Méo mặt chi cả chục triệu mỗi tháng cho con đi học thêm tối ngày

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Vừa vào đầu năm học mới, nhiều phụ huynh đã nhanh tay đăng ký các lớp học thêm kín tuần cho con với mong muốn kết quả học tập cao hơn và trên hết đạt mục tiêu chuyển cấp thành công.

Cả tuần đi học thêm

Chồng bận sớm tối vì công việc, chị Nguyễn Thị Linh (Hai Bà Trưng, Hà Nội) làm công việc tự do để vừa quán xuyến gia đình vừa lo cho việc học của con. Thay vì sau giờ học dạy con học, chị nhờ một giáo viên ở trường công lập cứ sau giờ học chính khóa ở trường là dạy ba con, đứa lớn đang học lớp 7, đứa nhỏ lớp 6 và lớp 4.

Vậy là, sau 17h được đón từ trường về, chị đưa 3 đứa con chị cắp sách sang nhà cô giáo học thêm cách nhà chỉ hơn 1km. Cô sẽ áp sát ba chị em làm bài tập trên lớp. Ngày nắng cũng như ngày mưa, ngày nào chị cũng đưa con đi học. Trung bình mỗi tháng gia đình chị chi khoảng trên dưới 10 triệu đồng tiền học thêm cho ba con, chủ yếu các môn Toán, Văn, Anh.

Chị Linh cho biết, dù 3 con chị học ở trường song ngữ, hàng năm chi cho ba con đã trên 600 triệu đồng vẫn chưa đủ yên tâm. Nhưng để chắc kiến thức, chị vẫn phải đưa con đi học thêm.

“Nếu không cho đi học thì ở nhà con trầy trật làm bài đến 10h tối chưa xong. Vì thế, ngày nào sang cô giáo cũng đến hơn 7h là xong hết. Tốn cả thêm chục triệu mỗi tháng nhưng về nhà con chỉ việc tắm rửa, ăn cơm đỡ hơn bao nhiêu”- chị Linh chia sẻ.

Năm nay, con chị Đỗ Thị Minh (44 tuổi, Hoài Đức, Hà Nội) vào lớp 8. Ngay từ hè năm lớp 7, xác định cho con sẽ thi lớp 10 vào một vài trường chuyên ở Hà Nội nên ngay từ hè chị đã đăng ký cho con đi học thêm ở gần trường THCS Ngoại ngữ và THPT chuyên Sư phạm.

“Dù học phí không quá đắt nhưng một năm gia đình cũng phải chi cho 3 môn khoảng 50 triệu. Chưa kể tiền bắt xe đi từ ngoại thành vào trong nội thành để học, cha mẹ bỏ công bỏ việc nữa nên cũng xác định tốn kém”- chị Minh chia sẻ.

Dù đã cho con đi học thêm cả các trung tâm ôn luyện ở ngoài nhưng không yên tâm, buổi chiều phụ huynh còn vẫn phải đăng ký cho con tham gia lớp học thêm các môn tại nhà cô giáo chủ nhiệm, hoặc ở trường.

“Dù tiền học ở quê không quá nhiều và ở trường đóng cả năm chỉ vài triệu đồng nhưng với cứ học thêm nhiều như thế này tôi sợ con tẩu hỏa nhập ma mất. Không cho học thêm thì lo lắng, cho học nhiều thì con không có thời gian vui chơi”- chị Minh chia sẻ.

Chị Lương Thị Hoa (Láng Hạ, Hà Nội) cũng vừa phải xuống tay chi gần 100 triệu ngay từ đầu năm để đóng tiền học thêm tiếng Anh ở trung tâm, tiền học gia sư tại nhà môn Toán, môn Ngữ văn.

“Thấy con bảo các bạn ở lớp học 2,3 nơi khác nhau nên sốt ruột phải cho con học thêm. Riêng tiền toán, tiếng Việt học gia sư tại nhà đã 400.000 đồng/ buổi”- chị Hoa chia sẻ.

Giáo viên, hiệu trưởng nói gì về dạy thêm?

Bước vào đầu năm học, nhiều địa phương như Nam Định, Phú Thọ, Nghệ An,... yêu cầu các trường dừng dạy thêm, học thêm, dạy liên kết với trung tâm bên ngoài dưới mọi hình thức.

Trước đó, Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu nhà trường không tổ chức dạy thêm, học thêm dưới bất kỳ hình thức nào; không tổ chức dạy trước chương trình, ôn tập, luyện thi, kiểm tra, khảo sát để xếp lớp năm học 2023 – 2024.

Bà N.T.N.M, hiệu trưởng một trường THCS ở Hà Nội cho biết, thực tế, học thêm không phải là xấu nếu có mục đích là nâng cao kiến thức còn thiếu hụt.

“Học thêm đang bị đẩy quá khi phụ huynh quá kì vọng vào việc đi học thêm sẽ làm cho con họ giỏi. Tôi đã từng thấy có phụ huynh một môn cho con đi học ở hai, ba nơi khác nhau. Học thêm vừa đủ thì tốt chứ học thêm nhiều thì sẽ gây hại, học sinh sẽ không còn thời gian tự học ở nhà, tự suy nghĩ và sau dần dần sẽ ỉ lại phải có giáo viên hướng dẫn”- vị hiệu trưởng này cho hay.

Vậy có nên cho con học thêm tối ngày?, TS. Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT cho rằng, vấn đề dạy thêm cần căn cứ theo nhu cầu người học. Học sinh khá giỏi và điều kiện kinh tế tốt thì người ta có nhu cầu để học tốt hơn nữa, học sinh yếu cũng cần kèm thêm để nâng cao thành tích học tập... Như vậy thì nên học. Còn không nên để giáo viên ép buộc học sinh của chính mình học thêm bất đắc dĩ dưới nhiều hình thức...

TS Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên trường ĐH Sư Phạm cho rằng, học sinh tiểu học thì chưa nên đi học thêm các môn văn hóa. Với học sinh THCS thì ở lớp đầu cấp cũng vậy. Còn các lớp sau có thể cho đi học thêm vào các đợt thi nhưng nên phải tiết chế.

Vì theo bà Hương, học thêm mất rất nhiều thời gian và công sức của trẻ. Có bạn học thêm quá nhiều nên não có hiện tượng đơ. Có lúc ngồi cả tiếng không nghĩ ra được bất kể chữ gì để viết.

Các bạn bị mất thời gian tự học, tự tìm lỗi sai, tự sửa sai. Vì thế nhiều bạn đi học thêm nhiều nhưng kết quả không như mong muốn.

Bà Hương chỉ một thực tế, học sinh Việt Nam không hề được hướng dẫn cách tự học để tự tìm kiến thức bổ sung cho chương trình phổ thông. Giáo viên và phụ huynh Việt Nam lại nhầm lẫn giữa bài tập và kiến thức. Bài tập chỉ để học sinh hiểu sâu hơn kiến thức

“Nhưng ở Việt Nam, bài tập là thước đo đánh giá học sinh dẫn tới việc cả xã hội tin rằng phải làm nhiều bài tập mới giỏi”- bà Hương nêu quan điểm.

MỚI - NÓNG
Hệ thống giao dịch mới 'lỡ hẹn' tác động sao tới chứng khoán?
Hệ thống giao dịch mới 'lỡ hẹn' tác động sao tới chứng khoán?
TPO - Thanh khoản sụt giảm, nhà đầu tư tiếp tục thận trọng sau kỳ nghỉ lễ. Không còn kỳ vọng giao dịch bùng nổ từ việc vận hành hệ thống mới, thực tế KRX thêm lần lỡ hẹn gây thất vọng với thị trường. Trong khi đó, nhóm ngành điện, bất động sản khu công nghiệp bất ngờ giao dịch tích cực.