Mặt nạ giấy có phải là “thuốc bổ thần kì” cho làn da như chúng ta vẫn nghĩ?

Mặt nạ giấy có phải là “thuốc bổ thần kì” cho làn da như chúng ta vẫn nghĩ?
HHT - Lời đồn về câu chuyện đắp 600 chiếc mặt nạ giấy mỗi năm sẽ giúp bạn có làn da không tuổi như Phạm Băng Băng đã giúp loại mặt nạ này được săn lùng ráo riết. Nhưng nó có thực sự là "vitamin thần kỳ" cho làn da?

Giải mã 1001 hiểu lầm về mặt nạ giấy

Đắp mặt nạ càng nhiều càng tốt

SAI nhé! Diễn viên Phạm Băng Băng vừa qua đã phải lên tiếng bác bỏ thông tin rằng mình đắp 2 chiếc mặt nạ/ ngày để có làn da đẹp. Làn da cũng như cơ thể, khi đắp mặt nạ nghĩa là chúng mình đang bổ sung “dinh dưỡng” cho da nhưng nếu quá tải thì da sẽ không thể hấp thụ được, tệ hơn là gây nên bít tắc lỗ chân lông, sinh ra tình trạng viêm da, nổi mụn.

Mặt nạ giấy có phải là “thuốc bổ thần kì” cho làn da như chúng ta vẫn nghĩ? ảnh 1

Mặt nạ nào cũng tốt cho da

KHÔNG HẲN là loại mặt nạ nào cũng tốt cho da. Đầu tiên là bạn cần biết da mình đang bị vấn đề gì, cần loại mặt nạ hỗ trợ nào. Ví dụ như da vừa đi nặn mụn hay có những vết thương hở thì cần chờ da tái tạo, lành và đóng miệng các vết thương hở mới đắp mặt nạ bổ sung tinh chất.

Mặt nạ giấy hay mặt nạ rửa đều như nhau

Đáp án là SAI nhé! Mặt nạ rửa (thường là mặt nạ bùn khoáng, đất sét…) sẽ đóng vai trò như một chiếc máy hút bụi bẩn, hút hết những bụi bẩn trên làn da, thông thoáng lỗ chân lông. Còn mặt nạ giấy thường đóng vai trò như “thuốc bổ” - chuyên bổ sung dưỡng chất cho da hơn.

Mặt nạ giấy có phải là “thuốc bổ thần kì” cho làn da như chúng ta vẫn nghĩ? ảnh 2

Để mặt nạ giấy trên da càng lâu càng tốt

Lại là SAI nốt! Tụi mình thường hay nghĩ rằng càng lâu sẽ càng tốt nhưng thật ra, nếu để trên da quá lâu thì tinh chất được thẩm thấu vào làn da sẽ bị “hút ngược” vào lại mặt nạ giấy í. Thế nên tốt nhất là mình nên đọc và thực hiện theo hướng dẫn in trên sản phẩm.

Đắp xong không nên rửa đi là tốt nhất

TÙY vào lời khuyên của hãng và làn da của bạn nhé! Nếu hãng khuyên để lại đi ngủ luôn và bạn cảm thấy dễ chịu thì bạn cứ để đó. Còn nếu bạn cảm giác quá nhờn dính trên da thì sau khi gỡ đi lớp mặt nạ giấy, bạn có thể massage thêm rồi đi rửa mặt hoặc lau bớt đi lớp tinh chất. Bên cạnh mục tiêu làm đẹp thì cảm giác dễ chịu, thoải mái cũng rất quan trọng í.

Mặt nạ giấy có phải là “thuốc bổ thần kì” cho làn da như chúng ta vẫn nghĩ? ảnh 3

Bí kíp 4Đ: “Đắp đúng để đẹp” cho hội mask-aholic

1. Làm sạch rồi mới đến làm đẹp

Để da có thể hấp thụ được tốt nhất những dưỡng chất, bạn nhất định phải trải qua giai đoạn làm sạch da (rửa mặt và tẩy tế bào chết) để các lỗ chân lông thông thoáng, sạch sẽ sẵn sàng đón nhận dưỡng chất thẩm thấu vào bên trong. Nếu bạn bỏ qua bước làm sạch da mà đi thẳng đến bước bổ sung tinh chất sẽ khiến da bị ứ đọng, gây viêm tắc lỗ chân lông, gây nên tình trạng mụn, viêm da. Vừa tiền mất lại tật mang í nhé!

2. Biết da mình cần gì

Lắng nghe làn da mình cần gì để bổ sung đúng nhất cho da mau hồi phục nhé. Lưu ý là với da đang bị viêm, các loại mụn (mụn viêm, mụn mủ), đang có vết thương hở (ví dụ như vừa nặn mụn) nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng bất kì sản phẩm nào để tránh gây tổn thương thêm cho da.

Mặt nạ giấy có phải là “thuốc bổ thần kì” cho làn da như chúng ta vẫn nghĩ? ảnh 4

3. Cho làn da ăn “đủ”

Việc cho da “ăn đủ” dưỡng chất, bạn có thể đắp mặt nạ giấy 2-3 lần mỗi tuần với các chức năng khác nhau (tuỳ theo mong muốn của bạn). Chú ý là chất lượng vẫn hơn số lượng. Đừng cố đắp nhiều bằng cách đắp các mặt nạ không rõ nguồn gốc làm hại da, bạn nhé!

4. Lắng nghe phản ứng của làn da

Mọi lời khuyên, review đều không chính xác bằng những gì mà da bạn “nói” cho bạn nghe. Hãy tin tưởng vào phản ứng của làn da và dừng lại khi da “biểu tình”. Đừng cố đắp khi nghe review tốt dù làn da phản đối, vì mỗi người sẽ có một mức độ phù hợp khác nhau í.

A SLICE OF SUMMER

MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm