Ngày 26 tháng 12 vừa qua, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản đã xác nhận việc quốc gia này sẽ rời khỏi Ủy ban Cá voi Quốc tế IWC (International Whaling Commission) và trở lại đánh bắt cá voi vì mục đích thương mại kể từ tháng 7/2019. Hành động này đã vấp phải nhiều chỉ trích của cộng đồng quốc tế.
Được biết đến với nền kinh tế phát triển đứng thứ 3 trên thế giới và nhiều truyền thống, văn hóa và chủ trương khiến bạn bè quốc tế ngưỡng mộ, thế nhưng Nhật Bản vẫn có những hành động bị phản đối, lên án, đơn cử là việc săn bắt cá voi – một loại động vật đang có nguy cơ tuyệt chủng khá cao.
Nhật Bản chính thức gia nhập IWC - được thành lập vào ngày 2 tháng 12 năm 1946 và hoạt động nhằm bảo vệ nhiều loài động vật có vú trong đó có cá voi, vào năm 1951 và đình chỉ việc săn bắt cá voi với mục đích thương mại sau 37 năm trở thành thành viên của Ủy ban này. Tuy nhiên quốc gia này vẫn tiến hành đánh bắt hàng trăm con cá voi mỗi năm để phục vụ cho mục đích khoa học.
Ông Yoshihide Suga, phát ngôn viên Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản cho biết hoạt động đánh bắt cá voi sẽ được giới hạn trong phạm vị lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế. Ông cũng nhấn mạnh: “Săn bắt cá voi vốn là hoạt động truyền thống được truyền qua nhiều thế hệ tại Nhật Bản”.
Một trong những tổ chức phản đối mạnh mẽ nhất hành động này của Nhật Bản là Ủy ban Cá voi Quốc tế IWC và chính phủ Australia. Bộ trưởng Bộ Môi trường Melissa Price khẳng định: “Australia vẫn kiên quyết phản đối tất cả các hình thức săn bắt cá voi, kể cả vì mục đích thương mại hay nghiên cứu”, đồng thời chính phủ nước này cũng hy vọng Nhật Bản sẽ xem xét lại quyết định rút khỏi IWC.
Mặc dù còn nhiều tranh cãi xoay quanh vấn đề này, song nhiều người cho rằng việc trở lại đánh bắt thương mại sẽ không làm nên sự khác biệt gì đối với nền kinh tế Nhật Bản khi ngày càng ít người tiêu thụ loại thịt này, ngay cả phần lớn người dân Nhật Bản đều cho biết rất ít khi sử dụng hoặc chưa bao giờ ăn thịt cá voi.