Mới nhất vụ 11 học sinh ăn 2 gói mì tôm chan cơm: ‘Con sâu làm rầu nồi canh’

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Liên quan đến bữa ăn bán trú của học sinh Trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Hoàng Thu Phố 1, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai chỉ có mì tôm chan cơm trong bữa sáng, nhiều giáo viên cho rằng, câu chuyện 'con sâu làm rầu nồi canh' này là lời cảnh tỉnh lớn về nhân cách của người quản lý trường học.

Liên quan đến vụ "bất thường bữa ăn bán trú, 11 học sinh ăn 2 gói mì tôm chan cơm", chiều 17/12, ông Đinh Văn Đăng – Chủ tịch UBND huyện Bắc Hà (Lào Cai) cho biết, đơn vị ra quyết định tạm đình chỉ công tác đối với ông Trần Ngọc Hà - Hiệu trưởng trường PTDTBT Tiểu học Hoàng Thu Phố 1, để phục vụ công tác điều tra, xác minh thông tin.

Cũng qua trao đổi với Tiền Phong, bà Dương Bích Nguyệt - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lào Cai cho biết: Ngày 17/12, đơn vị cùng các phòng, ban chuyên môn của huyện Bắc Hà có buổi làm việc với trường Tiểu học Hoàng Thu Phố 1.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo yêu cầu xử lý nghiêm nếu có vi phạm xảy ra; việc báo cáo của trường, của ngành cần phải trung thực, khách quan; trách nhiệm của hiệu trưởng nhà trường và những người liên quan cần được xác định rõ.

Đây không phải là chuyện hy hữu mà từ đầu năm học tới nay, ở một số địa phương, nhiều phụ huynh đã sục sôi trước việc xà xèo khẩu phần ăn của học sinh.

Nhiều suất ăn trong trường học phụ huynh đóng với số tiền 32.000-35.000 đồng nhưng nhìn có thể ước đoán giá trị chỉ 15.000-20.000 đồng, chưa nói đến vấn đề an toàn thực phẩm.

Trong khi, nhiều nhà hảo tâm, nhà giáo đang từng ngày nỗ lực mang “bữa ăn có thịt” đến với trẻ em vùng cao thì chuyện "ăn cắp miếng ăn" dường như đang xảy ra ở nhiều nơi, ngay cả ở những không gian được xem là nơi an toàn, đáng tin là trường học, trường nội trú còn rất khó khăn.

‘Con sâu làm rầu nồi canh’

Một vị hiệu trưởng chia sẻ, hình ảnh 11 học trò ăn hai gói mì tôm chan cơm ở trường PTDTBT Tiểu học Hoàng Thu Phố 1 làm đảo lộn, đổ vỡ các giá trị căn bản nhất của con người. Vị hiệu trưởng này cho rằng, sự việc là sự đổ vỡ các giá trị về niềm tin, về sự trung thực, về sự ngay thẳng của người thầy.

“Nếu câu chuyện trên đây đã diễn ra, là sự thật thì không hiểu thầy hiệu trưởng đối diện với các em học sinh thế nào? Việc bớt xén, kê giá suất ăn học sinh là việc làm thiếu đạo đức của trường học, của người thầy”- vị hiệu trưởng này nói.

Trong khi đó, thầy giáo Nguyễn Quốc Bình, hiệu trưởng trường THCS&THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội cho rằng, khi đọc được tin trên báo thì thầy thực sự phẫn nộ và không nghĩ rằng ở một ngôi trường dân tộc nội trú lại có cảnh đang tâm cắt xén bữa ăn của học sinh.

Thầy Bình cho rằng cảm thấy đau xót khi sự việc xảy ra bởi đúng là ở đâu đây trong đất nước ta nhiều nơi còn khó khăn, học sinh còn ăn cơm trắng, không đủ no phải nhận hộ trợ của nhà nước của nhà hảo tâm. Vậy mà người làm công tác ở đây lại lỡ đi làm cái việc là yêu cầu cắt xén thực đơn của học sinh.

“Tôi cho rằng, ở đây không chỉ người thầy hiệu trưởng mà đôi khi cả phòng giáo dục ở đây cần liên đới chịu trách nhiệm. Chả nhẽ các vị không đi kiểm tra bao giờ, không nghe tiếng nói của học sinh. Các giáo viên của nhà trường ở đây sao lại làm ngơ trước sự việc sờ sờ diễn ra hàng ngày mà coi như không biết”- vị hiệu trưởng này nêu quan điểm.

Thầy Bình cho rằng, câu chuyện này như một lời cảnh tỉnh, không chỉ nhân cách của người thầy. “Chúng ta đã nói việc “con sâu làm rầu nồi canh” nhưng chúng ta cần cảnh báo, báo động để ngành giáo dục có những động thái, biện pháp quyết liệt để không còn những con sâu như vậy nữa”- thầy Bình nêu quan điểm.

Trước đó, trên mạng xã hội xôn xao thông tin phản ánh của giáo viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Hoàng Thu Phố 1 về tình trạng bữa ăn bán trú của 178 học sinh dân tộc không đảm bảo chất lượng, có dấu hiệu bị bớt xén.

Cụ thể, một ngày mới bắt đầu bằng bữa sáng tại bếp ăn bán trú. Mỗi mâm có 11 đứa trẻ tranh nhau 2 gói mì tôm nấu loãng chan với cơm. Dù trên bảng thực đơn và công khai tài chính có ghi rõ, học sinh bán trú được hưởng chế độ ăn sáng mỗi em 1 gói mì tôm và 1 quả trứng. Thế nhưng theo người phụ trách nấu ăn thì tình trạng thiếu đồ ăn cho học sinh thường xuyên xảy ra.

Bữa sáng không đủ theo định lượng, bữa trưa và bữa tối cũng chẳng khá hơn khi mỗi mâm 11 người chỉ có 1 ít giò thái nhỏ cùng một nồi canh. Thế nhưng hiệu trưởng nhà trường cho rằng, như thế này là đủ khẩu phần.

Thịt cá không đủ đã đành, ngay cả những thứ rẻ tiền như rau cho học sinh ăn theo phản ánh cũng thối rữa, hư hỏng. Nhiều em học sinh được huy động xuống bếp để nhặt bỏ phần rau thối, nhưng thứ ăn được cũng chẳng còn lại là bao.

Ăn không đủ cả về chất và lượng, đến chuyện tế nhị như giấy vệ sinh cũng không có đủ. Thế nên nhiều học sinh trong trường đã có sáng kiến là sử dụng lá su su, thứ sẵn có trong sân trường thay giấy.

MỚI - NÓNG