Sáng ngày 11/6, hơn 92.000 sĩ tử lớp 9 đã bước vào buổi thi Ngữ văn - môn thi đầu tiên trong kỳ thi Tuyển sinh vào lớp 10 công lập tại TP.HCM. Đúng 10h sáng 11/6, học sinh hết giờ làm bài. Nhiều teen nhận xét đề năm nay nhẹ nhàng và dễ thở.
Buổi thi đầu tiên của teen 2K7 tại TP.HCM diễn ra khá thuận lợi. Ảnh: Lê Duy |
Đề thi gồm 3 phần: Đọc hiểu văn bản, Nghị luận xã hội, Nghị luận văn học. Đề thi rất sáng tạo, chủ đề phù hợp với lứa tuổi của học sinh, có độ phân hóa cao. Nhìn chung cấu trúc đề tương tự với năm ngoái. Đề thi lấy chủ đề BỨC THÔNG ĐIỆP CỦA THỜI GIAN để nói về quá trình trưởng thành của tuổi trẻ.
Đề thi được đánh giá là vừa sức, thú vị nhưng không hề đánh đố các teen. |
Ở phần Đọc hiểu, nhiều thí sinh tỏ ra khá thích thú khi đề hỏi về sự lựa chọn giữa "học hỏi từ quá khứ và trải nghiệm trong hiện tại". Các thí sinh cho rằng đây là câu hỏi mang tính thực tế khá cao và giúp nhận ra được nhiều bài học cho cuộc sống.
Đây là vấn đề gần gũi, thân thuộc với các teen ở độ tuổi 15 - 16. Nhiều teen chia sẻ rằng quãng thời gian dài phải sống trong dịch bệnh, trong nhiều hoàn cảnh khó khăn đã giúp các teen trưởng thành cả về mặt thể xác lẫn nhận thức. Từ đó, vấn đề mà đề thi đặt ra như một "cơ hội" để các teen có thể trải lòng và trình bày quan điểm của mình.
Ở câu Nghị luận xã hội (NLXH), đề yêu cầu thí sinh viết bài văn NLXH (khoảng 500 chữ) trình bày câu trả lời của mình về câu hỏi: Phải chăng chỉ cần thời gian trôi qua, bạn sẽ trưởng thành?
Câu Nghị luận văn học (NLVH) vẫn là một chủ đề khá gần gũi. Nhiều teen cảm thấy vui vì đề ra bài Sang thu (Hữu Thỉnh) của học kỳ 2. Đây cũng là thời gian học trực tiếp trên lớp nên các teen dễ dàng tiếp cận kiến thức và lắng nghe được lời giảng của thầy cô một cách chăm chú, kỹ lưỡng.
Đề 2 của câu NLVH cũng là một "cơ hội khác" để các teen có thể "tâm sự" về quá trình thấu hiểu bản thân. Đề thi đưa ra "dòng tin nhắn của thời gian" để từ đó các thí sinh hãy viết bài văn nghị luận về một quyển sách hoặc một tác phẩm văn học giúp thí sinh hiểu thêm về chính mình.
Bạn Nguyễn Phương Bình (học sinh trường THCS Nguyễn Văn Trỗi, quận Gò Vấp) cho biết, bản thân hoàn thành khá tốt bài thi của mình. Dù không ôn trọng tâm vào tác phẩm xuất hiện trong đề bài, nhưng Phương Bình vẫn tự tin vì đây là tác phẩm đã xuất hiện trong đề thi học kỳ 2 của trường.
Phương Bình cho biết bản thân thấy ổn sau buổi thi sáng nay. Ảnh: Lê Duy |
Thảo Trang (học sinh trường THCS Đống Đa, quận Bình Thạnh) cũng chia sẻ, Sang thu là bài thơ không quá khó để phân tích. So với các năm trước, đề thi năm nay không khó hơn các năm trước mà chỉ nằm ở mức trung bình. "Nếu các bạn nắm chắc kỹ năng, nhớ được luận điểm chính và biết cách liên hệ tác phẩm thì vẫn có thể hoàn thành thật tốt bài thi".
Thảo Trang và bạn vẫn tự tin vào bài làm của mình. Ảnh: Lê Duy |
Riêng với Vũ Quang Vinh (học sinh trường THCS An Nhơn, quận Gò Vấp) cho biết, câu 3 của đề thi đã làm cậu bạn khá bối rối. "Chủ đề mình ôn trọng tâm là người lính, nhưng đề thi lại hướng đến góc nhìn của tuổi trẻ nên cũng có chút bối rối lúc ban đầu".
Quang Vinh và bạn lại không tự tin lắm ở câu hỏi phần làm văn. Ảnh: Lê Duy |