Hình ảnh những đứa trẻ còn đang tuổi bế bồng đã phải theo cha mẹ lặn lội mưu sinh bên những gánh hàng rong hay cạnh xe rác, lề đường,... thực sự đã lấy cạn nước mắt của biết bao người.
Mới đây, cộng đồng mạng tiếp tục chia sẻ hình ảnh của một em bé còn ẵm ngửa nằm ngoan ngoan trong chiếc xe đẩy hàng của mẹ, khiến người xem không khỏi chạnh lòng.
Vẫn như thường lệ, vào một buổi sáng bình yên bắt đầu cho ngày mới bận rộn, những bé con vừa mới lọt lòng lại được vươn mình trong nắng sớm hay vô tư nằm trong lòng mẹ nhâm nhi bình sữa. Ấy vậy mà ở đâu đó, có một hình hài nhỏ xíu kia đang nằm gọn trong chiếc xe đẩy hàng của mẹ, ngoan ngoãn để mẹ bán hàng.
Em bé còn tuổi ẵm bồng đang nhìn mẹ với ánh mắt chờ đợi một cái ôm thật ấm áp. Điều gì khiến chị vừa sinh con chưa lâu đã phải hối hả với nhịp sống để mưu sinh? Sao chị phải mang đứa nhỏ đi cùng theo như thế? Rồi biết bao hiểm nguy đang rình rập có thể xảy đến với đứa con thơ? Chồng của chị đâu? Gia đình của chị ở đâu?
Những câu hỏi câu hỏi không lời đáp vô tình thổn thức trong trái tim của biết bao người. Vì cuộc sống mưu sinh này mà em cũng phải vất vả theo mẹ. Nhưng chỉ cần thấy con lớn lên từng ngày, vất vả mấy mẹ cũng cam lòng.
Hình ảnh được chụp trên một đoạn đường gần cầu Rạch Ngỗng, Cần Thơ, người mẹ trẻ bán xúc xích với giá 6 ngàn đồng vẫn đang cố gắng từng ngày để đủ tiền mua sữa cho con. Chẳng có ai biết được đằng sau những tấm hình chụp vội trên đường có câu chuyện gì? Nhưng chắc chắn rằng, bất cứ ai lướt qua cũng thấy lòng trùng xuống bởi tình mẫu tử thiêng liêng.
Hình ảnh xúc động về tình yêu thương cao cả đã thực sự thu hút sự chú ý từ phía cộng đồng mạng. Chỉ sau vài giờ đăng tải, những tấm hình đã thu hút hàng ngàn người quan tâm, bình luận, chia sẻ trên mạng xã hội. Những lời bình luận đầy thương cảm, động viên có, trách móc hay nhắc nhở người mẹ cũng có nhưng suy cho cùng, tất cả đều bắt nguồn từ tình yêu thương mà thôi.
Bạn thấy không, đâu đó quanh ta còn những mảnh đời bất hạnh như vậy. Vì cuộc sống đầy rẫy lo toan, những đứa trẻ đang tuổi ẵm bồng vẫn phải theo cha mẹ ra đường lo từng miếng cơm manh áo hàng ngày.
Có lẽ, phía sau màn hình điện thoại là những giọt nước mắt đã rơi. Nước mắt của những người vì thấy cảm thương, vì thấy nhói lòng, hoặc vì thấy đâu đó trong tấm ảnh kia bóng dáng của chính mình cùng mẹ, cùng cha hoặc cùng đứa con thơ… mưu sinh giữa cuộc đời rộng lớn.