Dịch COVID-19 ập đến khiến bao kế hoạch ấp ủ “đổ sông đổ bể”, thế nhưng Nguyễn Phú Xuân Nhi (lớp 11 trường Phổ thông Năng Khiếu, ĐHQG TP.HCM) và Ngô Hoàng Lê Minh (lớp 10, trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM) đều đã có một mùa Hè vô cùng đáng nhớ.
Dù chỉ là một “tấm chiếu mới” trong việc tham gia các hoạt động quốc tế, hai cô bạn vẫn xuất sắc “ẵm” trọn học bổng Chứng chỉ Năng lực Toàn cầu của New Zealand năm 2021 do Cơ quan Giáo dục New Zealand trao tặng. Học bổng đã tạo cơ hội để cả hai cô bạn Gen Z có cơ hội “bỏ túi” nhiều kỹ năng cần thiết cho tương lai, thông qua hình thức học tập trực tuyến.
Thấu hiểu bản thân để hiểu người khác hơn
Chia sẻ với Hoa Học Trò Online, Xuân Nhi cho biết, bản thân hoàn toàn là một “tấm chiếu mới” khi không hề có quá nhiều thông tin về cụm từ “công dân toàn cầu”. Thậm chí, khi đã bắt đầu khóa học, cô bạn còn tự nhủ, bản thân mình sẽ chuẩn bị tiếp xúc với “ti tỉ” những khái niệm to lớn, trừu tượng.
Xuân Nhi rất vui khi làm quen được nhiều người bạn mới đến từ Thái Lan và New Zealand. Ảnh: NVCC. |
“Khái niệm vĩ mô mà mình từng nghĩ đến thực ra lại được cấu thành từ những điều giản đơn thường ngày nhất”, cô bạn nhớ lại.
Trái với tưởng tượng của Xuân Nhi, những kỹ năng cần thiết để có thể trở thành một công dân toàn cầu lại bắt đầu từ những điều khá đơn giản. Bắt đầu từ việc học cách thấu hiểu bản thân, 88 teen đến từ 3 quốc gia khác nhau là Việt Nam, Thái Lan và New Zealand đã có cơ hội thảo luận, làm việc nhóm để tiếp tục học cách thấu hiểu người khác.
Dù không thể tham gia các hoạt động ngoại khóa, Xuân Nhi vẫn rất vui vì có cơ hội làm quen với nhiều người bạn mới, không chỉ đến từ Việt Nam mà còn đến từ nhiều quốc gia khác.
Thảo luận, làm việc nhóm, Xuân Nhi còn được "múa bút" để tạo ra những sơ đồ tư duy siêu "xịn" như thế này. Ảnh: NVCC. |
Trau dồi trí tuệ cảm xúc để kết nối toàn cầu
Không hẹn mà gặp, Lê Minh cũng có cùng suy nghĩ với Xuân Nhi khi cho rằng, để có thể vươn đến toàn cầu, tất cả mọi người sẽ đối diện với những vấn đề lớn lao, “siêu to khổng lồ”. Thế nhưng, phải đến khi hòa nhịp cùng mọi người, tham gia vào những buổi thảo luận khác nhau, cô bạn Gen Z mới nhận ra, hóa ra mọi thứ gần gũi hơn tưởng tượng của cô bạn rất nhiều.
“Lúc đầu, mình đã nghĩ khi tham gia sẽ phải tranh luận với các bạn về những chủ đề mang tầm vĩ mô như biến đổi khí hậu, bình đẳng giới... Nhưng sau đó, mình nhận ra muốn làm công dân toàn cầu thì việc đầu tiên là phải học cách lắng nghe, sẻ chia với những người xung quanh rồi mới tiến tới bắt tay giải quyết những vấn đề lớn lao hơn.”, Lê Minh tiết lộ với Hoa Học Trò Online.
"Dù ở vị trí người kể hay người nghe, mỗi chúng ta cũng đều cần sự chủ động", đó là điều mà Lê Minh tâm đắc nhất. Ảnh: NVCC. |
Lê Minh cũng bật mí, hiểu về cảm xúc của bản thân và người khác sẽ là chìa khóa để kết nối với mọi người. “Lắng nghe thật sự không phải là chỉ thụ động nghe bạn kể, mà cần phải đặt mình vào vị trí của bạn và có những câu hỏi tương tác để thấu hiểu hơn tâm tư nhằm giúp bạn khi cần thiết”, cô bạn chia sẻ thêm.