Mở lại chợ để hết cảnh 'bán lén, mua chui'

0:00 / 0:00
0:00
TPHCM muốn mở lại chợ truyền thống đã tạm ngưng hoạt động
TPHCM muốn mở lại chợ truyền thống đã tạm ngưng hoạt động
TPO - Đề xuất khôi phục lại chợ truyền thống mới đây của UBND TPHCM khiến nhiều người phấn khởi, bởi không chỉ giải quyết nhu cầu thực phẩm của dân mà còn tạo phương tiện sinh kế cho tiểu thương.

“Ngóng” chợ

Sáng 12/8, trên đường An Dương Vương (P.16, Q.8), nhiều quầy hàng “chui” bán đủ loại rau củ, trái cây, thịt gà, heo… phục vụ khách mua. Các quầy hàng này đều ngụy trang bằng cách mở hé cửa, bố trí người ngồi phía trước để bán hàng cho khách. Trên vỉa hè, nhiều xe máy chở theo rau trái, cá… bán “di động”, và sẵn sàng… chạy khi có lực lượng kiểm tra.

“Biết bán “chui” thế này là không đúng nhưng không còn cách nào khác. Trước tôi có sạp hàng trong chợ Phú Định (Q.8), nhưng từ lúc phong tỏa đến nay vẫn chưa mở lại. Vì vậy tôi thuê điểm bán hàng để kiếm thêm thu nhập qua ngày” – bà T. (bán rau, trái cây) thổ lộ.

Tại cư xá Phú Lâm (Q.6) cũng có nhiều quầy hàng bán thực phẩm “mở lén” để phục vụ người dân. “Tôi ngóng chợ mở lại từng ngày nhưng chưa thấy động tĩnh gì, trong khi nhu cầu khách hàng thì cao, bởi không phải ai cũng có đủ điều kiện để vào siêu thị mua sắm” – bà Lan (bán thịt) nói.

Mở lại chợ để hết cảnh 'bán lén, mua chui' ảnh 1

Không còn chợ, nhiều người mua bán "lén" trong thời gian giãn cách

Không còn chợ dân sinh, siêu thị lại xa nhà, chị Thu Hương (ngụ Q.5) đều phải nhờ “chợ mạng” khi muốn mua thực phẩm. Một lần, chị tình cờ vào một shop online trên Facebook đang livestream giới thiệu thịt, cá, mực… tươi ngon, giá khá mềm nên liên hệ đặt hàng.

“Khi nói chuyện, người này cho biết làm ăn rất uy tín nên khách cứ yên tâm; đồng thời yêu cầu tôi chuyển 1 triệu đồng vào tài khoản, nội trong 3 ngày hàng sẽ giao tận nơi. Nhưng chờ hoài không thấy, tôi liên hệ lại thì mới hay Facebook của mình đã bị chặn” – chị Hương than thở.

Nhiều người mua hàng trên chợ mạng than trời khi nhiều loại thực phẩm bị đẩy giá rất cao. “Một số thực phẩm như cá, mực trên chợ mạng có giá cao gấp 2-3 lần, cụ thể như cá điêu hồng trước đây chỉ 50.000 đồng/kg, nay đã vọt lên cả trăm ngàn đồng/kg; tôm, mực kích cỡ cùng loại chị mua giá 160.000-220.000 đồng/kg, nay tăng lên 290.000-350.000 đồng/kg… Người bán lý giải do khâu vận chuyển chi phí cao, hàng từ các tỉnh về ít nên giá thành đội lên” – anh Thanh (ngụ Q.7) nói.

Mở chợ không khó, nhưng…

Mới đây, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Phan Thị Thắng có văn bản khẩn yêu cầu Sở Công Thương TP khẩn trương cùng các địa phương nghiên cứu giải pháp tổ chức lại các điểm bán lương thực, thực phẩm thiết yếu tại những chợ truyền thống đang tạm ngưng hoạt động hoặc hình thành các điểm bán nhỏ cung ứng mặt hàng tươi sống.

Trước đó, ngày 19/7, TPHCM cũng đã có công văn về việc tổ chức chợ truyền thống hoạt động trở lại trong điều kiện đảm bảo an toàn. Từ đó đến nay chỉ có 18 chợ mở lại. Tuy vậy, vẫn còn 197 chợ truyền thống và 3 chợ đầu mối vẫn chưa đủ điều kiện hoạt động trở lại. Một số ban quản lý chợ đã trình phương án tái mở cửa chợ hoặc bố trí địa điểm phù hợp để tổ chức bán hàng cho chính quyền địa phương nhưng chưa được chấp thuận.

Mở lại chợ để hết cảnh 'bán lén, mua chui' ảnh 2

Chợ "dã chiến" là mô hình chợ Bình Thới (Q.11) triển khai khi mở cửa hoạt động trở lại

Báo cáo nhanh của các quận, huyện, TP Thủ Đức về tình hình tổ chức lại các điểm cung ứng hàng hóa (chủ yếu là lương thực, thực phẩm thiết yếu) cho thấy tính hiện tại, Thành phố có thêm 3 chợ truyền thống khôi phục hoạt động để cung cấp các mặt hàng lương thực, thực phẩm tươi sống; nâng số chợ đang hoạt động trên địa bàn lên 37/234 chợ truyền thống.

Theo đại diện Ban quản lý (BQL) tại một chợ ở quận 3, mở lại chợ không khó, nhưng khó là làm cách nào để bảo đảm an toàn, không để xảy ra tình trạng “mở rồi lại đóng”. “Tất nhiên có thêm nhiều chợ được mở sẽ giảm tải áp lực hàng hóa lên kênh siêu thị, người dân cũng “dễ thở” hơn khi mua sắm. Tuy nhiên nếu mở lại chợ, BQL phải là người chịu trách nhiệm và phải được sự ủng hộ của chính quyền địa phương” – vị này cho hay.

Ông Nguyễn Bá Tùng – Trưởng BQL chợ Bình Thới (Q.11) cho rằng, chợ đã áp dụng rất nhiều cách để phòng dịch như kinh doanh kiểu “dã chiến” ngoài trời, bán hàng combo; tổ chức xe lưu động bán hàng tận khu dân cư... “Chúng tôi linh động triển khai nhiều phương án để người dân dễ dàng mua sắm” – ông Tùng cho biết.

Ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM cho biết, bên cạnh việc tổ chức phát phiếu mua hàng cho người dân, Sở liên tục tăng cường các điểm bán, trong đó mở lại các điểm bán lương thực, thực phẩm tươi sống tại các chợ truyền thống, các điểm bán của chợ, các hoạt động bán hàng lưu động. Các địa phương tổ chức đi chợ thay giúp người dân hạn chế ra khỏi nhà, ít tiếp xúc với bên ngoài.

Nhiều trạm trung chuyển chợ đầu mối còn “án binh bất động”

Theo kế hoạch, chợ đầu mối Hóc Môn dự kiến mở trạm trung chuyển hàng hóa vào đêm 18/7. Tuy nhiên đại diện đơn vị này cho biết, đến nay vẫn chưa hoạt động được do tình hình dịch COVID-19 phức tạp và nhân sự thiếu hụt do nhiều người đang bị cách ly, ở trong khu phong tỏa.

Trạm trung chuyển hàng hóa tại chợ Thủ Đức đã hoạt động từ ngày 11/7, nhưng cũng chỉ vài thương nhân tham gia giao dịch, bán trái cây khoảng 4-5 tấn/ngày. Đại diện chợ cho hay, do khu vực xung quanh chợ bị phong tỏa nhiều, việc vận chuyển hàng hóa khó khăn; cộng với thương nhân khác sợ dịch bệnh nên hạn chế đến nơi tập trung buôn bán.

Chợ đầu mối Bình Điền cũng đồng cảnh ngộ dù đã gửi đề xuất phương án khôi phục hoạt động với Sở Công thương TPHCM. Tuy nhiên, tình hình dịch COVID-19 tại địa bàn quanh chợ vẫn còn diễn biến phức tạp, liên tục phát sinh ca mắc mới...

MỚI - NÓNG
Thúc đẩy hợp tác thanh niên, khởi nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc
Thúc đẩy hợp tác thanh niên, khởi nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc
TPO - Đoàn đại biểu T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh do anh Bùi Quang Huy – Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn làm trưởng đoàn, đã thăm và làm việc với Văn phòng Điều phối chính sách Chính phủ Hàn Quốc và Bộ Doanh nghiệp vừa và nhỏ và khởi nghiệp Hàn Quốc. Nhiều nội dung liên quan thúc đẩy hợp tác thanh niên, hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc đã được chia sẻ, đề xuất.
Lần đầu xuất bản nhật ký chiến tranh của họa sĩ, phóng viên chiến trường Điện Biên Phủ
Lần đầu xuất bản nhật ký chiến tranh của họa sĩ, phóng viên chiến trường Điện Biên Phủ
TPO - Cuốn sách tập hợp ký họa, nhật ký của một chiến sĩ trẻ trong chiến dịch Điện Biên Phủ được dịch từ tiếng Anh, lần đầu được dịch ra tiếng Việt. Dịp này độc giả được đọc lại những tác phẩm viết về chiến dịch Điện Biên Phủ từ rất sớm do những tên tuổi như Trần Dần, Hữu Mai, Hồ Phương, Nguyễn Huy Tưởng chấp bút.