Định nghĩa sức hút từ góc nhìn của “dân sale”
Là một “dân sale” (người bán hàng) giỏi, khó nhất không phải ở món hàng giá tiền cao khó bán, mà là nói đúng nhu cầu của khách một cách tinh tế. Họ biết người mua cần gì, cần mang lại giá trị gì cho người đó. Quay lại với công việc làm nghệ thuật. Đích đến cuối cùng của mỗi nghệ sĩ vẫn là khả năng thu hút được khán giả, thuyết phục họ mua tài năng của mình, để nghệ sĩ có lợi nhuận mà làm dự án sau tốt hơn trước. Nếu tính theo tiêu chí của người làm sale, showbiz Việt đang thật sự đi ngược.
Thứ nhất, mỗi tháng có hàng chục sản phẩm tiêu tốn tiền tỷ mà không muốn đem bán, chỉ muốn phân phát miễn phí khắp mọi nơi, càng nhiều càng tốt (?!). Sau đó, sự nổi tiếng trên mạng được dùng để đi chạy sự kiện, đóng quảng cáo để kiếm lại tiền. Cuối cùng, thứ cần bán chỉ làm bàn đạp cho những nguồn thu ngắn hạn.
Thứ hai, nhiều người làm nghề đang tự nói về mình quá nhiều. Đời tư, tình cảm, đủ trò. Dù có rơi bao nước mắt, đó vẫn chỉ là chuyện phiếm đầu môi, không phải để đọng lại. Cuối cùng, khán giả dù có được rỉ tai trăm “chuyện hậu cung” thì nghệ sĩ vẫn không có thêm chỗ đứng trong tim.
Thứ ba, mối quan hệ giữa nhiều nghệ sĩ và fan đang ở trạng thái “đường hai ngả, người thương thành lạ”. Các sản phẩm nghệ thuật không đủ sức nuôi dưỡng được sự hâm mộ bền vững. Hôm nay, bạn có thể thích người này, ngày mai hoàn toàn có thể phải lòng một người khác. Trong bán hàng, đây là kiểu chỉ có khách vãng lai mà không có khách hàng trung thành. Khán giả không có lỗi, lỗi là ở chỗ nghệ sĩ không đủ sức hút để bán được một thứ sản phẩm “20 năm vẫn chạy tốt”.
Là khách hàng, hay nhãn hàng?
Vì sao gần hai thập kỷ qua, Mỹ Tâm vẫn bán được vạn đĩa? Vì sao Thanh Hằng làm vơ-đét hàng trăm sàn diễn vẫn chưa tìm được "truyền nhân"? Vì sao Sơn Tùng M-TP cứ ra MV là cầm chắc hàng triệu lượt xem? Vì sao Tăng Thanh Hà ở nhà chơi với con suốt bao năm vẫn được mong ngóng trở lại màn ảnh? Vì sao khán giả yên tâm, tự hào khi thấy tên của Tóc Tiên, Đông Nhi, Noo Phước Thịnh trong danh sách nghệ sĩ trình diễn tại các sự kiện quốc tế như MAMA, Asian Festival Song?
Sức hút chỉ thật sự có khi bạn bước vào giai đoạn dù có ngồi yên vẫn có hàng ngàn người mong bạn (phải/ hãy) làm một cái gì đó đi. Lý do để một số ví dụ trên còn “mãnh lực” đến từ việc họ “bán” đúng những gì liên quan đến nghề nghiệp, cho khán giả thứ cảm giác cung-cầu-hòa-hợp. Ca sĩ thì bán âm nhạc, người mẫu bán khí chất, diễn viên bán thần thái.
Công bằng mà nói, hướng đi dùng công việc để làm bàn đạp đóng quảng cáo, tham gia event, như kiểu một số nghệ sĩ hiện nay, vẫn là một chiến lược có giá trị. Điểm hạn chế là họ đang đặt mình vào thế ít đột phá, tạm thời. Câu chuyện rủi ro mà ai cũng có thể thấy được: Sớm muộn nhãn hàng cũng đổi người đại diện, nhưng tài năng ghi dấu ấn trong lòng công chúng thì khó thay thế.
Trong khi đó, nghệ sĩ có sức hút thường có những cuộc đầu tư lớn và dài hạn cho sự nghiệp. Lớn đủ để cho thấy họ thật sự yêu nghề và tâm huyết với sản phẩm đúng chuyên môn của mình. Mỹ Tâm vẫn chưa ngừng “hot” vì cô thật sự nghiêm túc bỏ công sức rất nhiều cho sự nghiệp âm nhạc. Tóc Tiên, hoàn toàn có thể theo đuổi vị trí “nữ hoàng quảng cáo” tiếp theo (nhưng may mắn là vẫn cân bằng tốt sức hút trên lĩnh vực âm nhạc). Từng có quan điểm cho rằng nghệ thuật và tiền bạc khó đứng chung. Nhưng sức hút chính là cụm từ tổng hòa của cả hai yếu tố trên.
Cuộc đào thải những ngôi sao yếu ớt
Vừa qua, các bảng xếp hạng âm nhạc có nhiều ca khúc từ các nghệ sĩ mới như Phương Ly, JSOL, Xesi, Masew, Jaykii... (và sẽ còn nối dài thêm). Chưa bàn đến là họ có chiến lược sự nghiệp ra sao, chúng ta thấy được khán giả vẫn đòi hỏi ở nghệ sĩ một sản phẩm thật sự chạm đến cảm xúc. Chỉ cần khán giả cảm được, một cái tên vô danh vẫn có thể sở hữu hàng chục triệu lượt xem. Với thế hệ Z, ngoài tài năng, họ còn lớn lên trong môi trường đã chứng minh xì-căng-đan chỉ "cầm hơi" tên tuổi, muốn tiến xa hơn, năng lực là tất cả. Nghệ sĩ trẻ với sức hút tự thân đang dần “thay máu” các nghệ sĩ truyền thống bởi sự phát triển mạng xã hội. Họ không cần tiền PR khủng, họ không cần lệ thuộc vào các mối quan hệ sẵn có, ông này bà nọ, tạo scandal mà vẫn có chỗ đứng rất riêng.
Hãy nghĩ đến ngày mà Facebook hay YouTube thu tiền để các nghệ sĩ mạng xã hội trình diễn, nhạc bắt buộc phải mua, bạn sẽ thấy sự đào thải khủng khiếp của dàn “sao” Việt thời điểm này ra sao. Tất cả mọi thứ đến một lúc cũng trở về giá trị thật. Và khi ấy, muốn trở lại con đường chính thật không dễ. Từ xấu thành đẹp rất dễ, từ không ai biết thành tai tiếng vẫn dễ. Thế nhưng từ hát dở thành hát hay lại là cả quá trình, diễn xuất cũng vậy. Cuộc thanh trừng nghệ thuật đang diễn ra âm thầm mà lại rất nhanh chóng.
Đến một lúc nào đó, cơn ác mộng sẽ chính thức bắt đầu khi công chúng không còn thấy bạn đóng góp gì cho cuộc sống của họ nữa. Nói cách khác, lực hút của bạn quá yếu ớt để giữ chân người. Giống như thông điệp trong phim hoạt hình Coco vậy: Một người sẽ thật sự chết nếu không còn ai nhớ đến họ nữa. Nhưng một người cũng có thể sống lại nếu họ mang đến những cảm xúc thấm đậm tim gan của người khác. Giá trị nghệ thuật chân chính rồi cũng được trả lại đúng vị trí. Dù có như danh ca Ernesto de la Cruz hào nhoáng, đủ chiêu trò, nhưng đó là thứ hào quang đánh cắp, chắp vá, rốt cuộc vẫn phải nhường lại cho một người đàn ông Héctor vô gia cư bé nhỏ ở xứ sở linh hồn.
KoKo - Ảnh: Tổng hợp từ nhiều nguồn