Malaysia: Tranh cãi vụ sách giáo dục thể chất cho học sinh tiểu học có nội dung nhạy cảm

0:00 / 0:00
0:00
HHT - Một phụ huynh ở Malaysia đã đăng lên mạng bức ảnh một trang của sách giáo dục thể chất dành cho học sinh tiểu học, trong đó đề cập đến những tình huống khá nhạy cảm. Hiện cư dân mạng ở Malaysia đang tranh cãi mạnh, có người bảo những nội dung này không phù hợp để đưa vào sách cho học sinh, có người lại bảo cần phải nhìn thẳng vào sự thật.

Hiện nay, ở nhiều nước, giáo dục giới tính được đưa vào chương trình học phổ thông từ khá sớm. Nhưng vì đây vẫn được coi là vấn đề khá nhạy cảm nên đôi khi, có những nội dung rất gây tranh cãi.

Một phụ huynh ở Malaysia vừa đăng ảnh một trang sách, nói rằng đó là sách giáo khoa (SGK) dạy về sức khỏe ở trường tiểu học mà con của họ đang học. Trong trang sách có lẽ thuộc một bài học về vấn đề quấy rối tình dục, có 4 tình huống khác nhau được đưa ra, liên quan đến hành vi không phù hợp của người trong gia đình. Đó là:

“Một người cha vào phòng con gái ở thời điểm không phù hợp”.

“Một người anh trai muốn em gái xem phim người lớn với mình”.

“Một người bác động chạm cháu mình một cách không phù hợp”.

“Một người ông muốn tắm cùng cháu gái”.

Malaysia: Tranh cãi vụ sách giáo dục thể chất cho học sinh tiểu học có nội dung nhạy cảm ảnh 1

Trang sách đang gây tranh cãi. Ảnh: Imgur.

Mục đích của bài học này là giúp học sinh nhận biết những hành vi không phù hợp và cách để tránh chúng.

Tình huống thứ tư, với người ông và cháu gái, bị bàn luận nhiều nhất trên các mạng xã hội ở Malaysia. Với tình huống này, sách đưa ra 4 câu trả lời (là 4 hành động mà nhân vật cháu gái có thể làm):

“Đẩy ngã ông”.

“Kiên quyết từ chối”.

“Chấp nhận”.

“Hắt nước vào mặt ông”.

Một cư dân mạng khác khẳng định rằng đây đúng là nội dung trong SGK Sức khỏe và Giáo dục Thể chất lớp 3.

Malaysia: Tranh cãi vụ sách giáo dục thể chất cho học sinh tiểu học có nội dung nhạy cảm ảnh 2

Tình huống gây tranh cãi nhiều nhất. Ảnh: Jenny Anand.

Những tình huống và những câu trả lời nói trên khiến dân mạng Malaysia có những ý kiến trái ngược nhau. Rất nhiều người phê phán rằng sách giáo khoa mà có “chủ đề không phù hợp”, và phản đối cách đặt các câu hỏi cũng như cách đưa ra các lựa chọn trả lời. Họ viết những bình luận như:

“Đây không phải là cách tốt để dạy trẻ em về giới tính. Có rất nhiều cách hợp lý hơn”.

“Cách này rất sai lầm. Giáo viên không thể dạy học sinh bằng lời thôi sao?”.

“Sách giáo khoa không nên có những nội dung dễ khiến học sinh hiểu lệch lạc thế này”.

Malaysia: Tranh cãi vụ sách giáo dục thể chất cho học sinh tiểu học có nội dung nhạy cảm ảnh 3

Học sinh tiểu học ở Malaysia. Ảnh minh họa: Choo Choy May/ Malay Mail.

Nhưng ngược lại, cũng có nhiều người cảm thấy cần giúp học sinh, từ khi còn nhỏ, biết phân biệt đúng sai, hiểu rõ các vấn đề, bởi thực tế là trong phần lớn các vụ lạm dụng tình dục trẻ em thì thủ phạm là người quen biết. Những cư dân mạng đồng ý với nội dung trong sách thì viết những bình luận như:

“Dạy thế này thì trẻ em mới hiểu rõ. Bởi nhiều khi, trẻ em bị lạm dụng là vì tin tưởng những người quen thân, coi đó là người nhà và hiểu nhầm những hành vi động chạm là những cử chỉ yêu thương”.

“Trẻ em cần biết rõ rằng kể cả với người trong nhà thì cũng có những giới hạn về thể chất. Đây là điều cần dạy cho trẻ từ sớm”.

“Những chuyện này mới nghe thì có vẻ nhạy cảm, nhưng thực tế lại xảy ra trong nhiều gia đình. Trẻ em cần được dạy thật kỹ và tôi nghĩ cách dạy như trong sách này là tốt”.

Malaysia: Tranh cãi vụ sách giáo dục thể chất cho học sinh tiểu học có nội dung nhạy cảm ảnh 4

Cư dân mạng ở Malaysia có những ý kiến rất trái ngược về nội dung giáo dục giới tính cho học sinh tiểu học. Ảnh minh họa: Bernama.

Hiện nay nội dung sách vẫn đang được bàn tán rất nhiều và vẫn chưa có phản hồi của các nhà chức trách tại Malaysia.

Malaysia: Tranh cãi vụ sách giáo dục thể chất cho học sinh tiểu học có nội dung nhạy cảm ảnh 8
Theo nhiều nguồn tin
MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm