Chính phủ Malaysia ngày 30/7 đã công bố báo cáo cuối cùng về chuyến bay MH370, hơn bốn năm sau khi chiếc máy bay của Hãng hàng không Malaysia mất tích đầy bí ẩn khi đang trong hành trình từ Kuala Lumpur (Malaysia) đến Bắc Kinh (Trung Quốc) ngày 8/3/2014.
Sau nhiều năm điều tra, vẫn chưa có bằng chứng nào chắc chắn về những gì đã xảy ra với chuyến bay xấu số của Malaysia Airlines chở 239 người. Gia đình của các hành khách trên chiếc máy bay bị mất tích hôm nay (30/7) xác nhận việc họ đã nhận được bản báo cáo nhưng không có phát hiện mới nào về lý do biến mất đầy bí ẩn của MH370.
Tuy nhiên, báo cáo đã nêu bật những sai lầm và một số giao thức, hướng dẫn không được tuân theo.
Ông Kok Soo Chon, nhà điều tra chính, chịu trách nhiệm về cuộc tìm kiếm MH370 cho biết các điều tra viên đã xác nhận việc máy bay quay trở lại dưới sự điều khiển bằng tay và rằng “không thể loại trừ khả năng có sự can thiệp bất hợp pháp của một bên thứ ba”.
“Chúng tôi có thể kết luận rằng MH370 đã quay lại và sự trở lại này không phải vì có bất thường trong hệ thống cơ học. Việc quay đầu đã được thực hiện không phải tự động mà dưới sự kiểm soát bằng tay”, ông Chon nói.
Luật sư Grace Nathan, người Malaysia có mẹ là bà Anne Daisy đi trên chuyến bay MH370 cho biết: “Chúng tôi hy vọng rằng những sai lầm này sẽ không bao giờ lặp lại và các biện pháp sẽ được đưa ra để ngăn chặn chúng trong tương lai”.
Bình luận về bản báo cáo mới được công bố, Grace Nathan cho biết thêm: “Một điểm mà họ nhấn mạnh đó là báo cáo này không nhằm mục đích tìm ra thủ phạm, nó chỉ là một cuộc điều tra về an toàn bay”. Theo cô Nathan, đây là một trong những hạn chế đối với các nhà điều tra vì họ làm việc dựa trên những thông tin được cung cấp.
Các gia đình hành khách trên chuyến bay bị mất tích cho biết, bản báo cáo cũng đã chỉ ra những sai lầm của Trung tâm kiểm soát không lưu Malaysia. Theo đó, chỉ có hai cuộc gọi cố gắng bắt liên lạc với MH370 từ mặt đất, hai cuộc gọi cách nhau khoảng 4-5 giờ đồng hồ.
Trước đó, Bộ trưởng Giao thông Malaysia Anthony Loke cho biết: "Mọi lời nói mà nhóm điều tra ghi nhận được sẽ được phản ánh trong báo cáo. Đây là bản báo cáo đầy đủ, không chỉnh sửa, thêm thắt hay cắt xén".
Hơn bốn năm sau khi MH370 mất tích vào ngày 8/3/2014, các nhà điều tra đã không thể tìm ra câu trả lời cho một trong những vụ mất tích bí ẩn nhất trong lịch sử ngành hàng không thế giới.
Ròng rã 4 năm, cuộc tìm kiếm MH370 đã kết thúc vào tháng 5/2018 sau khi công ty công nghệ Ocean Infinity của Mỹ không thể tìm thấy chiếc máy bay mất tích dù đã “cày xới” những khu vực khả nghi có tổng diện tích lên tới 120.000 km2 ở Ấn Độ Dương Ấn Độ Dương.
Malaysia đã ký một thỏa thuận “không tìm thấy, không mất phí” với Ocean Infinity để tiếp tục cuộc săn lùng chiếc máy bay bị mất tích sau khi cuộc tìm kiếm chính thức do Australia, Malaysia và Trung Quốc dẫn đầu kết thúc hồi đầu năm 2017.
Có nhiều giả thiết được đưa ra liên quan đến việc MH370 biến mất như thế nào. Một số người cho rằng chiếc máy bay đã bị tấn công trong khi số khác lại tin rằng một người nào đó trên chuyến bay cố ý tắt động cơ trước khi nó đi vào Ấn Độ Dương. Cuối cùng, tất cả cho đến nay vẫn chỉ là một bí ẩn không lời đáp.
Kỹ sư người Australia Peter McMahon từng tuyên bố ông đã tìm thấy những gì dường như là mảnh vỡ của MH370 trên Google Earth sau nhiều năm nghiên cứu bản đồ trực tuyến khu vực Ấn Độ Dương. Nhà điều tra tai nạn nghiệp dư này thậm chí còn tuyên bố rằng mảnh vỡ của MH370 “lỗ chỗ vết đạn”. Tuy nhiên, người phát ngôn của Cục An toàn và Vận tải Australia lại nói rằng những hình ảnh ông McMahon gửi cho họ thật ra được chụp vào năm 2009 - 4 năm trước khi MH370 mất tích.
Trước khi MH370 biến mất, cơ trưởng trên chuyến bay này Zaharie Shah đã liệt kê hòn đảo nhỏ Diego Garcia ở phía Tây Bắc Australia vào bản đồ mô phỏng bay của mình. Điều này khiến xuất hiện một số ý kiến nghi ngờ có thể Zaharie Shah đã cho MH370 hạ cánh xuống đường băng trên hòn đảo vốn của Anh nhưng là nơi đặt căn cứ của Hải quân Mỹ.
Cũng có luồng ký kiến cho rằng có thể MH370 đã bị những kẻ khủng bố bắt cóc và bị giấu ở phía Bắc của Pakistan. Trong một cuộc thăm dò được thực hiện vào năm 2014 về sự biến mất của MH370, 5% người Mỹ tham gia tin rằng, chuyến bay mất tích có thể liên quan đến “người ngoài hành tinh”.
Một số ý kiến cho rằng, có thể một trong số hai phi công trên chuyến bay MH370 đã cố ý làm rơi máy bay trong một vụ tự sát được lên kế hoạch từ trước.
Theo giả thiết này, cơ trưởng Zaharie Ahmad Shah đã cố tình lao máy bay xuống khu vực đại dương sâu tới 7.620m – nơi mà hầu như việc tìm thấy xác chiếc máy là điều không thể.
Cựu Thủ tướng Australia Tony Abbott là một trong số những người nghiêng về giả thiết này khi trong lễ kỷ niệm 3 năm ngày MH370 mất tích, ông Abbott đã nói rằng ông thấy nó là “hợp lý”. “Tôi đã luôn nói rằng, kịch bản hợp lý nhất là giết người tự sát và nếu anh này muốn tạo ra bí ẩn lớn nhất thế giới thì tại sao anh ta không thử nghiệm điều đó đến cùng và đi xa hơn về phía Nam?”, ông Abbott nói.