúng tôi nữa. Cho nên, phong bì đựng 50 đôla cứ ở mãi trong tủ, bởi bố tôi cũng không bao giờ lấy khoản tiền đó ra chi tiêu.

Và từ đó cho đến suốt cuộc đời, bố tôi đã luôn giúp những người khác bất kỳ khi nào ông có thể. Ông cũng nhắc tôi luôn làm điều đó, để đền đáp sự tốt bụng và hào phóng của bác đưa thư năm nào.

Theo INTERNET
MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm

Một thời để nhớ: Bức chân dung đẹp nhất được chụp bởi rung động của trái tim

Một thời để nhớ: Bức chân dung đẹp nhất được chụp bởi rung động của trái tim

HHT - Khi Mẫn cắm bông, mồ hôi đọng trên trán nó từng hạt lớn. Ánh nắng ngoài cửa sổ cũng vàng sượm. Tớ đang lắp phim, bèn đưa máy lên bấm thử. Nghe tiếng xoạch, nhỏ Mẫn nhìn thẳng vào tớ, nở nụ cười mắc cỡ, hơi rụt rè, nhưng ánh mắt thật trìu mến. Tớ sững lại, rồi bấm luôn vài phát liên tiếp.