Đó là thứ bóng đá len lỏi trong giấc mơ của người hâm mộ, của các huyền thoại đang hằng ngày dõi theo đội bóng. Thứ bóng đá ẩn sâu trong tâm tưởng của cầu thủ, của ban huấn luyện, của người truyền lửa Ole Gunnar Solskjaer. Thứ bóng đá mang tên tình yêu nồng nàn thấm đẫm từng bước chạy, từng hơi thở, ngay giữa nghịch vẫn bất khuất kiên cường.
Một quá khứ hùng tráng, bất khuất
Tròn hai năm trước, vào một ngày đầu Xuân năm 2017, người viết đã từng có vinh dự đặt chân đến miền đất thánh Old Trafford. Đó thực sự là một thánh địa bóng đá: Từng con đường dẫn đến sân vận động, từng bức tường, từng viên gạch, từng ngọn cỏ đều chất chứa biết bao kỉ niệm về một Manchester United hào hùng. Câu lạc bộ dành hẳn một đường hầm sát sân vận động để ghi nhớ những người anh hùng đã hi sinh trong thảm họa máy bay rơi Munich năm 1958, đặt tên là “Munich Tunnel”. Đó là nơi tuyệt vời nhất bạn có thể lựa chọn để bắt đầu cuộc hành trình tìm hiểu về Quỷ Đỏ của mình.
Cả một trời đau thương và bi tráng sẽ hiện ra, với những bức ảnh, những bài báo, những góc kỉ niệm, với ngọn nến cháy vĩnh cửu để sưởi ấm cho các thế hệ người hâm mộ United hôm nay và mai sau. Ở vị trí trang trọng nhất của Munich Tunnel, có một câu nói được mạ vàng, in lên tường của sân vận động Old Trafford: “Trước khi thảm họa này xảy ra, Man Utd là đội bóng của thành Manchester. Sau tấn bi kịch ấy, Man Utd là của cả thế giới. United sẽ lại trỗi dậy một lần nữa”.
Những cổ động viên già còn sót lại từ năm ấy thường kể với nhau rằng, United của họ, đội bóng có 8 cầu thủ chính thức bị chết trong biển lửa, với HLV trưởng Matt Busby bị trọng thương và hàng loạt cầu thủ khác đang nằm trong bệnh viện, không cầu xin một đặc ân nào từ LĐBĐ Anh. Chỉ 13 ngày sau thảm họa, HLV phó tạm quyền Jimmy Murphy dẫn những chiến binh còn lại, gồm những cậu bé tuổi teen, những cầu thủ hàng dạt vừa vội vã kí hợp đồng bước ra thảm cỏ Old Trafford, đánh bại Sheffield Wednesday với tỷ số 3-0. Cánh chim phượng hoàng bất tử trong lòng họ không bao giờ lùi bước, dù chỉ một lần.
Như một lời tiên tri thần kỳ xuyên suốt lịch sử, tinh thần bất khuất kiên cường ấy đã ngấm vào máu của Quỷ Đỏ suốt từ đó đến nay, để mỗi lần khó khăn ập đến bủa vây, đội bóng ấy lại rũ bùn đứng dậy sáng lòa. Từ Sir Bobby Charlton đến Sir Alex Ferguson, từ King Eric Cantona đến thế hệ 1992 của Beckham, Scholes, Giggs… Và bây giờ, DNA ấy được truyền lại cho người dẫn đường đáng kính Solskjaer cùng các học trò.
"United will rise again" - United sẽ trỗi dậy một lần nữa!
Cách đây chưa đây ba tháng thôi, Old Trafford vẫn còn đang chìm trong những tháng ngày đen tối đến nghẹt thở, khi tất cả mọi thứ của đội bóng đều vô định trôi về cõi hỗn mang. Trên mặt báo, trên sân cỏ, trong phòng thay đồ, không nơi đâu tìm thấy nổi một nụ cười. Jose Mourinho ra đi, Ole Solskjaer đến, mang theo những âu lo nặng trĩu, những hoài nghi đầy rẫy bên bờ miệng vực. Nào có ai biết được quyết định bổ nhiệm Solsa vào ghế HLV tạm quyền trong ngày Boxing Day 2018 hóa ra là một món quà to nhất mà các CĐV nhận được 6 năm qua.
Ngày anh trở lại để ngồi lên ghế nóng, tấm băng rôn 20LEGEND trên khán đài tây Stretford End vẫn hiên ngang ở đó như suốt hơn 20 năm qua. Nhưng cuộc đời và sự nghiệp của Ole cũng giống như lịch sử Man Utd, sau các đêm vui là vô số cung đàn buồn. Có ai quên một ngày tháng Tám năm 2008 nắng hanh hao trên Old Trafford, United tổ chức chia tay anh, trận đấu vinh danh có lẽ là duy nhất trong lịch sử bóng đá, mà người được vinh danh vào sân từ ghế dự bị. Huyền thoại dự bị, huyền thoại thay người, huyền thoại mãi mãi đi vào lịch sử sau khoảnh khắc kỳ diệu ở Nou Camp năm 1999. Hôm ấy anh không ghi bàn, chỉ có một cú bẻ lòng ngọt như mía lùi anh vẫn hay làm bị thủ môn Espanyol cản được. Tan trận, tay bồng tay bế các con đi khắp khán đài, anh khóc.
Lại một ngày buồn nữa trôi qua vào năm 2010, khi anh rời cương vị HLV đội trẻ M.U để trở về quê nhà lập nghiệp. Ngày chia tay những khoảng sân tập Carrington, anh nghẹn ngào cảm ơn Cha già Sir Alex, và hứa về một ngày trở lại nơi này. Đó là lần đầu tiên sau bao nhiêu năm anh tạm biệt miền đất Thánh, để ôm ấp những giấc mơ to lớn hơn của riêng mình. Anh khóc.
Gần 5 năm trước, sau khi đoạt hết vinh quang ở quê nhà, anh đến Cardiff City để ôm mộng ra biển lớn. Chỉ hiềm sóng cả, thuyền nan, Cardiff không phải là một bến đậu đủ cho anh vùng vẫy, anh lại ra đi không kèn không trống, trở về căn cứ địa nơi anh đã đắp lũy xây thành. Lần này thì anh không khóc.
Hôm nay đây, giữa cơn nước lửa, khi người đàn ông có lá gan sư tử Mourinho cũng đầu hàng, khi Cha đã già, đồng đội xưa đã ra đi, một lần nữa anh rời chiến khu về cứu giá. Hay với những ai đã yêu anh, nói cho gần gũi, anh lại từ hàng ghế dự bị vào sân, để thay người. Và, không phụ lòng các CĐV Man United mong một bộ mặt mới như nắng hạn chờ mưa, Solsa đã khiến tất cả thỏa mãn với việc làm sống dậy tinh thần rực lửa.
Nhét Paris vào một cái chai
Cho đến trước đêm Paris mưa lạnh tháng Ba, chỉ còn rất ít người tin vào điều kỳ diệu dành cho Man United. Thất bại 0-2 trên sân nhà, đội hình sứt mẻ vắng đến 10 cầu thủ thường xuyên đá chính, Solskjaer đã bước tới Khải Hoàn Môn với đội hình què quặt đến tội nghiệp sau chuỗi hành xác ở giải Ngoại hạng Anh. Những chú nhóc tuổi chưa tròn đôi mươi được bổ sung khẩn cấp vào đội 1 và bước ra sân khấu lớn, hệt như các chiến binh áo Đỏ đứng lên từ thảm họa máy bay rơi Munich năm nào.
Đối thủ của họ, với đầy đủ binh hùng tướng mạnh, vừa xử lý xong giải quốc nội Pháp từ tháng Hai như mọi lần. Cả một rừng sao được trang bị tận răng, từ vị trí thủ môn đến nơi tiền tuyến, PSG có lẽ chỉ chờ cơ hội làm gỏi con mồi United thêm một lần nữa. Họ muốn dày vò đội bóng đáng ghét luôn là trung tâm thế giới, như cái cách kẻ phản đồ Di Maria buông lời rủa xả các CĐV năm xưa từng hết lòng ủng hộ anh ta.
Người ta đặt ra một giả thiết rằng, nên chăng United hãy buông trận đấu đã an bài đến 99% này, để trở về đua tranh Top 4. Người ta hào hứng với viễn cảnh Quỷ Đỏ cố gắng tìm kiếm một trận hòa để bảo toàn danh dự, và chờ đợi màn quyết đấu với Arsenal sau đây ba ngày. Người ta muốn một vị vua đang vong quốc phải quỳ gối như một gã ăn mày. Nhưng Solsa và những đứa con của Quỷ muốn vị vua ấy chơi như một bậc quân vương. “Chúng tôi sẽ đến Paris với niềm tin cao nhất và không còn gì để mất. CLB từng thực hiện những màn lội ngược dòng không tưởng. Mọi chuyện vẫn chưa kết thúc đâu”. Cái khẩu khí kinh thiên động địa ấy, có khác chi Sir Alex thuở nào?
Phải rồi, Ole, làm sao có thể buông súng được. Thời các bậc tiền bối của United nâng cúp vô địch C1 ở Wembley năm 1968, cái đội PSG ấy còn chưa ra đời. Thế nên, United sẵn sàng mất đi tất cả nhưng niềm kiêu hãnh phải được thắp sáng. Nhà Vua dù chết cũng không tháo khiên giáp, không buông kiếm quy hàng. Mặc kệ người Paris vây hãm, mặc kệ những siêu sao của họ đâm đầu vào đá, thành đồng đã được xây nên không chỉ bằng chiến thuật cực hợp lý, mà còn được tôi luyện bởi ý chí tuyệt vời.
Những chàng trai trẻ của Carrington, nào Rashford, nào Pereira, McTominay, rồi những cậu bé chưa đầy đôi mươi như Dalot, Tahith Chong, Greenwood lần lượt tuốt gươm ra trận, khi giờ sinh tử chiến cận kề. Manchester United của Solskjaer ngày hôm nay chưa phải mạnh nhất, nhưng mang DNA Quỷ Đỏ không hề kém cạnh các bậc đàn anh. Thô ráp mà quả cảm, nhẫn nại mà ngoan cường, khiêm nhường nhưng không kém phần lộng lẫy giữa rừng gươm đao.
Đội bóng ấy, đẹp như lời của Romelu Lukaku nói với Marcus Rashford khi số 10 mới nổi tiến lại gần đàn anh xin nhận trọng trách đá quả phạt đền quyết định phút 94: “Nhận lấy đi, đây là khoảnh khắc em trưởng thành và đi vào lịch sử. Toàn đội sẽ ở bên em”.
Và thế là, lịch sử của Manchester United đã lại có một ngày vĩ đại khác sau biết bao chiến công lừng lẫy xuyên suốt chiều dài 141 năm qua. Người Pháp có câu ngạn ngữ nổi tiếng: “Với một chữ Nếu, bạn có thể nhét Paris vào một cái chai”. Giờ thì không cần chữ "Nếu" nào cả, Manchester United đã làm được điều không tưởng đó rồi.