15 năm Ngày mất của nhà văn Sơn Nam:

Mạch ngầm sống mãi

TP - Kỷ niệm 15 năm ngày mất của nhà văn - nhà nghiên cứu văn hóa Sơn Nam, người được xưng tụng là Ông già Nam bộ hay Nhà Nam bộ học (13/8/2008 - 13/8/2023), tại Hội quán Văn nghệ (Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật TPHCM), nhiều bạn bè đồng nghiệp và những người yêu mến ông đã tề tựu cùng ôn lại những kỷ niệm với nhà văn nhân dịp 2 cuốn sách viết về Sơn Nam vừa chính thức ra mắt bạn đọc.

Nghèo vật chất, giàu tình nghĩa

Chị Thuý Hằng, con gái cố nhà văn Sơn Nam chia sẻ, ba chị tuy nghèo nhưng rất giàu tình giàu nghĩa với gia đình và xóm giềng. Hồi còn nhỏ, chị vẫn nhớ ba chị tuy làm việc chủ yếu ở Sài Gòn nhưng vẫn về thăm gia đình đều đặn. Mỗi khi về thăm nhà, ông bế chị không rời tay. Thậm chí đi họp bàn công chuyện ở ấp, ông bế chị đi theo. Chị nhõng nhẽo hay quậy phá trong cuộc họp, ông chỉ cười. Chị Hằng nhớ lại: “Mấy dì tôi kể, khi má sinh tôi, ba tôi về thấy má chưa có than để sưởi. Ông đã ôm cái thúng đi mua nguyên một thúng than đem về. Chỗ bán than cách nhà hơn 3 cây số, ông vừa đi vừa đội thúng than, không e ngại bà con cười mình. Với bà con hàng xóm dưới quê, ông sống rất hoà đồng, bình dị, nhất là với bà con nghèo. Ba tôi hay đưa tôi sang nhà hàng xóm chơi, họ làm gì ba tôi phụ làm đó, từ chẻ củi, xay lúa, giã gạo, việc gì ông cũng biết làm. Rồi cha con tôi ăn cơm với nhà hàng xóm luôn. Vừa ăn, ông vừa hỏi chuyện nọ chuyện kia. Mà khi đó ba tôi đã là người nổi tiếng, nhiều người biết nhưng ông không câu nệ gì cả”.

Mạch ngầm sống mãi ảnh 1

Các tác phẩm đã xuất bản của nhà văn Sơn Nam

Là một trong những cộng sự thân thiết của nhà văn Sơn Nam, nhà văn Phạm Sỹ Sáu chia sẻ, người dân xóm Trũng (phường 7, quận Gò Vấp, TPHCM) chẳng thể quên được hình ảnh một ông già nhỏ thó, kính trắng trễ mũi, điếu thuốc luôn đỏ trên môi, thường xuyên ngồi quán cà phê ở Nhà Truyền thống quận Gò Vấp chuyện trò với nhiều lớp người, loại người hoặc âm thầm rút vào một góc nhỏ để đọc sách hay nghiên cứu.

Bà Quách Thu Nguyệt, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản (NXB) Trẻ kể, nhà văn Sơn Nam hay lui tới các NXB, toà soạn báo thường in tác phẩm của ông để xin ứng trước nhuận bút, khi thì ứng cho cô con gái đang cần mua xe máy, khi thì giúp cho người bạn chữa bệnh. “Nhưng ai cũng biết Sơn Nam ứng tiền để giúp cho một người nào đó gặp khó khăn mà nhà văn có khi chỉ quen sơ. Suốt cuộc đời ông chỉ viết văn và đi giúp đỡ mọi người. Cái tình trong nhà văn Sơn Nam lớn lắm”, bà Nguyệt nói.

Pho từ điển về Nam Bộ

Mạch ngầm sống mãi ảnh 2

Nhà văn Sơn Nam và con gái cùng bức tượng của chính nhà văn

(Ảnh gia đình cung cấp)

Nhà báo Nguyễn Trọng Chức - một trong những người bạn thân thiết với Sơn Nam kể, ngày đó ông thường chứng kiến nhà văn vào thư viện tìm mượn những cuốn sách nghiên cứu bằng tiếng Pháp. Thời kỳ đó chưa có máy photocopy nên nhà văn thường ghi chép lại. Nhà báo Nguyễn Trọng Chức nhớ lại: “Có lần tôi hỏi ông về cách làm việc để có được những cuốn sách về miền Nam, về văn hóa miệt vườn ông bảo, lúc còn khoẻ mạnh, cứ sáu tháng ông lại đi rong khắp Nam bộ mà sau này gọi là xâm nhập thực tế hay điền dã. Sáu tháng còn lại ông vào thư viện, văn khố tìm kiếm, tra cứu...”.

Nhân kỷ niệm 15 năm Ngày mất của Sơn Nam, NXB Trẻ đã tiếp tục ra mắt 2 cuốn sách về cố nhà văn. Đó là cuốn Nhà văn Sơn Nam những góc đời riêng lạ tập hợp những bài viết của bạn bè, đồng nghiệp và của con gái của cố nhà văn chia sẻ những kỷ niệm, hồi ức về cha và cuốn Sơn Nam đi và ghi nhớ tập hợp 56 bài biên khảo, nghiên cứu của cố nhà văn được in từ trước năm 1975.

Chính vì chỉ đi, nghiên cứu và viết nên nhà văn Sơn Nam đã để lại cho hậu thế nhiều dấu ấn trong văn chương Nam bộ như sách văn học, sách biên khảo, tuỳ bút, hồi ký…trong đó có nhiều tác phẩm có giá trị như Hương rừng Cà Mau, Hương quê, Đất Gia Định xưa, Thuần phong mỹ tục Việt Nam, Người Sài Gòn… Sơn Nam được những người yêu mến gọi là “Ông già Nam bộ”, “Pho từ điển sống về miền Nam” hay “Nhà Nam bộ học”... Sơn Nam còn có biệt danh “Ông già đi bộ” bởi suốt cuộc đời, nhà văn chỉ đi bộ hoặc nhờ bạn bè chở đi.

Bà Quách Thu Nguyệt kể, năm 2002 NXB Trẻ ký hợp đồng tác quyền trọn đời với các tác phẩm của nhà văn Sơn Nam. Theo đánh giá của NXB Trẻ, các tác phẩm của Sơn Nam không chỉ là tài sản của riêng nhà văn mà còn là tài sản của mảnh đất Nam bộ. Ngay chính nhà văn cũng không nhớ được mình đã viết bao nhiêu tác phẩm. Chính bạn đọc là người đã tìm kiếm, sưu tập lại và NXB Trẻ là nơi tập hợp để in.

Trong 15 năm qua, NXB Trẻ đã in 22 tác phẩm của Sơn Nam và đều được bạn đọc đón nhận. Điều đó cho thấy tác phẩm của Sơn Nam vẫn tiếp tục có mạch ngầm và sống mãi. Từ các tác phẩm này của cố nhà văn, nhiều người thêm yêu mảnh đất Nam bộ, để từ đó tiếp tục bước đi trên con đường của Sơn Nam, tiếp tục khám phá tìm hiểu mảnh đất này.