Tàu Ever Given khổng lồ đã rời đi, kênh đào Suez đã được mở lại. Mặc dù sẽ còn cần nhiều ngày để dọn dẹp kênh đào, nhưng những con tàu đầu tiên đã được đi qua, nhằm dần giải phóng điểm “tắc đường”.
Và người thắng cuộc chính là…
…Con tàu mang tên YM Wish. Thật tình cờ khi nó tên là “điều ước”, bởi việc kênh đào được mở trở lại và tàu bè lại có thể đi qua đúng là một điều ước đối với rất nhiều người trên khắp thế giới.
Tàu YM Wish trở thành "người thắng cuộc" do là con tàu đầu tiên đi qua kênh đào Suez sau khi Ever Given rời đi. Ảnh: Khaled Elfiqi/ EPA/ Shutterstock. |
Đúng ra, YM Wish sẽ nhẹ nhàng đi qua kênh đào Suez mà chẳng được ai chú ý đến, như tất cả những con tàu khác. Nhưng chính vì vụ chắn đường của tàu Ever Given mà giờ YM Wish lại được tất cả mọi người… chúc mừng.
YM Wish là con tàu container mang cờ Hong Kong, dài 367 mét, tức là cũng ngang ngửa Ever Given. Nó đi qua kênh đào và hướng về phía Biển Đỏ.
Tuy không gây sự cố gì ở kênh đào Suez, nhưng do nhận được sự nổi tiếng ngoài ý muốn, nên YM Wish lại bị nói rằng nó cũng chẳng nên hả hê nhiều, vì hóa ra chính YM Wish cũng từng rơi vào tình trạng… y như Ever Given.
Tàu Ever Given được đưa tới Hồ Great Bitter để kiểm tra. Ảnh: Getty Images. |
Theo Vessel Finder thì 6 năm trước, tàu YM Wish cũng mắc cạn ở sông Elbe tại Đức. Thật trùng hợp, sông Elbe cũng chính là nơi tàu Ever Given từng gây tai nạn vào năm 2019, khi đó, con tàu này có vụ va chạm với một chiếc phà, nhưng không dừng lại sau tai nạn mà cứ thế đi tiếp. Tuy nhiên, khi YM Wish mắc cạn thì người ta chỉ mất chưa đến một ngày để giải cứu nó.
Tàu Ever Given hết mắc cạn, được một đội tàu kéo đi ra chỗ khác. Ảnh: Reuters. |
Dù sao, YM Wish cũng đã đi qua kênh đào Suez và mọi người đã có thể thở phào. Dự kiến trước mắt sẽ có khoảng 100 tàu được cho phép đi qua kênh đào mỗi ngày. Vậy tức là cũng phải mất vài ngày để điểm “tắc đường” được giải tỏa hoàn toàn, vì đã có đến hơn 400 tàu đang chờ ở thời điểm trước khi Ever Given rời đi.
Nhiều tàu phải chờ đợi khi chưa được vào kênh đào Suez. Ảnh: AP. |
Ông Osama Rabie, người đứng đầu Cơ quan Quản lý Kênh đào Suez, gọi chiến dịch “giải cứu kênh đào Suez” vừa rồi là “phá kỷ lục” về mặt thời gian, và tuyên bố rằng việc này mà xảy ra ở bất kỳ nơi nào khác trên thế giới thì sẽ phải mất đến… 3 tháng.