Miền Tây quay quắt giữa hạn mặn, bài 2: Mặn và khát

0:00 / 0:00
0:00
TP - Khi độ mặn lấn sâu trên các sông miền Tây, cống đóng để ngăn mặn từ biển vào nội đồng, nước trong kênh rạch nội đồng mất nguồn cung, chịu nắng nóng kéo dài cũng cạn khô. Nước máy một số khu vực cũng bị nhiễm mặn khiến tình trạng thiếu nước ngọt sinh hoạt trở nên gay gắt.

Mua nước ngọt hòa với nước máy

Một buổi trưa cuối tháng 2, giữa cái nắng gay gắt, ông Trần Văn Vũ (ấp 3, xã Bình Thới, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre) xịt nước lên vỉa hè đang thi công để giảm bụi, giảm nóng rát. “Mấy ngày nay nước máy đã bắt đầu cứng (bắt đầu lợ, mặn - PV). Nước máy giờ chỉ dùng để tắm giặt hằng ngày, còn ăn uống phải mua nước bình”, ông Vũ nói. Từ đầu mùa khô, gia đình ông Vũ và nhiều hộ dân khác phải trả 2 loại tiền nước, nước máy giá 10.000 đồng/m3 chỉ tắm giặt, còn nước ngọt cho ăn uống mua từ xà lan chở từ thượng nguồn về với giá 100.000 đồng/m3.

Miền Tây quay quắt giữa hạn mặn, bài 2: Mặn và khát ảnh 1

Kênh, rạch ở huyện Long Phú, Sóc Trăng cạn trơ đáy.

Để ứng phó mỗi mùa hạn, gia đình ông Vũ cũng như nhiều hộ dân ở đây trang bị thêm đủ loại lu vại, bình chứa trữ nước ngọt dùng ăn uống khi mùa khô tới nước máy cũng nhiễm mặn. “Nước sông đã mặn chát, nước máy cũng đã mặn lên, sinh hoạt rất khó khăn, phải chắt chiu từng giọt nước ngọt”, bà Nguyễn Thị Út (thị trấn Bình Đại, huyện Bình Đại) nói khi đang giặt đồ, cố sao tiết kiệm nước nhất có thể.

Đến huyện Thạnh Phú của tỉnh Bến Tre, nơi cũng đang gặp khó về nước ngọt sinh hoạt. Bà Nguyễn Thị Nga (56 tuổi, ấp Thạnh B, xã Tân Phong) đang mua nước ngọt với giá 100.000 đồng/m3 để nấu ăn, do nước máy cũng nhiễm mặn. Để có thêm lượng nước ngọt phục vụ sinh hoạt, giảm lượng nước mua giá cao từ xà lan, bà Nga hòa 2 loại nước trên với nhau cho bớt mặn dùng tạm. “Hôm nào gió lặng còn đỡ, gặp gió chướng thổi nhiều, nước mặn chát. Nước do nhà máy cung cấp cũng lấy nguồn từ sông, nên nước sông bị mặn nước máy cũng mặn không thể tắm rửa hay nấu ăn được. Nước bắt đầu bị mặn từ trước Tết, và ngày càng mặn hơn, mấy năm trước nước bị nhiễm mặn kéo dài đến tận tháng 4, 5 - khi có mưa mới hết”, bà Nga chia sẻ.

Miền Tây quay quắt giữa hạn mặn, bài 2: Mặn và khát ảnh 2

Người dân Bến Tre chắt chiu từng giọt nước ngọt để sinh hoạt, khi nguồn nước máy đều đã nhiễm mặn.

Cách huyện Thạnh Phú của Bến Tre (cửa sông Cổ Chiên) hơn 100km, ông Nguyễn Văn Buôl (ấp Hòa Hưng, xã Long Đức, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng) lom khom trong vườn hái chanh. Cách đây non chục năm, gia đình ông trồng hơn 1ha nhãn, đợt hạn mặn lịch sử mùa khô 2015-2016 đã khiến vườn nhãn của ông chết dần. Rút kinh nghiệm từ vụ đó, để “chắc ăn”, ông Buôl cải tạo đất trồng nhiều loại cây ăn trái như mít, chanh, ổi… “Trước Tết, tôi nghe thông tin dự báo mặn có thể xâm nhập vào nội đồng nên chủ động trữ nước ngọt trong mương để tưới cây. Dù vậy, nắng nóng kéo dài làm nước bốc hơi nên cũng cạn dần, giờ phải tưới nhỏ giọt, cầm chừng, tới đâu hay tới đó”, ông Buôl nói.

Để ngăn nước mặn xâm nhập nội đồng, ảnh hưởng sản xuất và sinh hoạt của người dân, hệ thống cống Cái Lớn - Cái Bé (Kiên Giang) đã hoàn thành xây dựng đưa vào vận hành. Đây là công trình thủy lợi lớn nhất miền Tây. Vào mùa khô, khi triều lên đẩy nước mặn từ biển Tây vào sông vượt ngưỡng, hệ thống cửa cống sẽ được đóng chờ triều xuống mở lại.

Ông Lê Tường Minh, Phó Giám đốc Chi nhánh ĐBSCL (Cty TNHH MTV khai thác Thuỷ lợi Miền Nam - đơn vị vận hành cống Cái Lớn - Cái Bé) cho biết, dự báo tình hình xâm nhập mặn mùa khô năm nay trên sông Cái Lớn, Cái Bé ở mức cao hơn trung bình nhiều năm và kết thúc muộn hơn. Dự báo trong tháng 3/2024 xuất hiện 2 đợt triều cường, mỗi đợt kéo dài từ 3-5 ngày, có thể phải đóng cống để ngăn mặn. “Ngoài đợt triều cường, các ngày khác trong tháng, tuỳ theo tình hình khí tượng thuỷ văn, diễn biến xâm nhập mặn, cống Cái Lớn sẽ vận hành linh hoạt từ 5 -7 cửa van cống, tối đa 9 cửa. Cống vận hành đảm bảo sản xuất, sinh hoạt của người dân trong vùng”, ông Minh thông tin.

Khép kín nội đồng

Miền Tây quay quắt giữa hạn mặn, bài 2: Mặn và khát ảnh 3

Ông Trần Văn Vũ (Bình Đại, Bến Tre) dùng nước máy tưới đường cho giảm nhiệt khi nước đã nhiễm mặn, không còn dùng để ăn, uống được nữa.

Lãnh đạo Sở NN&PTNT Sóc Trăng dự báo, địa phương có khả năng cao bị ảnh hưởng của xâm nhập mặn vào mùa khô năm, tập trung ở các huyện Trần Đề và Long Phú, với diện tích gần 40.000ha lúa. Các vùng còn lại có đê bao và cống ngăn mặn, trữ nước ngọt, nhưng nguy cơ hàng chục nghìn hécta cây trồng bị ảnh hưởng nếu nắng hạn kéo dài và xâm nhập mặn diễn ra gay gắt. Những ngày qua, độ mặn theo sông Hậu xâm nhập gần 50km vào địa bàn tỉnh, đe dọa một số vùng chuyên trồng cây ăn trái.

Ông Lách Phà Rích, Trưởng Trạm Quản lý thủy nông huyện Long Phú (tỉnh Sóc Trăng) đã ghi nhận tình hình mặn đang tăng. Có thời điểm độ mặn cao nhất đo được lên tới 12 gam/lít (12‰)

%). “Toàn huyện có trên 30 cống ngăn mặn, trong đó có 14 cống lớn và 16 cống nhỏ đều đóng để ngăn mặn theo nước sông vào nội đồng. Đơn vị cử nhân viên trực đo mặn 4 lần/ngày, kết quả đo được cập nhật liên tục tới người dân để kịp thời nắm và dùng nước sản xuất phù hợp”, ông Rích nói.

Tại Bến Tre, toàn tỉnh dự kiến có gần 1.700 cống ngăn mặn, tất cả đều đã đóng và một số cống đang gấp rút xây dựng. Ông Lê Minh Truyền, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình NN& PTNT tỉnh Bến Tre cho biết, sau đợt hạn mặn khốc liệt năm 2019-2020 đến nay, tỉnh Bến Tre đã xây dựng gần 50 cống, đập ngăn mặn.

Tại Hậu Giang, nước mặn theo thủy triều biển Tây xâm nhập vào địa bàn huyện Long Mỹ và TP Vị Thanh, có thời điểm độ mặn lên hơn 7‰. Ông Lê Hồng Việt - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Long Mỹ cho hay, địa phương đã đóng nhiều cống để ngăn nước mặn xâm nhập vào nội đồng. Khi độ mặn trên các sông vượt mức 1,5 ‰ các cống sẽ đóng. Địa phương cũng lên phương án đắp đập thời vụ ngăn mặn khi cần thiết.

Gia đình ông Đặng Văn Hiếu (ấp 6, xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang) có hơn 1ha lúa Đông Xuân đang giai đoạn trổ bông. Ông thường xuyên cập nhật thông tin xâm nhập mặn của địa phương thông báo để có giải pháp sớm. Còn ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang thông tin, công tác dự báo, đo độ xâm nhập mặn cần được thực hiện tốt. Từ dữ liệu quan trắc và dự báo, chính quyền các cấp kịp thời có giải pháp, người dân cũng biết chủ động ứng phó.

Trước tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn khu vực Đồng bằng sông Cửu Long ngày càng gay gắt, Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa có Công điện 19/CĐ-TTg, chỉ đạo các bộ ngành, địa phương chủ động giải pháp ứng phó thiếu nước, xâm nhập mặn, đảm bảo kịp thời, hiệu quả. Đặc biệt, các tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh cần chủ động bố trí nguồn lực, phương tiện… đảm bảo nước ngọt cho sinh hoạt và sản xuất của người dân; kiên quyết không để người dân bị thiếu nước sinh hoạt hoặc phải sử dụng nước sinh hoạt không bảo đảm chất lượng. Thủ tướng cũng yêu cầu các Bộ: TN&MT, NN&PTNT, Xây dựng và các bộ ngành khác phối hợp địa phương ứng phó với nguy cơ thiếu nước, xâm nhập mặn, bảo đảm đời sống người dân theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

(còn nữa)

MỚI - NÓNG